26/03/2020 12:29 GMT+7

Xuất khẩu gạo: rà lại rồi tính tiếp

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Trước băn khoăn về lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo, sáng 25-3, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã giải thích và khẳng định không có chuyện yêu cầu doanh nghiệp hủy hợp đồng xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo: rà lại rồi tính tiếp - Ảnh 1.

Trúng mùa lúa vụ đông xuân mang lại nhiều niềm vui cho người dân tại ĐBSCL - Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo ông Khánh, bối cảnh hiện nay là dịch bệnh diễn biến căng thẳng, hạn mặn xảy ra và nhu cầu lương thực thế giới tăng cao. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh.

Ông Khánh nói: Giá cả trong nước cũng có biến động theo chiều hướng chung, tăng từ 20-25% tùy theo từng chủng loại. Nếu việc xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như 2 tháng đầu năm thì Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước.

Nếu việc xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như 2 tháng đầu năm thì Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước. (Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương)


Có bất nhất?

* Bộ Công thương đưa ra hai kiến nghị, lúc đầu là đề nghị tạm ngừng, sau đó lại đề nghị vẫn cho xuất khẩu gạo. Vậy lý do là gì, thưa ông?

- Với sản lượng hiện nay đã thu hoạch 9 triệu tấn lúa, tương đương 4 triệu tấn gạo, trong điều kiện bình thường tôi khẳng định sẽ không thiếu gạo mà còn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Thế nhưng những tháng đầu năm nay, dịch COVID-19 gây ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhu cầu với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có gạo, đang tăng rất nhanh và đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống cho người dân. Giá cả trên thị trường thế giới biến động mạnh. Điều này gây nên sự bất định vì không biết lúc nào dịch bệnh mới được kiểm soát, nhu cầu dự trữ gạo của thế giới ra sao.

Thêm nữa, hiện nay giá gạo trong nước cũng tăng từ 20-25%. Vì vậy, trên cơ sở dự phòng yếu tố bất định và các số liệu đã có, Bộ Công thương đã đưa ra đề xuất đầu tiên là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo tới tháng 5-2020. Tôi xin nhấn mạnh đây là yêu cầu giãn tiến độ hợp đồng xuất khẩu, chứ không hủy hợp đồng.

Sau đó, Bộ Công thương nhận được phản ảnh của doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương vùng ĐBSCL cho rằng có thể số lượng gạo tồn kho ở trong dân lớn hơn. Tình hình xuất khẩu trong tháng 3 có thể không tăng mạnh như dự báo nên phải xác minh lại. Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng cho Bộ Công thương thời gian để làm việc với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, cho phép kiểm tra lại một lần nữa.

* Bộ Công thương quản lý ngành, tại sao lại có độ vênh về số liệu với các địa phương, doanh nghiệp, thưa ông?

- Trước đây lượng gạo sản xuất, lượng gạo ký hợp đồng, gạo tồn kho Bộ Công thương nắm rất chắc thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi có nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công thương không còn số liệu này nữa, bởi thị trường gạo đã tự do hóa hoàn toàn.

Theo đó, mọi số liệu chính thống mà Bộ Công thương có được là từ Hiệp hội Lương thực, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thống kê... Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng cho thêm thời gian để xác minh lại, trên tinh thần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Xuất khẩu gạo: rà lại rồi tính tiếp - Ảnh 3.

Nguồn: Bộ NN&PTNT - Đồ họa: TUẤN ANH

Đã đánh giá tác động

* Việc tạm dừng xuất khẩu gạo, Bộ Công thương có đánh giá tác động hay không?

- Chúng tôi đã đánh giá tác động. Bộ Công thương đưa ra hai phương án: một là tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến giữa tháng 5, và hai là đưa ra chế độ giấy phép, miễn là làm sao kiểm soát xuất khẩu, vừa đảm bảo tiến độ hợp đồng đã ký và đảm bảo an ninh lương thực.

Sau khi cân nhắc ý kiến các bộ ngành, Thủ tướng quyết định tạm giãn tiến độ trong 2 tháng, đến cuối tháng 5. Khi tạm giãn như vậy sẽ xuất hiện một số vấn đề. Với hợp đồng đã ký với bên ngoài, doanh nghiệp có thể sử dụng biện pháp đây là trường hợp bất khả kháng, quyết định của Chính phủ, không phải là hủy hợp đồng mà là tạm giãn tiến độ.

Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn vì phải vay vốn ngân hàng, dự kiến Bộ Công thương sẽ làm việc với ngân hàng để giãn thời gian trả nợ. Chúng ta cần phải có kiểm soát đảm bảo an ninh lương thực cho người dân, đặt mục tiêu đó là cao nhất. Còn những câu chuyện khó khăn đến với doanh nghiệp cũng là dễ hiểu, nhưng chúng tôi đã tính toán để có phương án giảm thiểu khó khăn, thiệt hại.

* Hiện có thông tin Trung Quốc thu gom mua lúa và nhiều nơi không còn lương thực, Bộ Công thương nắm vấn đề này thế nào?

- Với thị trường Trung Quốc, lượng xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm chỉ 66.000 tấn. Trung Quốc chiếm thị phần rất nhỏ, mặc dù tốc độ tăng lớn hơn nhiều so với cùng kỳ. Hiện Trung Quốc chiếm dưới 10% trong tổng nguồn cung gạo của Việt Nam ra các thị trường.

* Tình hình hạn mặn kéo dài ở ĐBSCL sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng lúa cả năm?

- Bộ NN&PTNT sẽ có đánh giá đầy đủ nhất. Theo chúng tôi nhận được đánh giá mới nhất thì hạn mặn ảnh hưởng tới hơn 40.000ha lúa tại ĐBSCL, tức chỉ từ 11-12% tổng diện tích đã bị ảnh hưởng kỳ hạn mặn năm 2016. Nếu hạn mặn dừng lại ở mức độ đó thì tác động sản lượng lúa gạo tới vùng là không nhiều.

* Chúng ta đã có nghị định 107/2018, liệu có công cụ nào khác thay vì tạm ngừng xuất khẩu gạo?

- Năm 2018, khi làm nghị định 107, có sự trao đổi và thống nhất ý kiến của đại đa số doanh nghiệp và chuyên gia rằng đã đến lúc cần có sự tự do hóa nhất định với hoạt động xuất khẩu gạo, thậm chí đề xuất bãi bỏ toàn bộ giấy phép xuất khẩu gạo.

Do đó, Bộ Công thương trình nghị định 107, xét yếu tố trong thời gian dài ta không có câu chuyện gì với xuất khẩu gạo cả và quyết định tự do hóa xuất khẩu gạo, chỉ giữ lại giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo để có sự kiểm soát nhất định, còn cơ bản không có công cụ nào khác.

Công cụ như báo cáo về việc ký kết hợp đồng xuất khẩu, lượng hàng đã mua, lượng tồn kho, tiến độ thực hiện hợp đồng... không còn nữa. Việc điều hành của Bộ Công thương chủ yếu dựa trên nguồn số liệu hải quan, tổng hợp nguồn xuất nhập khẩu, Bộ NN&PTNT…

“Chúng tôi khẳng định vẫn đảm bảo cân đối đủ, thậm chí còn thừa nhu cầu trong nước... Việc xuất khẩu gạo tăng nhưng hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát. (Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ NN&PTNT)

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp:

Xuất khẩu gạo tăng nhưng trong tầm kiểm soát

Trong 2 tháng đầu năm, do dịch COVID-19, Trung Quốc, Philippines, Indonesia... đăng ký mua gạo Việt Nam, có thời điểm tăng trên 600%.

Chủ trương của Việt Nam năm nay xuất khẩu bình quân 6-7 triệu tấn gạo, thu về 3 tỉ USD. Chúng tôi khẳng định vẫn đảm bảo cân đối đủ, thậm chí còn thừa nhu cầu trong nước, vì dự tính sản lượng vụ đông xuân trên cả nước đạt khoảng 20-22 triệu tấn lúa. Việc xuất khẩu gạo tăng nhưng hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát.

CHÍ TUỆ

Đang đấu thầu mua 270.000 tấn lúa, gạo dự trữ quốc gia

Chiều 25-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Việt Đức - tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ - cho biết việc tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ giúp cho công tác đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia được thuận lợi hơn. Hiện Tổng cục Dự trữ đang đấu thầu rộng rãi mua 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa để nhập kho dự trữ quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Lượng thóc, gạo dự trữ được mua chủ yếu là lúa, gạo thu hoạch vụ đông xuân ở Nam Bộ. Như năm 2019, cả nước dự trữ 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa và sẽ được dùng cấp phát, hỗ trợ trong năm nay cho các đối tượng như học sinh trường nội trú hay cứu đói cho bà con mùa giáp hạt...

Ông Đức khẳng định thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, số thóc, gạo dự trữ quốc gia trong năm nay sẽ được mua đảm bảo cả chất và lượng.

L.THANH

Vẫn tạm dừng xuất khẩu gạo

Ngày 25-3, Văn phòng Chính phủ gửi thông báo truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề ngưng hay tiếp tục cho xuất khẩu gạo. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương, các DN xuất khẩu gạo chủ chốt để đánh giá về nguồn cung thóc gạo... để báo cáo Thủ tướng trước ngày 28-3, từ đó xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo.

Trong khi chờ báo cáo, Thủ tướng vẫn yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Với các hợp đồng đã ký sẽ được xử lý cụ thể sau khi đoàn kiểm tra trên báo cáo.

Cũng trong thông báo này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương và các bộ, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua.

TR.MẠNH

Tính toán kỹ sao cho hài hòa

Ông Phạm Thái Bình, giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), chia sẻ việc dừng xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến uy tín, có thể phải đền bù. "Giá lúa ngay lập tức đã giảm xuống, thiệt hại chính là người nông dân. Lẽ ra nhân cơ hội thế giới đang cần, phải khuyến khích xuất khẩu với giá cao".

Ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Công ty Vinacam, phân tích thời gian qua nhiều người tăng mua gạo để dự trữ vì COVID-19. Nhưng khi dân mua nhiều, gạo chỉ chuyển từ kho nhà máy vào nhà dân chứ gạo không mất đi. Người dân cũng không thể tăng tiêu thụ gạo lên gấp đôi ngày thường được...

lua ngon 1 2(read-only)

Dây chuyền đóng gói gạo tại một công ty ở tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: CHÍ QUỐC

Với xuất khẩu, ông Hải dẫn thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết năm nay VN có thể xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo. ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa đông xuân là nguồn cung quan trọng nhất cả năm. Người dân thời gian qua bị thiệt hại nặng nề do giá nông sản giảm sút, tình hình hạn mặn nghiêm trọng lẽ ra được bán lúa giá cao thì nay sẽ khó tiêu thụ nếu doanh nghiệp ngưng mua vì không thể xuất khẩu.

Theo PGS.TS Trần Tiến Khai (Đại học Kinh tế TP.HCM), đúng là trong dịch bệnh, cần chú trọng an ninh lương thực. Nhưng phải dựa trên căn cứ vào số liệu sản xuất, tình hình tiêu thụ, an ninh lương thực và khả năng xuất khẩu. Nếu chưa rõ, có nhiều hình thức để hạn chế và kiểm soát xuất khẩu để đạt mục đích giảm xuất khẩu, tăng giá trị mà không cần cấm. Lịch sử cho thấy chúng ta đã lỡ cơ hội xuất khẩu gạo giá cao khi cấm xuất khẩu gạo trước đây.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thiệt hại do hạn mặn ở ĐBSCL ở mức trên 30.000ha trong tổng số trên 1,5 triệu ha lúa đông xuân là không lớn bằng vụ năm 2015-2016 (thiệt hại do hạn mặn lên tới 150.000ha). Sản lượng lúa đông xuân năm nay tương đương với năm ngoái. Cả năm nay VN vẫn có thể xuất khẩu được khoảng 6,5 triệu tấn gạo.

Trần Mạnh

Tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới, hợp đồng đã ký sẽ xem xét cụ thể Tạm ngưng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới, hợp đồng đã ký sẽ xem xét cụ thể

TTO - Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về đề nghị của Bộ Công thương về tiếp tục cho xuất khẩu gạo, đồng thời Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo để điều chỉnh việc xuất khẩu gạo.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên