Thông tin vừa được Bộ Công Thương đưa ra tại tọa đàm dự báo tình hình xuất khẩu sang Mỹ năm 2025, do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức.
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng - tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2024 tình hình chính trị nội bộ tại Mỹ có nhiều biến động khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ và ông Donald Trump thắng cử.
Nhiều chính sách sẽ đảo chiều, áp thuế nhiều hơn?
Vì vậy dự báo năm 2025, ông Hưng cho hay với chính quyền tổng thống mới sẽ có tác động hết sức to lớn, thậm chí là thay đổi, đảo chiều tình hình chính trị, kinh tế, tài chính thế giới và khu vực.
Đó là xu hướng bảo hộ nhiều hơn, biện pháp phòng vệ thương mại gia tăng đáng kể. Thực tế trong năm 2024, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ bị khởi xướng điều tra với 10 vụ.
Nước này cũng triển khai mạnh mẽ đạo luật về chống lao động cưỡng bức; cấm nhập khẩu hàng từ Tân Cương… khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng do bị trả lại, chậm thông quan nên hàng hóa bị tăng giá thành.
Để ứng phó với lạm phát, thâm hụt thương mại, đạo luật thương mại có đi có lại đang được vận động để Quốc hội thông qua, cho phép Mỹ tăng thuế để áp dụng đối ứng với các quốc gia có mức thuế cao hơn mức thuế hiện đang áp dụng của Mỹ.
Như vậy, các quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thuộc nhóm các nước bị xem xét áp thuế, tiếp theo là EU và Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam.
Cùng đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ xem xét sớm áp dụng biện pháp truyền thống như tăng thuế điều tra, áp dụng đạo luật thương mại 1974, tăng thuế mở rộng với các quốc gia liên quan nhằm hạn chế khả năng chuyển tải của Trung Quốc.
Dù vậy đối với Việt Nam, ông Hưng cho hay giới chức nước này đánh giá rất cao việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện khi hai nước đều coi nhau là đối tác có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu, từ đó thúc đẩy hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại đi vào chiều sâu trong thời gian tới.
Xử lý chênh lệch cán cân thương mại
Tuy nhiên, hiện nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều trong 10 tháng đầu năm 2024 là 112 tỉ USD. Thặng dư thương mại Việt Nam sang Mỹ là 102 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ và chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico về thặng dư thương mại với Mỹ, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu khối các nước ASEAN sang Mỹ.
Vì vậy, ông Hưng cho rằng việc thực hiện cân bằng cán cân thương mại hài hòa bền vững cùng có lợi ngày càng trở nên cấp bách. Trong đó Việt Nam cần tiếp tục thực hiện cam kết về mở cửa thị trường, đẩy nhanh giải quyết kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, thể hiện cam kết của ta trong duy trì quan hệ thương mại và đầu tư.
"Quan điểm của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump là đang quay về lĩnh vực năng lượng truyền thống, đưa Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu về năng lượng. Vì thế, chúng ta vẫn còn dư địa để hợp tác với Mỹ về năng lượng, khai thác đất hiếm, giúp cho quan hệ kinh tế thương mại đi vào chiều sâu" - ông Hưng nhận định.
Còn TS Miguel A. Ferrer - CEO Công ty cổ phần công nghệ VloT - nhận định xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhờ lợi thế về chi phí lao động, hạ tầng hiện đại và dòng vốn FDI mạnh từ các tập đoàn lớn, củng cố năng lực xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, đồ gỗ và sản phẩm công nghệ cao tiếp tục dẫn đầu và được hỗ trợ từ các hiệp định thương mại.
Dù vậy, ông Miguel A. Ferrer nhận định các thách thức như chính sách bảo hộ thương mại, giám sát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, chi phí logistics cao, cạnh tranh từ Mexico, Ấn Độ đặt ra áp lực không nhỏ.
Cùng đó, nguy cơ suy thoái kinh tế và biến động toàn cầu có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ. Vì vậy ông khuyến nghị Việt Nam cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm thông qua đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu; đầu tư mạnh mẽ vào logistics và số hóa.
Do đó, ông Hưng khuyến nghị trước mắt cần đặc biệt giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại, lưu ý đạo luật lao động, tránh nguy cơ điều tra. Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý về nguồn gốc xuất xứ, nhập khẩu nguyên liệu của Mỹ, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận