Tác giả: Phạm Văn Đằng, biên tập: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ.
Có lẽ những người am hiểu lịch sử Sài Gòn - Gia Định đều biết vị tổng đốc được vua Tự Đức cử làm hộ đốc thành Gia Định, sau đó là tổng đốc Định - Biên, cai quản Gia Định và Biên Hòa trong những ngày đầu Pháp nổ súng tấn công Gia Định - là vị tướng tài Võ Duy Ninh, người đã tuẫn tiết vì không giữ được thành Gia Định.
Khúc tráng ca bi hùng về thành Gia Định
Ông Võ Duy Ninh sinh ra tại Quảng Ngãi. Ông là người văn võ song toàn và được trọng dụng, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình.
Năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Với tài trí của Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển thì liên quân bị cầm chân tại Đà Nẵng.
Năm 1859, liên quân này tấn công vào Gia Định. Vở diễn Khúc tráng ca thành Gia Định đã khắc họa hình ảnh của Võ Duy Ninh khi lãnh đạo cuộc chiến cam go này.
Một cuộc chiến không hề cân sức khi kẻ xâm lược có tàu lớn, vũ khí hiện đại trong khi Đại Nam ta chỉ có những vũ khí rất thô sơ, lạc hậu.
Cuộc đối đầu diễn ra trong thời gian rất ngắn, ông Võ Duy Ninh bị bắn trọng thương. Khi tỉnh dậy, biết thành Gia Định đã thất thủ, ông đau đớn tự cho mình bất tài không làm tròn trọng trách nên đã rút gươm tự sát.
Có thể nói, Khúc tráng ca thành Gia Định đã tạo ấn tượng đẹp với nhiều khán giả tối 27-1. Xem vở sử Việt mà không ít người lấy tay chùi nước mắt.
Bởi không thương sao được khi thấy những con người nhỏ bé phải gồng mình chống đỡ cuộc tấn công như vũ bão.
Và ở đó là hình ảnh người đứng đầu thành Gia Định là Võ Duy Ninh dù biết rõ lực lượng mình ở thế yếu nhưng vẫn kiên cường bảo vệ thành, bảo vệ chúng dân, giang sơn.
Khí tiết của ông khiến những người đi sau cứ thế mà tiếp nối, đứng lên để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Tập thể cùng dệt nên "khúc tráng ca"
Tác giả trẻ Phạm Văn Đằng chia sẻ anh đeo bám đề tài này khoảng 2 năm và dành 9 tháng để viết.
Anh bày tỏ viết về đề tài sử rất khó khăn vì phải lựa chọn tài liệu và xử lý như thế nào.
"Nhưng tôi may mắn được nhiều cô chú, anh chị giỏi nghề đồng hành, giúp đỡ. Như chị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, ban giám đốc nhà hát, chú Hoàng Song Việt, cô Hoa Hạ, cô Tú Lệ và gia đình của ông Võ Duy Ninh… Khúc tráng ca thành Gia Định có được là nhờ công sức của cả tập thể" - Phạm Văn Đằng bày tỏ.
Đạo diễn Hoa Hạ thì tâm sự: "Khi dựng những vở sử về Gia Định, tôi có cơ hội tìm hiểu kỹ và cảm thấy quá yêu mảnh đất nơi đây.
Với vở này, tôi khâm phục ông Võ Duy Ninh dù thời gian chiến đấu ngắn ngủi và thất bại nhưng ông đã tạo nên hào khí cho dân Gia Định. Thấy tự hào vì mảnh đất ấy có máu của bao người đổ xuống.
Theo tôi, vẫn còn ít người biết về ông nên với vở diễn tôi mong rằng sẽ có tượng của ông được dựng lên ở thành phố ta để mọi người được biết, được nhớ về ông".
Sau khi xem vở, NSƯT Lê Thiện rưng rưng nói: "Lâu lắm tôi mới xem được một vở cải lương mà sử dụng nhiều bài bản rất trúng, không hề có sự lê thê. Tôi coi mà cứ khóc vì quá xúc động.
Chính cách xử lý sân khấu, bài bản tốt mà đẩy được tiết tấu của vở. Các diễn viên trẻ cũng diễn rất tốt. Tiếc là sân khấu hơi nhỏ, nếu cỡ Nhà hát Bến Thành thì những cảnh đối đầu giữa ta và quân xâm lược sẽ hoành tráng và ấn tượng hơn".
Khúc tráng ca thành Gia Định có sự tham gia của các nghệ sĩ Lê Tứ, Tú Sương, Lê Hồng Thắm, Điền Trung, Thy Trang, Trọng Nghĩa, Hoàng Hải…
Sau đêm diễn tối 27-1, nhà hát sẽ làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố để có kế hoạch đưa vở diễn phục vụ công chúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận