Hôm 9-10, Israel tuyên bố phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza - nơi Phong trào kháng chiến Hồi giáo (Hamas) của người Palestine đang kiểm soát.
Đây là diễn biến leo thang mới trong cuộc xung đột giữa Hamas với Israel bắt đầu từ 7-10 và cho đến nay đã khiến hơn 1.100 người từ hai phía thiệt mạng.
Không đổ lỗi, không bỏ rơi
Cuộc xung đột trên cũng tiềm ẩn khả năng khiến chính trường thế giới và khu vực căng thẳng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ trước đó vài giờ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh khẳng định Trung Quốc phản đối bạo lực và các cuộc tấn công, nhấn mạnh mong muốn Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn sớm, chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình.
Phát biểu của bà Mao gây chú ý khi cùng ngày, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer ngay trong chuyến thăm Trung Quốc đã kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ Israel, đồng thời nói rằng ông "thất vọng" vì Bắc Kinh không thể hiện "sự đồng cảm" với Tel Aviv.
Là một đồng minh của Israel, Mỹ đang tích cực vận động cộng đồng quốc tế lên án hành vi của Hamas. Nhưng phản ứng của Trung Quốc cho thấy mục tiêu này rất khó đạt được. Đằng sau cuộc xung đột đẫm máu này không chỉ là hành động "khủng bố" riêng lẻ.
Sự kiện Hamas tấn công Israel và việc Israel trả đũa phản ánh xung đột căn bản giữa người Palestine và Israel nói riêng và người Hồi giáo với Do Thái nói chung.
Hamas ra đời với mong muốn chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại các vùng lãnh thổ của người Palestine, đồng thời thành lập một quốc gia Hồi giáo.
Tổ chức này đã tấn công lãnh thổ Israel dưới danh nghĩa đáp trả các hành động của Israel tại đền Al-Aqsa và Bờ Tây, cũng như xa hơn là hàng loạt động thái trấn áp của chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối với "những cuộc tấn công khủng bố ngày càng gia tăng của Palestine" trong hơn một năm qua.
Ngoài ra, giới phân tích còn chú ý tính thời điểm trong hành động của Hamas. Vụ tấn công Israel hôm 7-10 diễn ra không lâu sau khi lãnh đạo Israel và Saudi Arabia tuyên bố lạc quan về đàm phán hòa giải giữa hai nước này với Mỹ làm trung gian.
Một trong những điểm đáng chú ý là Saudi Arabia có thể công nhận Israel là một quốc gia - động thái vốn khiến Hamas/Palestine không thể hài lòng.
Chính vì vậy, cuộc tấn công của Hamas được cho nhằm ngăn chặn những thảo luận tiến tới thỏa thuận Saudi Arabia - Israel nêu trên, đặc biệt khi những nhượng bộ dành cho người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza ít được nhắc tới.
Nói như tờ Time ngày 9-10, đây không phải lúc đổ lỗi cho nạn nhân Israel. Tuy nhiên, số phận của người Palestine cũng không thể không được nhắc tới vì chính họ là bên chịu thiệt nhất trong xung đột vũ trang.
Chằng chịt lợi ích và xung đột
Giới quan sát nhận định triển vọng hòa bình Trung Đông vẫn hứa hẹn trong dài hạn, song hiện nay Saudi Arabia đang rơi vào thế lưỡng nan.
Saudi Arabia luôn ủng hộ Palestine, và cũng như Qatar, hiện nay Riyadh cũng không thể làm gì khác ngoài việc phải sát cánh với các nước đạo Hồi khi có xung đột với người Do Thái Israel.
Tuy nhiên, toan tính của Saudi Arabia phức tạp hơn cả việc chỉ ngồi chờ và mong tình hình sớm ổn định.
Tờ El Pais của Tây Ban Nha cho rằng mặc dù đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao hồi tháng 3, Saudi Arabia và Iran vẫn tiếp tục dè chừng nhau và cạnh tranh sức ảnh hưởng ở Trung Đông.
Theo tờ Time, Saudi Arabia dù bị cản trở kế hoạch hòa bình với Israel, lại có thể nhìn thấy lợi ích khi Hamas tấn công Israel.
Iran đã bác bỏ việc tham gia vụ tấn công nêu trên, nhưng lâu nay Tehran bị cáo buộc là người tài trợ cho Hamas. Một cuộc tấn công của Hamas như vậy đang khiến Iran suy giảm tiếng nói trong thế giới Hồi giáo.
Cộng đồng quốc tế được dự báo sẽ tăng cường "soi" Iran trong thời gian tới, và việc này tạo áp lực lớn lên quốc gia vốn đang cần tháo gỡ các lệnh cấm vận này.
Tại cuộc họp khẩn về tình hình Israel vào chiều 8-10, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được biết đã không thể thống nhất ra tuyên bố chung. Hamas có thể bị lên án vì sát hại thường dân, nhưng nhiều ý kiến vẫn thận trọng trong câu chuyện về người Palestine trước các động thái của Israel.
Nhà ngoại giao cấp cao Robert Wood của Mỹ cho biết tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an, có một số quốc gia lên án cuộc tấn công của Hamas, nhưng "dĩ nhiên không phải tất cả", ám chỉ đến Nga.
Matxcơva cũng như Bắc Kinh không đứng về phía nào trong cuộc xung đột hiện tại, đồng thời kêu gọi hai bên khôi phục hòa bình. Điện Kremlin bày tỏ lo ngại tình trạng bạo lực hiện tại có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Quan điểm "trung lập" của Nga cũng dễ hiểu khi nước này xây dựng mối quan hệ không chỉ với các nước Ả Rập, Iran, với Hamas mà còn với Israel.
Nga cũng cáo buộc phương Tây đã phớt lờ ước muốn trở thành một quốc gia độc lập Palestine theo đường biên giới năm 1967 và kêu gọi giải pháp hai nhà nước để giải quyết cuộc xung đột hiện tại.
Nhiều nước sơ tán dân
Trước tình hình xung đột leo thang, nhiều quốc gia đã tiến hành sơ tán dân khỏi Israel. Theo Hãng tin Reuters ngày 9-10, Thái Lan đang lên kế hoạch sơ tán 1.400 công dân, trong khi Nepal, Hungary, Philippines, Tây Ban Nha, Romania cũng đang nỗ lực đưa công dân hồi hương.
Một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết công dân Việt Nam tại Israel vẫn an toàn, đồng thời đưa ra khuyến cáo người dân không đến khu vực xảy ra xung đột. Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer ngày 9-10 khẳng định chính quyền Israel "chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với các công dân Việt Nam và không hề có sự phân biệt đối xử nào".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận