Với dư địa xuất khẩu còn rất lớn, nhiều đơn vị sản xuất đang tính toán mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu những sản phẩm được chế biến từ gạo, trong đó trọng tâm là phở.
Sản lượng xuất khẩu tăng mạnh
Là đơn vị xuất khẩu các sản phẩm như mì, bún, phở, bánh tráng... đi hàng chục quốc gia, bà Lê Thị Giàu - chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (TP.HCM) - cho biết sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp này tăng đều mỗi năm.
Trong đó, các thị trường chính như Hàn Quốc, Canada, Mỹ, châu Âu... luôn tăng trưởng ổn định, đặc biệt là Hàn Quốc.
Cụ thể, lượng phở xuất khẩu của Bình Tây qua Hàn Quốc đạt trung bình 4 container, thậm chí 5-6 container vào giai đoạn cao điểm, tăng gần gấp đôi năm trước. "Với nhu cầu ngày càng tăng, phở có thể được xem như là món ăn khoái khẩu của nhiều người Hàn, người Nhật. Nhắc đến phở, nhiều người nhớ ngay đến VN", bà Giàu khẳng định.
Theo đại diện Công ty Duy Anh Foods (TP.HCM), doanh nghiệp đã xuất khẩu các sản phẩm làm từ gạo sang nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, riêng mặt hàng phở, mỗi tháng đơn vị xuất khẩu khoảng 3-4 container.
Trong đó thị trường Hàn Quốc chiếm khoảng 30-40% lượng xuất. "Các nước chuộng loại phở truyền thống nên đây là sản phẩm phở chủ lực của đơn vị trong thời gian qua. Tuy vậy, với kinh nghiệm sản xuất hàng chục năm qua và quy mô, chủng loại sản xuất được điều chỉnh tăng dần, đơn vị sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu mới từ các đối tác", vị này nói.
Phải nâng tầm thương hiệu phở Việt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết các dòng sản phẩm như bánh tráng, bún, phở... sẽ tiếp tục được xuất khẩu tốt.
"Văn hóa ẩm thực có nét tương đồng, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, Nhật Bản... ngày càng đông, năng lực sản xuất nhiều doanh nghiệp trong nước được cải thiện... là những lý do chính giúp thị trường xuất khẩu đối với bún, phở... ngày càng rộng mở", bà Chi nhận định.
Theo các doanh nghiệp, VN là quốc gia sản xuất các sản phẩm từ gạo hàng đầu thế giới, trong khi người Hàn Quốc và Nhật Bản lại rất thích sản phẩm này.
Đây là một lợi thế rất lớn. Tuy vậy, thị trường xuất khẩu bún, phở... của VN chỉ thực sự rộng mở trong vài năm gần đây nhưng mới đáp ứng một phần nhỏ tại các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thực phẩm cho biết người Nhật có mì Ramen, Hàn Quốc có mì Udon, còn VN tự hào về sản phẩm phở. Tuy vậy, xét về mặt thương hiệu, phở Việt vẫn chưa thể bằng Ramen, Udon...
"Do đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác hình ảnh, làm thương hiệu cho các sản phẩm được làm từ gạo nói chung và phở nói riêng. Nếu khai thác tốt, giá trị xuất khẩu sẽ tăng mạnh", vị này nói.
Theo các chuyên gia, để việc thương mại hóa các mặt hàng thực phẩm đặc trưng của người Việt như phở đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp phải đầu tư và xây dựng bài bản hơn, đồng thời cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước để nâng tầm hơn nữa các thương hiệu như "phở Việt".
"Không chỉ là việc mua bán đơn thuần, mà cần đầu tư xây dựng câu chuyện "phở Việt" từ góc độ sản xuất, bảo tồn... cho đến phương thức xúc tiến để giới thiệu, quảng bá món ăn đặc trưng này đến khách quốc tế. Đây sẽ là cách thu hút du khách rất tốt", bà Giàu nói.
Theo đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, VN đang có khoảng 30 đơn vị chuyên sản xuất bún, phở... để phục vụ xuất khẩu với quy mô lớn.
Trong đó, sản phẩm phở xuất đi chủ yếu là dạng khô được đóng bịch quy cách trên dưới 1kg để phục vụ khách hàng là các nhà hàng, quán ăn; và phở gói nhỏ hơn để tiện lợi cho người dân mua lẻ về tự chế biến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận