10/06/2014 00:13 GMT+7

Xuất khẩu cá tra phải đăng ký

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TT - Ngày 9-6, tại hội nghị do Bộ NN & PTNT tổ chức, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL bày tỏ băn khoăn về việc có thể sẽ bị “làm khó” khi nghị định 36 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực từ 20-6.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám cho biết nghị định 36 đã được chuẩn bị từ năm 2009, việc triển khai nghị định này nhằm đảm bảo sản xuất, xuất khẩu sản phẩm cá tra có thương hiệu, chất lượng tốt và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên vẫn có không ít doanh nghiệp lẫn đại diện cơ quan quản lý nhà nước băn khoăn.

Không muốn bị “gác cửa”

Không được hiệp hội chứng nhận thì không cho xuất

Trả lời câu hỏi xung quanh việc nghị định 36 giao cơ quan chức năng quy định giá sàn mua cá nguyên liệu nhưng “nếu doanh nghiệp không thực hiện thì có bị chế tài?”, ông Tám cho rằng mục tiêu của nghị định về giá sàn là đảm bảo cho người nuôi, doanh nghiệp có lãi. Nhưng nếu doanh nghiệp nào không mua theo giá sàn được công bố thì không được phép xuất khẩu, bởi đó là một trong hai điều kiện quan trọng (gồm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và không mua thấp hơn giá sàn) để được xuất khẩu, nếu không được Hiệp hội Cá tra VN chứng nhận thì hải quan không cho xuất.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - thắc mắc không hiểu quy định “doanh nghiệp muốn xuất khẩu cá tra phải đăng ký với Hiệp hội Cá tra VN” nhằm mục tiêu gì. “Khi có một quy định nào ảnh hưởng đến hành nghề doanh nghiệp thì phải xuất phát từ việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong hiệp hội có nhiều doanh nghiệp, việc đăng ký này liệu có ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác không?” - ông Dũng đặt câu hỏi.

Bà Nguyễn Thị Ánh, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Ngọc Xuân (Tiền Giang), cho rằng việc đăng ký xuất khẩu là bất cập, không cần thiết. Bởi lực lượng hải quan thay mặt Nhà nước quản lý xuất khẩu và tất cả hợp đồng, khách hàng, giá cả doanh nghiệp đều công khai hết trong tờ khai cho hải quan. “Giờ bắt buộc doanh nghiệp khai với hiệp hội nữa, nếu ổng làm chậm mà tàu hàng tôi đi trễ thì ai chịu?” - bà Ánh đặt vấn đề.

Về những băn khoăn này, ông Vũ Văn Tám lý giải không phải toàn bộ việc kiểm soát về điều kiện nuôi, chế biến và xuất khẩu giao hết cho Hiệp hội Cá tra VN mà các khâu, công đoạn này như phê duyệt quy hoạch, giám sát, kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào (giống, chế phẩm, thức ăn...), quy trình nuôi đến chế biến, xuất khẩu đều do cơ quan quản lý nhà nước làm. Việc đăng ký xuất khẩu với hiệp hội chỉ là trên cơ sở những việc cơ quan nhà nước đã chứng nhận đủ điều kiện, hiệp hội chỉ rà soát các khâu đó đủ điều kiện chưa và cấp xác nhận đủ điều kiện xuất khẩu chứ không phải kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất. “Thay vì cơ quan nhà nước làm thì giao cho Hiệp hội Cá tra VN, việc này cũng phù hợp với cải cách hành chính” - ông Tám khẳng định.

Ngán nộp phí, lo chất lượng “so le”

Các doanh nghiệp cũng bày tỏ lo ngại khi phải nộp thêm phí thẩm định kinh doanh thương mại cá tra và quy định các cơ sở nuôi cá tra phải được chứng nhận chuẩn VietGAP từ cuối năm 2015, trong khi chuẩn này chưa được các nước trên thế giới công nhận. Theo ông Dũng, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nên công nhận các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với quy định pháp luật VN (Global gap, ASC, BAP...) chứ không phải chờ đề nghị đàm phán công nhận lẫn nhau về chuẩn nuôi vì quá trình đó kéo dài chưa biết đến bao giờ. Về phí thẩm định, ông Dũng cho rằng điều này trái với tinh thần pháp lệnh về phí và lệ phí. “Việc kinh doanh cá tra chưa phải là ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện. Nghị định 36 cũng chưa khẳng định đây là ngành kinh doanh có điều kiện mà chỉ đặt ra những việc mà người nuôi, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước phải làm” - ông Dũng nói.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết đã giao Tổng cục Thủy sản bàn với cơ quan nước ngoài về quản lý chứng chỉ VietGAP. Theo đó, có sự so sánh chứng chỉ này và các chứng chỉ quốc tế khác có gì tương đồng, chưa tương đồng. “Trên cơ sở đó, khi xây dựng các chứng chỉ quốc tế thì xây dựng phần chênh cao hơn chuẩn VietGAP, vì vậy người nuôi, doanh nghiệp chỉ chi một khoản kinh phí chênh lệch này để đáp ứng các chứng chỉ quốc tế khác VietGAP mà thôi” - ông Tám nói.

Bà Trần Kim Mai - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cũng đề nghị thông tư hướng dẫn nghị định 36 nên làm rõ vấn đề phí thẩm định theo hướng “giảm nhiều chừng nào tốt chừng nấy” cho doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phải chi phí kiểm nghiệm (chỉ tiêu vi sinh, kháng sinh, chất lượng giống, chứng nhận VietGAP, Global GAP...) khoảng 4.000 đồng/kg cá thành phẩm. Vì vậy, nghiên cứu xem có thể chia sẻ từ hoạt động nào của quy trình sản xuất, chế biến trên hay không để tránh việc phí chồng phí” - bà Mai đề nghị.

H6TE0XG5.jpgPhóng to
Nghị định 36 quy định doanh nghiệp muốn xuất khẩu cá tra phải đăng ký với Hiệp hội Cá tra VN - Ảnh: Chí Quốc

Giá cá tra tiếp tục giảm mạnh

Ngày 9-6, ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cho biết tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đang trầm lắng, doanh nghiệp mua rất hạn chế và giá tiếp tục giảm chỉ còn 21.000-21.500 đồng/kg. Giá cá tra giống cũng giảm mạnh, loại cá hai phân chỉ còn 15.000 đồng/kg nhưng rất khó bán.

Đ.VỊNH

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên