03/02/2025 09:38 GMT+7

Xuất khẩu 2025 ứng phó 'ẩn số Trump' ra sao?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khơi mào 'chiến tranh thương mại' với việc tăng thuế nhiều đối tác lớn và có thể còn nhiều động thái nữa.

Xuất khẩu 2025 ứng phó 'ẩn số Trump' - Ảnh 1.

Ngành dệt may cần tập trung vào đổi mới công nghệ, chuyển đổi sang sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn bền vững của thị trường quốc tế - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ về định hướng xuất khẩu và những thách thức đặt ra cho năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng năm 2025 nhiều dự báo cho thấy vẫn sẽ có những cơ hội và thách thức đan xen.

Xuất khẩu 2025 ứng phó 'ẩn số Trump' - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

* Thưa bộ trưởng, ông nhận định thế nào về tình hình thế giới và trong nước, tác động đến lĩnh vực xuất khẩu ra sao?

- Đó là tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến khó lường. Cạnh tranh sẽ gia tăng, nhất là từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan... 

Các nước phát triển áp dụng nhiều tiêu chuẩn, quy định mới khắt khe hơn về chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Đặc biệt, kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Donald Trump dẫn đến tình trạng thu gom hàng "chạy thuế", làm cho nhu cầu và giá cước vận chuyển container tăng mạnh.

Quá trình này có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam trong việc đón đầu các xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng để thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng hơn vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước thách thức về cạnh tranh xuất khẩu về giá do gia tăng các chi phí về logistics và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu.

Thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều rủi ro như xung đột tại Trung Đông, Nga - Ukraine, các chính sách bảo hộ. Tuy vậy, nguy cơ xung đột thương mại lan rộng khi Mỹ nâng thuế có thể tạo thuận lợi cho Việt Nam trong đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu để thay thế Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Song chúng ta cũng cần lưu ý đến các thách thức lớn về việc Mỹ có thể thực hiện việc áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do thặng dư thương mại cao, các xu hướng về đầu tư núp bóng, gian lận nguồn gốc xuất xứ... trong khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi chậm.

Với kết quả của năm 2024 khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỉ USD, tăng 14,3%, sẽ tạo đà cho năm 2025. Bởi doanh nghiệp (DN) Việt đã chủ động khai thác có hiệu quả sự phục hồi của thị trường và các hiệp định thương mại tự do (FTA), đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, mở rộng thêm nhiều thị trường mới cùng các hoạt động hỗ trợ DN đã giúp cho hoạt động xuất khẩu ngày càng sôi động.

Trước nguy cơ xung đột thương mại lan rộng khi Mỹ nâng thuế, có thể tạo thuận lợi cho Việt Nam trong đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu để thay thế Trung Quốc... Song chúng ta cũng cần lưu ý đến các thách thức lớn về việc Mỹ có thể áp thuế cao với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

* Vậy những ngành hàng xuất khẩu nào sẽ nắm vai trò chủ lực và yêu cầu đổi mới ra sao để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh?

- Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Đó là nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo với hàm lượng công nghệ cao như điện tử, máy móc thiết bị. 

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ triển khai các giải pháp để tăng tỉ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm trên cơ sở thu hút đầu tư vào sản xuất, xuất khẩu chất bán dẫn, đáp ứng yêu cầu về môi trường...

Nhóm các sản phẩm có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày sẽ tập trung vào đổi mới công nghệ, chuyển đổi sang sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn bền vững của thị trường quốc tế.

Với nhóm hàng nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn và phát triển bền vững.

Một chính sách quan trọng là bộ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021 - 2030, trong đó tích hợp các mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu bền vững, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải.

37

Là số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024 đạt trên 1 tỉ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 69%).

* Đã có thêm nhiều FTA được ký kết, Bộ Công Thương sẽ làm những gì để giúp DN khai thác hiệu quả?

- Cùng với việc đàm phán ký kết các FTA, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN khai thác tối đa lợi ích từ các hiệp định. Đó là việc tổ chức các chương trình đào tạo, hội nghị và tư vấn cho DN về quy tắc xuất xứ hàng hóa nhằm tận dụng các ưu đãi thuế quan. 

Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ DN xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, môi trường và phát triển bền vững. Các chương trình kết nối DN với các nhà cung cấp uy tín trong nước và quốc tế sẽ giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh chương trình hỗ trợ DN trong việc chuyển đổi số, đặc biệt là đối với các DN nhỏ và vừa, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng và tiến độ giao hàng...

* Ông Đỗ Hà Nam (phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam, chủ tịch HĐQT - tổng giám đốc Intimex Group):

"Vua cà phê" kỳ vọng 2025 tiếp tục là năm vang dội

Xuất khẩu 2025 ứng phó 'ẩn số Trump' - Ảnh 3.

Nhiều nông dân Việt giàu lên nhờ giá cà phê tăng mạnh so với các năm trước - Ảnh: TRUNG TÂN

Chúng tôi là đơn vị xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam trong năm 2024 với kim ngạch đạt khoảng 1 tỉ USD, tăng rất mạnh so với năm 2023. Nhiều nông dân Việt cũng giàu lên nhờ giá mặt hàng này tăng mạnh so với các năm trước.

Cà phê robusta là dòng chủ đạo của Việt Nam, dòng có hương vị mà nhiều nhà thu mua trên thế giới không thể bỏ qua. Giá cà phê robusta đã có giai đoạn cao nhất thế giới. Để giá trị cà phê Việt Nam được cải thiện và hút khách, nông dân và DN phải tiếp tục đồng lòng tiến lên; đồng lòng sản xuất, chế biến, điều tiết lượng mua bán phù hợp...

Hiện khách hàng tại nhiều nước đã quen dùng cà phê Việt Nam. Việt Nam đang làm tốt việc cung cấp sản phẩm hàng hóa có chứng nhận chống phá rừng. Nhu cầu về cà phê trên thế giới còn lớn, trong khi sản lượng hàng của chúng ta tương đối ổn định.

Với ba lý do trên, khả năng năm nay vẫn là năm thành công của ngành hàng này. Nếu thuận lợi, giá trị xuất khẩu của cà phê Việt Nam kỳ vọng có thể giữ mức kỷ lục gần 5,5 tỉ USD của năm ngoái.

Tuy vậy, về lâu dài cần tăng chế biến sâu bởi dù phát triển nhanh nhưng tỉ lệ cà phê được chế biến sâu của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng lượng xuất khẩu. Kỳ vọng trong 5 năm tới, tỉ lệ này đạt tối thiểu 30%, khi đó giá trị xuất khẩu càng được cải thiện.

Riêng Intimex, giai đoạn 2 nhà máy sản xuất cà phê hòa tan dự kiến hoạt động vào cuối 2025, nâng sản lượng lên gấp đôi với khoảng 8.000 tấn. Với 16 đơn vị đang hoạt động trong ngành, chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu cà phê 2025 đạt 1,5 tỉ USD.

* Ông Nguyễn Chánh Phương (phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM):

Kỳ vọng Nhà nước bảo vệ doanh nghiệp

Ngành gỗ Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024. Xuất khẩu tăng trưởng trên 20%, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 35 - 40% tổng lượng xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

Chính quyền của ông Donald Trump có thể tiếp tục áp dụng chính sách đánh thuế cao vào hàng hóa Trung Quốc, tạo lợi thế cho các nước khác trong đó có Việt Nam.

Mặc dù có lợi thế về thặng dư thương mại và chúng ta cũng nhập khẩu khoảng 300 triệu USD gỗ từ Mỹ, Việt Nam vẫn có nguy cơ bị Mỹ áp thuế xuất khẩu cao. Cạnh tranh trong ngành gỗ vẫn rất cao và tỉ suất lợi nhuận không còn như trước. Do đó, các DN cần tăng cường quản trị để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh và lợi nhuận giảm.

Một vấn đề đáng lưu ý là ngành gỗ vẫn là ngành thâm dụng lao động, nhưng lực lượng lao động đang dần qua tuổi vàng, gây khó khăn cho các DN.

DN kỳ vọng Nhà nước tiếp tục phát triển nguồn tài nguyên rừng trồng bền vững, bao gồm cả rừng trồng cây gỗ lớn, có chính sách thu hút FDI công nghệ cao, đầu tư cho lao động và duy trì các nền tảng pháp lý, bảo vệ DN trong nước trước các rào cản thương mại và thuế quan.

* Ông Cao Hữu Hiếu (tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex):

Việt Nam vẫn có cơ hội bứt tốc

Chúng tôi đã tính đến về kịch bản xấu nhất là Mỹ đánh thuế Trung Quốc 60% thì các nước khác (gồm Việt Nam) có thể bị đánh thuế 10 - 20%, Việt Nam vẫn có cơ hội bứt tốc ở thị trường này. Còn nếu mức thuế thấp hơn, ta sẽ có lợi hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức khéo léo về ứng xử khi một loạt nhà đầu tư Trung Quốc dịch chuyển và tăng cường mở rộng nhà máy tại Việt Nam để tránh thuế. Cũng phải nghe ngóng các xung đột Nga - Ukraine nếu có thể chấm dứt cũng sẽ là điểm tích cực cho kinh tế thế giới, Việt Nam và một số ngành (trong đó có ngành dệt may).

Ngoài yếu tố tốt lên của thị trường thì sự thay đổi nội lực có vai trò lớn, đặc biệt là đổi mới sáng tạo trong điều hành sản xuất. Phải nói rằng kết quả kim ngạch đạt được năm 2024 là 44 tỉ USD nhưng chủ yếu là từ DN FDI.

Vẫn câu chuyện nhiều năm mà chúng ta bị nút thắt cổ chai là nguyên liệu xuất xứ từ vải. Không phải chúng tôi không quan tâm đầu tư mà rất khó phát triển, đặc biệt khi quy định môi trường càng ngày càng khắt khe hơn, đầu tư lớn và nguồn nhân lực dệt nhuộm càng ngày càng khan hiếm.

Vì vậy, nếu các DN Việt không đầu tư xuất xứ nguyên liệu, chắc chắn lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết sẽ mang lại cho DN FDI.

Xuất khẩu 2025 ứng phó 'ẩn số Trump' - Ảnh 4.Đằng sau kỳ tích xuất khẩu và những cuộc đàm phán mở đường cho doanh nghiệp

Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đóng vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên