Phóng to |
Chế biến cá xuất khẩu tại Công ty Agifish An Giang - Ảnh: T.T.D. |
Đồng euro giảm giá có nghĩa hàng xuất khẩu vào EU trở nên đắt đỏ hơn dù giá bán bằng đôla không đổi. Vì vậy, nhiều nhà nhập khẩu của EU đã yêu cầu nhà xuất khẩu giảm giá bán, nếu không họ sẽ ngưng mua hàng.
Chi phí tăng, giá giảm
1,62 tỉ USD Đó là tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong năm tháng đầu năm 2010. Theo Bộ NN&PTNT, con số này tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại TP.HCM cho biết đầu năm 2010 giá bán cá tra sang EU ở mức 2,7 USD/kg nhưng nay chỉ còn 2,3-2,4 USD/kg vì khách hàng yêu cầu giảm giá bán do đồng euro mất giá. Nếu như đầu năm 2010, khách hàng EU chỉ phải bỏ ra 1,87 euro để mua 1kg cá tra thì nay dù công ty vẫn bán với giá theo USD không đổi nhưng họ phải chi ra trên 2,2 euro/kg.
“Đã thế tâm lý e ngại đồng euro sẽ tiếp tục giảm giá trong thời gian tới đã làm các nhà nhập khẩu không dám đàm phán các hợp đồng lớn và thời hạn giao hàng xa. Để bán được hàng chúng tôi đành chấp nhận giảm lợi nhuận thông qua giảm giá bán”, vị giám đốc này cho biết.
Đồng euro suy yếu bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ của các nước châu Âu, nhưng lại tác động nặng nề đến các công ty xuất khẩu vào thị trường này. Chỉ trong vòng năm tháng, đồng euro đã mất giá khoảng 15% giá trị so với đồng USD. Điều này có nghĩa là để có được USD trả cho nhà xuất khẩu, phía nhập khẩu phải chi thêm nhiều euro hơn.
Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Công ty Agifish, cho biết chính áp lực giảm giá từ thị trường EU đã làm giá cá tra nguyên liệu trong nước giảm mạnh từ 17.000 đồng/kg hồi quý 1 xuống còn dưới 16.000 đồng/kg.
Bà Cao Thị Kim Lan, giám đốc Công ty Thủy sản Bình Định (Bidifishco), cho biết công ty buộc phải giảm giá một số mặt hàng để đảm bảo hoạt động của nhà máy. Với 60% doanh số từ thị trường EU nên mỗi biến động dù nhỏ tại thị trường này đều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty.
“Cái khó cho doanh nghiệp trong nước là mọi chi phí đầu vào hiện nay đã tăng so với năm ngoái nhưng giá xuất khẩu lại không tăng, thậm chí một số thị trường còn giảm”, bà Lan cho hay.
Hiện Bidifishco đang phải đau đầu giải quyết bài toán giá nhập khẩu nguyên liệu chế biến tăng 10-30%, các chi phí đầu vào khác cũng tăng 7-10% so với năm ngoái nhưng không có cách nào tăng giá bán.
Chuyển hướng
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), trong bốn tháng đầu năm nay mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU khoảng 17%, thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành (20%) và thua khá xa so với các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc...
“Đồng euro yếu cùng một số nguyên nhân khác đã tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu thủy sản VN vào EU” - ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP, cho biết.
Để giải quyết khó khăn này, theo ông Phạm Quang Diệu, giám đốc Công ty Phân tích thị trường nông sản Agromonitor, các doanh nghiệp cần chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường phi truyền thống, các thị trường đang nổi lên. Đó có thể là các thị trường ngay trong châu Âu như Bulgaria, Romania, Czech... vốn tăng trưởng khá ấn tượng trong năm ngoái và tiềm năng còn nhiều, cũng như xuất khẩu sang các khu vực khác như Trung Đông, Trung Quốc...
Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc Công ty Hùng Vương, nhận định một số thị trường mà các doanh nghiệp có thể tận dụng trong giai đoạn hiện nay là Nga, Mỹ, Trung Đông... Trong khi thị trường Nga đang hồi phục mạnh mẽ sau các cải tổ về xuất khẩu và thủ tục thanh toán, thì nhu cầu của thị trường Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên sau sự cố tràn dầu làm giảm sản lượng khai thác thủy sản nội địa.
Xuất khẩu dệt may chưa bị tác động Theo ông Lê Quốc Ân - chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, việc tỉ giá đồng euro sụt giảm so với đồng USD và VND, với ngành dệt may có thể nhận diện ở cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Chẳng hạn, đối với việc nhập khẩu máy móc, vật tư trang thiết bị phục vụ ngành may, các nhà xuất khẩu ở thị trường EU lại thanh toán bằng đồng euro nên đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nhập khẩu của ngành có thể tận dụng lợi thế này. Trong khi đó với xuất khẩu, đặc biệt với các sản phẩm may mặc, các nhà nhập khẩu lại chọn phương thức thanh toán bằng đồng USD, “xét về yếu tố cạnh tranh, có thể các nhà xuất khẩu dệt may sẽ bị thiệt trong tương lai”, ông Ân nói. Theo ông Lê Quang Hùng - chủ tịch HĐQT Công ty Garmex Sài Gòn, hiện vẫn chưa thấy nhà nhập khẩu có động thái gì về tỉ giá chênh lệch giữa đồng euro với đồng USD, các đơn hàng vẫn được thực hiện đều đặn. T.V.N. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận