04/08/2023 13:03 GMT+7

Xuất khẩu lao động tăng, nhiều cơ hội cho người trẻ

Sáu tháng đầu năm 2023, trên 72.000 lao động Việt Nam đã đi nước ngoài làm việc, tăng gấp rưỡi so với năm 2022.

Người lao động tham gia kỳ thi tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (Chương trình EPS) tại Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Người lao động tham gia kỳ thi tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (Chương trình EPS) tại Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liêm cho biết tình hình đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc khả quan, các thị trường truyền thống vẫn chiếm ưu thế. Ông Liêm nói:

- Sau dịch COVID-19, các nước đều tăng nhu cầu tuyển dụng. Con số nói trên đạt gần 66% so với kế hoạch đưa 110.000 người đi xuất khẩu lao động năm nay. So với năm 2022 chỉ là 46.500 người thì con số này tăng 1,55 dù mới sáu tháng đầu năm.

* Như ông nói thị trường truyền thống vẫn khá sôi động?

- Những nơi tiếp nhận nhiều nhất là Nhật Bản trên 34.500 người, Đài Loan khoảng 31.500 người, Hàn Quốc hơn 1.600 người. Một số thị trường như Ả Rập Xê Út, UAE, Qatar cũng đề nghị tiếp nhận lao động Việt Nam. 

Tuy nhiên, không phải cứ nước nào có nhu cầu là ta đưa người đi mà còn phụ thuộc mong muốn của người lao động, việc hợp tác đào tạo...

Mục tiêu của chúng ta là nâng cao tay nghề lao động, ngoại ngữ, tìm hiểu phong tục tập quán, văn hóa các nước. Chúng tôi đàm phán để đưa lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ sang làm việc tại khu vực Trung Đông với chi phí thấp, yêu cầu học vấn không quá cao. 

Suy thoái kinh tế chắc chắn ảnh hưởng đến việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng nhu cầu thị trường đang tăng. Các doanh nghiệp cũng đang tập trung đào tạo nhân lực theo kế hoạch và nhu cầu tiếp nhận các nước tăng, ổn định nên số lượng có tăng so với cùng kỳ.

Lao động Việt Nam ra nước ngoài cần phải đáp ứng tiêu chí của những công việc phức tạp hơn chứ không thể mãi làm việc đơn giản, chân tay.
Ông NGUYỄN GIA LIÊM

* Thưa ông, những ngành nghề nào hiện được các nước quan tâm, tiếp nhận lao động Việt Nam?

- Thị trường không mở rộng địa lý mà mở rộng nhu cầu ngành nghề. Như Hàn Quốc tăng tuyển lao động ngành đóng tàu từ tháng 6 năm ngoái. Vừa qua, nước này đã tháo gỡ các quy định, tăng tốc độ và tăng cả số lượng cần tuyển. Rồi các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp tại Hàn Quốc cũng tăng số lượng.

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn tập trung vào ngành sản xuất chế tạo, sản xuất công nghiệp và một ít trong ngành xây dựng, nông - lâm - ngư nghiệp. Còn các nước khu vực Trung Đông mong muốn có thêm lao động ngành xây dựng, dầu khí, cơ khí, đóng tàu, sản xuất chế tạo.

Châu Âu khi ổn định dần cũng tăng tuyển lao động Việt Nam. Tuy nhiên, các nước châu Âu có yêu cầu bắt buộc lao động đã có tay nghề, trình độ nhất định. Về lâu dài, chúng ta xác định chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn học hỏi kiến thức, kỹ năng và rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ.

* Lời khuyên của ông cho những bạn trẻ muốn đi làm việc ở nước ngoài để nâng cao thu nhập là gì?

- Cần chú ý thông tin và lựa chọn các ngành nghề nước ngoài đang thiếu như cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin. Một số thị trường có nhu cầu cao trong lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sức khỏe. 

Nhưng yêu cầu tiên quyết vẫn là ngoại ngữ. Muốn nâng cao thu nhập, các bạn cần đầu tư tiền bạc, thời gian học để nâng cao kiến thức, kỹ năng tay nghề cho mình.

Không phải bạn nào cũng biết hết các khoản như vé máy bay, visa, khám sức khỏe, bảo hiểm nên thường thông qua người quen môi giới, trung gian mà như vậy sẽ phát sinh chi phí cao hơn. Do đó, người lao động nên nộp chi phí trực tiếp qua doanh nghiệp, không qua trung gian hay chi nhánh và cần lấy phiếu thu có đủ dấu, tên doanh nghiệp khi nộp. 

Nếu phát hiện sai phạm có thể gọi đến số điện thoại của Cục Quản lý lao động ngoài nước 024.38249517, website: dolab.gov.vn hoặc báo với cơ quan chức năng gần nhất.

* Một số lao động tại Nhật cho biết việc đồng yen liên tục giảm khiến cuộc sống của họ khá khó khăn, có giải pháp nào không, thưa ông?

- Dự báo đồng yen Nhật sẽ tiếp tục giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc, động viên người lao động, nhất là các bạn trẻ cố gắng vượt qua giai đoạn này, tránh ảnh hưởng đến tâm lý cũng sẽ tác động tới công việc.

Giải pháp tốt nhất lúc này cần tích lũy đồng yen đợi khi tăng trở lại và hạn chế chuyển tiền về nước ngay. Chúng tôi cũng tiếp tục đàm phán để hỗ trợ việc ăn ở, sinh hoạt phí cho người lao động. Lao động ở Nhật có thể xem xét chuyển đổi ngành nghề để có thu nhập tốt hơn. Trong trường hợp lao động muốn về nước, doanh nghiệp phái cử sẽ trao đổi, thỏa thuận thêm.

Đề nghị nới chính sách cho vay vốn để thanh niên đi học, xuất khẩu lao độngĐề nghị nới chính sách cho vay vốn để thanh niên đi học, xuất khẩu lao động

Chiều 29-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có buổi đối thoại với thanh niên thủ đô năm 2023 với chủ đề Thanh niên Hà Nội khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên