Ông Trần Tuấn Anh cho rằng cần nghiên cứu xu hướng xuất khẩu sang Mỹ tăng - Ảnh: N.A.
Ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ Công thương, đã đưa ra thông tin như vậy tại buổi làm việc với Cục Phòng vệ thương mại vào sáng 9-8.
"Các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ tiếp tục mở rộng, điều tra chống gian lận xuất xứ, điều tra chống chuyển tải gian lận thương mại. Đây là nguy cơ lớn cản trở và thách thức cho phát triển của nền kinh tế Việt Nam" - ông Trần Tuấn Anh nhận định.
Trong khi đó, bất cập hiện nay là những hiểu biết về hội nhập nói chung và phòng vệ thương mại nói riêng còn hạn chế, chưa có sự thống nhất và phối hợp thực hiện hiệu quả giữa các cấp ngành và địa phương.
"Doanh nghiệp phải chủ động chứ không có chuyện nhà nước làm thay doanh nghiệp đi tìm hiểu quy định thông tin về thương mại quốc tế, phòng vệ thương mại", Bộ trưởng nói.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn chứng một số nguy cơ cao khi năm 2018 chỉ có 13/37 mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến, thì 6 tháng đầu năm 2019 tăng lên 15 mặt hàng.
Trong số đó, có những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ như xơ sợi dệt tăng 92,87%, sắt thép tăng hơn 81%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 51%, điện thoại và linh kiện tăng 13%, điện dây cáp điện hơn 100%, máy quay phim và thiết bị điện tử 83%, nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng hơn 50%…
Điều đáng chú ý là có sự trùng khớp về việc các mặt hàng này cũng nhập khẩu tăng đột biến và đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ. Do đó, Bộ trưởng cho rằng đây là thực tế cảnh báo, cần cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng bởi những nguy cơ gian lận xuất xứ.
"Nếu ta không có biện pháp, giải pháp đảm bảo sự phối hợp nhanh chóng, khắc phục quan liêu trong phối hợp cơ quan hành chính thì sẽ có những điểm nóng phức tạp, tiềm ẩn xảy ra" - Bộ trưởng lo ngại.
Trước đó, ông Dương Triệu Dũng - cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại - cho biết trong 7 tháng đầu năm 2019 đã điều tra chống bán phá giá để bảo vệ sản xuất trong nước với 4 vụ việc, thẩm định hồ sơ 3 vụ việc và rà soát cuối kỳ 1 vụ việc, theo dõi hiệu quả áp dụng biện pháp chống bán phá giá 2 vụ việc.
Các vụ việc này tập trung vào ngành hàng như thép, tôn màu, nhôm, ván gỗ, đường lỏng…
Đối với các biện pháp tự vệ, Bộ Công thương đã theo dõi hiệu quả áp dụng của 4 vụ việc liên quan đến ngành bột ngọt, tôn màu, phôi thép, thép dài…
Cục Phòng vệ thương mại cũng đang hoàn thiện kết luận điều tra về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ với sản phẩm thép dây, thép cuộn…
Theo đánh giá, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại góp phần bảo vệ việc làm cho trên 100.000 người lao động, khuyến khích sản xuất trong nước. ..
Những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước, tăng nguồn thu cho ngân sách, giúp nhiều doanh nghiệp thoát khỏi thua lỗ, từng bước ổn định sản xuất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bảo hộ gia tăng thì Việt Nam đang chịu thêm 7 vụ việc phòng vệ thương mại, cùng với hơn 10 vụ đang phải đối phó hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận