Trần Thị Khánh, chị liệt sĩ Trần Văn Trúc - Ảnh: Ngọc Quang |
Trong hai ngày 5 và 6-4, đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội cùng Ban liên lạc hội cựu quân nhân hải quân các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam đã đến thăm, trao tiền hỗ trợ của bạn đọc báo (Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh) cho thân nhân 12 liệt sĩ hi sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Khi đón nhận số tiền hỗ trợ 20 triệu đồng/suất, tất cả thân nhân các liệt sĩ đều bất ngờ và vô cùng xúc động trước nghĩa cử của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, cũng như sự chu đáo, tận tình của báo khi trực tiếp đến từng gia đình thăm hỏi, trao tiền.
Gần 30 năm sau những mất mát to lớn khi người thân của mình đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo, gia cảnh của các thân nhân liệt sĩ vẫn còn gặp vô vàn khó khăn.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, đơn vị, các nhà hảo tâm, cuộc sống của thân nhân các liệt sĩ đã dần được cải thiện.
Hầu hết gia đình các liệt sĩ đã được đơn vị, các tổ chức, cá nhân ủng hộ để xây dựng những căn nhà tình nghĩa. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn hiện hữu với thân nhân các liệt sĩ.
Bà Trần Thị Khánh (61 tuổi) là chị gái ruột của liệt sĩ Trần Văn Chức hiện vẫn thui thủi một mình sống ở thôn Lưu Xá Bắc, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, Thái Bình ngay trên mảnh đất liệt sĩ Chức từng sinh ra, lớn lên.
Dẫn chúng tôi về nhà bà Khánh, ông Nguyễn Đình Triệu, nguyên Đại tá, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng hải quân, hiện là Trưởng Ban liên lạc Hội truyền thống hải quân tỉnh Thái Bình, cho biết trong chín liệt sĩ người Thái Bình hi sinh tại Gạc Ma ngày 14-3-1988 thì gia cảnh của liệt sĩ Chức là khó khăn nhất.
Chị ruột của liệt sĩ là bà Khánh tuổi đã cao, lại sống đơn thân, một mình thui thủi thờ cúng liệt sĩ Chức và liệt sĩ Trần Văn Thố (chú ruột của bà Khánh và liệt sĩ Chức) trong căn nhà cấp 4 lụp xụp.
“Là người hương khói cho 2 liệt sĩ, nhưng theo chế độ hiện hành, bà Khánh không được hưởng chế độ gì ngoài tiền hương khói 500.000 đồng/năm cho mỗi liệt sĩ.
Bản thân bà Khánh thì luôn bệnh tật, có tiền sử bệnh thần kinh. Mãi đến năm 2015, Bộ tư lệnh Hải quân mới ủng hộ 60 triệu đồng để xây dựng cho bà Khánh một căn nhà tình nghĩa làm nơi hương khói, thờ phụng liệt sĩ Chức và liệt sĩ Thố” - ông Triệu tâm sự.
Tuy căn nhà mới đã cơ bản hoàn thành, nhưng hiện bà Khánh vẫn sinh hoạt ở ngôi nhà cấp 4 lụp xụp bên cạnh.
Căn nhà mới chỉ có duy nhất ban thờ với di ảnh, cùng 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trên tường.
Theo bà Khánh, ngồi nhà hoàn thiện xong với tổng chi phí khoảng 150 triệu đồng, ngoài tiền hỗ trợ 60 triệu thì anh chị em trong nhà vẫn phải gom góp, vay mượn thêm để hoàn thành căn nhà, lấy nơi thờ cúng 2 liệt sĩ.
Cũng không khác gì gia cảnh bà Khánh là hoàn cảnh của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (thôn Hậu, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, Thái Bình).
Bố đẻ liệt sĩ Phương là ông Nguyễn Mạo năm nay đã 77 tuổi, mẹ Nguyễn Thị Gái cũng 78 tuổi. Cả 2 ông bà đều già yếu, ốm đau thường xuyên. Ông bà Mạo có 3 người con trai, và thời điểm năm 1988 thì cả 3 bố con đều trong quân ngũ.
Ông Mạo công tác tại quê nhà, anh trai liệt sĩ Phương khi đó đang công tác tại biên giới Bình Liêu, Quảng Ninh.
Giờ, cuộc sống khó khăn, người con lớn sau khi từ biên giới Bình Liêu về thì bươn chải lên tận Hà Nội làm nghề thợ xây. Người con trai út ở nhà cũng làm thợ xây và có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già.
Khi đón nhận tấm lòng hảo tâm của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, tất cả thân nhân các liệt sĩ đều rất xúc động.
Ông Vũ Văn Nghiệp, bố đẻ liệt sĩ Vũ Văn Thắng (thôn Văn Hàn, xã Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình), tâm sự: “là gia đình chính sách, chúng tôi không vì thế ỷ lại, trông chờ, chúng tôi vẫn lao động sản xuất để tự lực vươn lên. Tuy nhiên cuộc sống nơi thôn quê cũng còn nhiều khó khăn, vì thế sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ cũng như sự giúp đỡ của xã hội càng khiến chúng tôi trân quý, tôn trọng. Với khoản tiền khá lớn này, gia đình chúng tôi sẽ góp vào để xây dựng nhà thờ gia đình, thờ cúng tiên tổ cũng như con trai tôi. Xin cảm ơn tấm lòng của mọi người”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận