23/10/2019 18:02 GMT+7

Xuất khẩu dệt may cán mốc 40 tỉ USD giữa thương chiến Mỹ - Trung

N.AN
N.AN

TTO - Một số ngành hàng của dệt may giảm sâu như ngành sợi nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay vẫn có thể đạt được 40 tỉ USD.

Xuất khẩu dệt may cán mốc 40 tỉ USD giữa thương chiến Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Xuất khẩu dệt may năm 2019 có thể cán mốc 40 tỉ USD - Ảnh: NA

Thông tin được ông Cao Quốc Hưng - thứ trưởng Bộ Công Thương - đưa ra tại Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt và may, thiết bị và nguyên phụ liệu 2019 ngày 23-10.

Theo ông Hưng, hiện nay Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may trên thị trường thế giới với giá trị xuất khẩu năm 2018 đạt trên 36 tỉ USD và ước tính năm 2019 đạt 40 tỉ USD.

Đây cũng là ngành tạo việc làm cho trên 2 triệu người lao động, và tiếp tục tạo ra khoảng 200 ngàn việc làm mới mỗi năm, ông Hưng cho rằng việc nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất của ngành dệt may đã đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung.

Ông Cao Hữu Hiếu - giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cũng cho biết thêm hết tháng 9-2019 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,3 tỉ USD, so với kế hoạch đã đạt 70%.

Với tốc độ đơn hàng như hiện nay, kế hoạch xuất khẩu dệt may có thể đạt được 40 tỉ USD, mặc dù chịu nhiều sức ép lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

"Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại này rất nặng nề đối với ngành dệt may, đặc biệt là ngành sợi. Giá sợi giảm rất sâu so với các năm trước, khách hàng không quan tâm nhiều. Đặc biệt là những đơn vị sợi đầu tư không bài bản và không lấy chất lượng là hàng đầu", ông Hiếu nói.

Đạt được kết quả trên, theo ông Hiếu, là hiện nay ngành may mặc đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Đơn cử như hầu hết các nhà máy may của Vinatex đã đầu tư toàn bộ hệ thống máy cắt, thay thế các vị trí chiếm dụng nhiều lao động, công nghệ thiết kế 3D.

Tuy nhiên, ngành may có đặc thù là ngành thời trang, yêu cầu có bàn tay con người, sự sáng tạo và khéo léo, nên các công đoạn khác cũng chưa thể dùng máy móc để thay thế.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, để vượt qua được khó khăn của thương chiến, doanh nghiệp dệt may cần quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, thiết bị hiện đại, nguyên phụ liệu mới, phù hợp, hợp lý hóa hệ thống quản lý sản xuất và quản lý chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Lo cho ngành dệt may Lo cho ngành dệt may

TTO - Ngành dệt may liên quan đến hơn 1,5 triệu nhân công đang chứng kiến hàng loạt chương trình phục vụ mục tiêu phát triển ngành giai đoạn 2010-2020 gần như đã 'phá sản' hoàn toàn.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên