TTCT - Mối họa chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan mới tạm thời tránh khỏi nhờ một phi công không lực Ấn Độ, trung tá Abhinandan Varthaman. Những xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan ngày nay có một phần quan trọng là di chứng của chủ nghĩa thực dân thế kỷ trước. Ảnh: The Economist Mọi việc diễn tiến như sau: Ngày 14-2, tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, khủng bố được cho là thuộc tổ chức Jaish-e-Mohammed (JeM) đánh bom một xe của lực lượng an ninh bán quân sự Ấn Độ, giết chết 47 người. Phía Ấn Độ nhất định trừng phạt JEM, mà theo họ là được Pakistan chứa chấp và có căn cứ huấn luyện bên kia biên giới, tức khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Dư luận Ấn Độ công phẫn, không lực Ấn Độ được lệnh đánh bom nơi được cho là căn cứ của JEM (mà phía Pakistan nói chỉ là một cánh rừng và làm chết một số thường dân). Sau đó, hai máy bay tuần tra Ấn Độ vượt qua cả biên giới Kashmir vào trong không phận Pakistan: ít nhất một chiến đấu cơ Mig 21 của Ấn Độ bị máy bay F14 của Pakistan bắn hạ và rơi trên lãnh thổ Pakistan - cách biên giới 7km. Trung tá Abhinandan nhảy dù ra thoát chết, khi chạm đất bị dân chúng đuổi bắt, trung tá nổ súng ngắn chỉ thiên để thoát, nuốt vội tài liệu mật trên người và ăn không hết, thủ tiêu tài liệu còn lại ở một cái ao. Dân chúng bắt được, suýt đánh ông chết thì quân đội Pakistan đến kịp, cứu ông trung tá. Theo clip của quân đội Pakistan, ông dõng dạc chỉ khai tên họ và quân hiệu, đúng theo công ước Geneva về tù binh chiến tranh. Ông còn khen trà chai Pakistan pha ngon, quân đội Pakistan hành xử chuyên nghiệp, đúng đắn và kêu gọi báo chí, quần chúng Ấn Độ đừng kích động. Thủ tướng Pakistan Imran Khan quyết định trao trả anh hùng này, con của một thượng tướng không quân Ấn, và như thế là tạm ổn. Chủ nghĩa dân tộc của đạo Hindu Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, được bầu lên 5 năm trước bởi thành phần quốc gia chủ nghĩa và Ấn Độ giáo chủ nghĩa đang hăng say bảo vệ con bò và bài Hồi giáo. Ấn Độ là nước có nhiều công dân đạo Hồi thứ hai trên thế giới, khoảng 185 triệu người theo tôn giáo này, chỉ thua Indonesia. Tức Ấn Độ còn có nhiều người Hồi giáo hơn cả Pakistan (Tây Hồi cũ, hiện 150 triệu dân) và Bangladesh (Đông Hồi cũ, hiện 130 triệu dân). Nhưng ở Ấn Độ thì họ vẫn chỉ là… thiểu số, bởi người theo Ấn Độ giáo chiếm tới xấp xỉ 80% dân số, tức 1,2 tỉ người. Trái với ông Modi, Thủ tướng Khan của Pakistan là người ôn hòa về mặt tôn giáo và quốc gia chủ nghĩa, từng hứa hẹn sẽ hòa giải với Ấn Độ lúc tranh cử. Ông Khan lại được quần chúng Ấn Độ biết đến và ưa thích nhờ tài chơi cricket, môn thể thao quốc hồn quốc túy cả ở Ấn Độ và Pakistan. Nổi bật nhất, ông là đội trưởng đội Pakistan giành chức vô địch thế giới cricket duy nhất của nước này trong lịch sử cho tới giờ vào năm 1992. Ông Khan đắc cử nhờ một chương trình dân túy, đòi công lý và chống tham nhũng, chứ không hô hào chủ nghĩa quốc gia. Trong tranh chấp với Ấn Độ, ông là một động lực giảm chứ không phải là động lực tăng. Phải nói thêm là trong khi thủ tướng dân cử Ấn Độ là người toàn quyền quản được quân đội, thì thủ tướng dân cử Pakistan trước giờ và cho đến nay vẫn là người bị giám sát bởi “đảng” mạnh nhất nước là đảng khaki, tức quân đội. Về mặt quốc tế, Ấn Độ là đối thủ của Trung Quốc trong khu vực. Hai nước từng có chiến tranh (1962) và tranh chấp biên giới vẫn tiếp diễn, trong bối cảnh Ấn Độ là nơi trú ẩn cho chính phủ Tây Tạng lưu vong (CTA). Bán súng cho Ấn Độ và đồng minh chiến lược của Ấn Độ từng là Liên Xô cũ và giờ là Nga kế nghiệp. Ngược lại, Trung Quốc là đồng minh cần thiết của Pakistan cũng như Hoa Kỳ, trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng Afghanistan và cho đến ngày nay. Bởi thế mới có chuyện phi cơ Liên Xô sản xuất Mig 21 của trung tá Abhinandan bị phi cơ Mỹ sản xuất F16 của Pakistan bắn hạ. Nhưng trong xích mích giữa hai quốc gia đều có vũ khí hạt nhân này, thái độ của Mỹ cũng như Nga là tránh được chừng nào hay chừng nấy. Phần Trung Quốc cũng không có gì hăng say, vì nếu chiến tranh Ấn Độ - Pakistan lần thứ 5 xảy ra (sau các cuộc chiến tranh 1947, 1965, 1971 và tranh chấp Kargi 1999), thì cũng như những lần trước, khả năng là Pakistan lãnh lấy phần thất bại. Tóm lại, tình thế quốc tế ngày nay không ai muốn có chiến tranh giữa Pakistan và Ấn Độ, và ổn định với các siêu cường Mỹ, Nga, Trung Quốc là điều ưu tiên. Nhưng trong dư luận và quần chúng hai nước, Pakistan và Ấn Độ là thâm thù trong thời hiện đại, từ ngày tiểu lục địa độc lập vào năm 1947. Ấn Độ (và Pakistan) đều thuộc Anh trước thời kỳ độc lập là cả một khối lục địa vĩ đại mấy trăm chủng tộc và ngôn ngữ, với một lịch sử ngổn ngang những vương triều mâu thuẫn và tranh chấp. Khái niệm quốc gia là một khái niệm mới, theo nghĩa của Cách mạng tư sản Pháp 1789, và chủ nghĩa quốc gia theo nghĩa này là một chủ nghĩa mới trong lịch sử. Nó đặt lại những đường biên tại Âu châu, như thống nhất nước Đức hay thống nhất nước Ý mới chỉ vào cuối thế kỷ 19, hay sự tan rã của các đế quốc Áo - Hung hay Ottoman vào đầu thế kỷ 20. Di chứng của chủ nghĩa thực dân Ở thế giới thứ ba, biên giới quốc gia và căn cước quốc gia dựa trên quá khứ gần nhất là quá khứ thuộc địa. Điều gì thống nhất một quốc gia mấy ngàn đảo, cả trăm sắc tộc và ngôn ngữ như Indonesia? Đó là mấy ngàn đảo này, mấy trăm sắc tộc này từng nằm chung dưới ách cai trị của Hà Lan. Các bang Sarawak và Sabah trên đảo Borneo tại sao lại thuộc Malaysia chứ không thuộc Indonesia? Vì nó từng là thuộc địa của đế quốc Anh chứ không phải Hà Lan. Tại sao quốc gia Đông Timor ngày nay lại độc lập với Indonesia? Vì nó từng bị Bồ Đào Nha thống trị chứ không phải Hà Lan. Dĩ nhiên chất keo thuộc địa này không được hoàn hảo. Singapore vào thời kỳ độc lập tách ra khỏi liên bang Malaysia hay các dân tộc Chin, Karen ngày nay vẫn đang đòi ly khai một Myanmar định hình bởi những đường biên do Anh quốc vạch ra. Pakistan đã có thể cùng Ấn Độ (và cả Bangladesh) là một quốc gia thống nhất vào năm 1947, nhưng điều này đã không xảy ra. Lãnh tụ Ali Jinnah từng sát cánh Nehru trong Đảng Quốc đại Ấn Độ đòi độc lập, nhưng vào ngày người Anh về nước, ông tuyên bố thành lập Pakistan và ra ở riêng trên cơ sở tôn giáo. Pakistan được thành lập trên các lãnh thổ đa số Hồi giáo ở miền Tây và Đông tiểu lục địa. Hai phần Đông và Tây Pakistan cách nhau 2.200km, với Ấn Độ kẹp giữa! Thành phần lãnh đạo quốc gia và quân đội, như trường hợp Jinnah, không phải người địa phương mà là người Ấn Độ đạo Hồi di cư từ Ấn Độ sang phía Tây hay phía Đông. Người Hồi phía Đông ly khai Pakistan năm 1971 để thành lập quốc gia độc lập Bangladesh. Trong chiến tranh ly khai này, Ấn Độ vui vẻ về phe Bangladesh và khai chiến với Tây Hồi. Ngày nay tại Pakistan, mâu thuẫn này chưa giải quyết hết, với quân đội trong tay người Ấn - Hồi di cư và chính quyền dân sự thường là lãnh đạo gốc địa phương. Mâu thuẫn lớn nhất giữa Ấn Độ và Pakistan là vấn đề Kashmir. Bang này đa số dân chúng là Hồi giáo, nhưng vương triều lại theo Ấn Độ giáo. Khi độc lập năm 1947, vương triều tuyên bố chọn Ấn Độ. Kết quả của chiến tranh giữa hai quốc gia tân lập là vương triều cũ dưới thời Anh quốc đô hộ bị phân chia đôi. Đến năm 1965, hai nước lại đụng độ vì vấn đề “lãnh thổ thiêng liêng” và chiến tranh lần cuối là vào năm 1999. Trong khi đó, tại Kashmir thuộc Ấn Độ vẫn có phong trào đòi sáp nhập với Pakistan hoặc ly khai Ấn Độ và độc lập. JEM thuộc thành phần này, quá khích về mặt tôn giáo và trên nguyên tắc bị Pakistan đặt ngoài vòng pháp luật, nhưng New Delhi vẫn cho là Islamabad dung túng các tổ chức như JEM. Vấn đề hẳn là tôn giáo, khi cả Ấn giáo lẫn Hồi giáo đang có xu hướng quá khích như hiện nay, nhưng không đơn thuần chỉ là tôn giáo. Trong các thế kỷ 16-18, phần lớn lãnh thổ Ấn Độ thuộc sự cai trị của đế triều Mughal gốc Mông Cổ - Turk và theo đạo Hồi. Đế triều này đã thống nhất tiểu lục địa bằng cách thôn tính các tiểu quốc, khéo léo tôn trọng các thần dân khác đạo, tạo ra một ngôn ngữ chung mới là tiếng Urdu từ các ngôn ngữ Ả Rập, Ba Tư và Hindi. Đây là thời đại huy hoàng của tiểu lục địa, là một trong những đế quốc cường thịnh nhất thế giới vào dạo đó. Cuộc sống chung tuy không phải lý tưởng nhưng khá thành công, cho đến khi người Anh đến, áp đặt ách cai trị và khai thác thuộc địa bằng cách khoét sâu mâu thuẫn giữa các cộng đồng qua chính sách chia để trị. Khi họ buộc phải ra đi 200 năm sau, các mâu thuẫn không còn hàn gắn được nữa. Vùng Kashmir thuộc Ấn Độ ngày nay là một vùng lãnh thổ do quân đội Ấn Độ kiểm soát khắt khe mọi mặt với tỉ số 1 lính an ninh Ấn Độ/10 dân thường. Đó là một thùng thuốc nổ chực chờ. Hai nước, khu vực và cả thế giới đã tạm thoát khỏi tai họa này vào tháng 3-2019, nhưng ngòi nổ thì vẫn còn nguyên đó. Trong trường hợp chiến tranh nguyên tử giữa Ấn Độ và Pakistan, số nạn nhân gián tiếp có thể lên đến 2 tỉ người vì hậu quả thời tiết của “Mùa đông hạt nhân”. Lần này, tạm thời đã tránh được nhờ trung tá Abhinandan.■ Lần cuối cùng các máy bay chiến đấu của Ấn Độ và Pakistan tấn công lẫn nhau ở lãnh thổ của nước kia (không tính vùng Kashmir tranh chấp) là trong cuộc chiến tranh tổng lực năm 1971. Trong cuộc xung đột đó, hơn 10.000 binh sĩ thiệt mạng, hơn 100 máy bay bị bắn rơi trên bầu trời và đất nước Pakistan tan nát, khi quốc gia mới Bangladesh, được Ấn Độ hậu thuẫn, thành lập. Tags: Chủ nghĩa thực dânẤn Độ - PakistanĐạo HinduXung đột Ấn Độ - PakistanTiểu lục địa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.