Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang thị trường này khoảng 24.000 tấn/năm bởi chưa thực sự cạnh tranh được với gạo của các quốc gia khác.
Theo báo cáo của Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, với mặt hàng gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan.
Cụ thể, mặc dù gạo là mặt hàng nhạy cảm nên nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu, thậm chí không mở cửa thị trường trong đàm phán FTA, nhưng với EVFTA, EU đã chấp nhận dành cho Việt Nam hạn ngạch tương đương khoảng 100.000 tấn/năm với thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (gấp hơn 3 lần mức hiện nay Việt Nam đang xuất sang EU là khoảng 24.000 tấn/năm).
Ngoài ra, gạo tấm xuất khẩu vào EU không có hạn ngạch và sẽ được xóa bỏ thuế theo lộ trình; sản phẩm từ gạo hạt cũng sẽ được EU đưa về mức thuế 0% trong vòng 7 năm.
Theo các phân tích, với cam kết này, riêng đối với gạo (trừ gạo tấm), mức giảm thuế của EU giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm được gần 17 triệu EUR (khoảng 20 triệu USD) tiền thuế một năm.
Với thâm niên 20 năm xuất khẩu gạo, Việt Nam từ những bước đi chập chững đã vươn lên vị trí thứ 3 về xuất khẩu gạo trên thế giới. Song, mấy năm trở lại đây, gạo Việt đang trên đà đi xuống khi liên tiếp gặp phải những khó khăn như thị trường xuất khẩu thu hẹp, cạnh tranh gay gắt bởi các nước tăng cường sản xuất gạo. Hơn nữa, trong khi các nước tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao thì Việt Nam vẫn còn trồng lúa có năng suất cao. Điều này đã khiến cho giá và lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nếu tại thị trường Mỹ năm 2014, Việt Nam bán được 70.000 tấn, Thái Lan bán được 400.000 tấn gạo thì ngay năm sau đó, Thái Lan vẫn duy trì được con số này trong khi Việt Nam sụt giảm lượng gạo xuất khẩu chỉ còn 44.000 tấn. Tương tự, gạo Việt xuất khẩu vào thị trường EU cũng giảm dần từ 24.000 tấn xuống còn 20.000 tấn năm 2014 và 18.000 tấn năm 2015. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do gạo Việt đang bị gạo Campuchia, Thái Lan giành mất thị phần.
Mặc dù Việt Nam cùng với Thái Lan và Ấn Độ là 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng không thể phủ nhận thực tế gạo thơm Thái Lan đã trở nên quá quen thuộc với các khách hàng châu Âu nói chung và thị trường 28 nước thuộc EU nói riêng, trong khi gạo Việt Nam mới đang ở bước xây dựng hình ảnh.
Thị trường EU là thị trường có nhu cầu về gạo cao cấp với yêu cầu rất khắt khe từ chất lượng sản phẩm tới các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, uy tín của doanh nghiệp, quy trình sản xuất... Vì vậy, muốn xâm nhập thị trường này, cần phải có những hiểu biết về thói quen và sở thích của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của thị trường.
Người châu Âu sử dụng gạo trong bữa ăn hằng ngày ít hơn người châu Á và châu Phi. Không những thế, họ lại ưa chuộng loại gạo thơm hơn, chất lượng cao hơn các loại gạo mà Việt Nam đang xuất khẩu. Chính vì thế, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu thấp, chỉ mang tính chất “qua lại” là chính.
Chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân cho rằng sau mấy chục năm phát triển mạnh mẽ, gạo Việt lại quay về với câu chuyện nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để giữ thị phần. Rất khó để được như Thái Lan nhưng chúng ta có thể tham khảo cách làm mà Campuchia - một nước đi sau đang làm, bởi không phải tự nhiên mà quốc gia này nổi lên như một “hiện tượng” trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Chỉ mới đặt chân vào lĩnh vực này 5 năm mà gạo Campuchia đã nổi tiếng trên thế giới khi 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và có tới 8 thương hiệu để trưng bày tại một hội chợ thương mại lương thực lớn được tổ chức ở Bangkok (Thái Lan).
“Người nông dân không thích trồng giống lúa dài ngày, năng suất thấp. Việt Nam vẫn sản xuất chạy theo sản lượng, một năm 3 vụ, mỗi vụ năng suất khoảng 4-6 tấn/ha. Như vậy không thể nào có giống ngon được. Nếu có ngon thì cũng dẻo dẻo chút thôi chứ không thể bằng gạo Campuchia được”, ông Võ Tòng Xuân chia sẻ.
“Chuyển dịch thói quen sản xuất cho thị trường cấp thấp sang dần thị trường cấp cao là việc không hề đơn giản, nhưng các nhà hoạch định chiến lược, doanh nghiệp và người nông dân đều đã có chung nhận thức về vấn đề này. Tất cả vì mục tiêu gạo Việt cạnh tranh sòng phẳng được với sản phẩm gạo của các quốc gia xuất khẩu khác tại thị trường EU”, ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận