15/12/2021 17:07 GMT+7

Xuất khẩu năm 2021 có thể đạt 330 tỉ USD, vẫn tăng bất chấp dịch COVID-19

N.AN
N.AN

TTO - Nhờ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, xuất khẩu năm 2021 có thể đạt mức 330 tỉ USD.

Xuất khẩu năm 2021 có thể đạt 330 tỉ USD, vẫn tăng bất chấp dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2021 do Bộ Công thương tổ chức - Ảnh: N.KH

Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu năm 2021 do Bộ Công thương tổ chức ngày 15-12, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, kim ngạch xuất khẩu sau 11 tháng đạt trên 300 tỉ USD, dự kiến cả năm đạt 330 tỉ USD, tăng 17% so với năm trước.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hết 11 tháng, có 34 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, trong đó 7 nhóm hàng đạt trên 10 tỉ USD, như điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may, giày dép, gỗ, sắt thép...

Kết quả này có được, theo lãnh đạo Bộ Công thương, là nhờ hoạt động xúc tiến xuất khẩu vừa qua. Đặc biệt là các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được duy trì, kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh.

Những phương thức truyền thống thông qua tổ chức hội chợ, triển lãm cũng "không còn nhiều không gian", thay vào đó là sự chuyển dịch sang các phương thức xúc tiến xuất khẩu mới dựa trên nền tảng số.

Mặc dù vậy, ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nêu ra ba thách thức trong xúc tiến xuất khẩu. Đó là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến nguồn cung thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng... trong khi năng lực cung ứng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn yếu, chưa đáp ứng được các đơn hàng nhập khẩu đòi hỏi chất lượng cao, số lượng lớn.

Trong khi đó, tập quán thương mại, thói quen tiêu dùng đã thay đổi, chuyển sang mua sắm trực tuyến, xúc tiến trực tuyến nhiều hơn nhưng năng lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.

Thêm nữa là cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu đã có, nhưng "thực tế luôn đi nhanh hơn chính sách", nên cũng khiến xúc tiến thương mại chậm nhịp hơn với yêu cầu thực tiễn.

Để cải thiện hiệu quả xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh, bà Trần Thị Hồng Minh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - gợi ý, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại cần chuyển nhanh, mạnh hơn nữa để cụ thể hóa việc chia sẻ thông tin dữ liệu, phân tích dữ liệu... nhằm tận dụng nguồn dữ liệu này cho các hoạt động xúc tiến.

Tuy vậy, bà cho rằng cũng không nên thay đổi các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, đồng thời nghiên cứu kịch bản cho cơ chế xử lý tranh chấp trực tuyến với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.

"Xúc tiến thương mại không nên tập trung ở một mặt hàng hay thị trường cụ thể, mà tính tới sự liên kết, giữa các thị trường. Khi đó, cùng một công sức, hoạt động xúc tiến xuất khẩu sẽ có tính lan tỏa, kết nối và gia tăng giá trị xuất khẩu lên gấp bội", bà Minh nhận xét.

Người trẻ kinh doanh hàng Việt giữa thời COVID-19 Người trẻ kinh doanh hàng Việt giữa thời COVID-19

Khi vừa tốt nghiệp đại học cũng là lúc nhiều người trẻ phải đối diện với thực tế: làm việc gì để tồn tại trước 'cơn bão' COVID-19? Duy và Sơn là hai trong số những người trẻ đã kiên trì với việc kinh doanh sản phẩm thuần Việt trên Shopee.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên