02/01/2017 11:15 GMT+7

Xuất huyết giảm tiểu cầu nguy hiểm không?

LÊ ĐINH
LÊ ĐINH

TTO - Theo TS.BS Nguyễn Hữu Châu Đức (giảng viên Trường ĐH Y dược Huế), tiểu cầu là yếu tố quan trọng trong quá trình cầm máu. Khi số lượng tiểu cầu trong máu giảm sẽ xuất hiện tình trạng chảy máu (xuất huyết).

 

 

2 nguyên nhân chính gây xuất huyết giảm tiểu cầu

Xuất huyết giảm tiểu cầu là một hội chứng gây ra bởi hai nguyên nhân chính gồm tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi và giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương.

Trong nhóm tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi có một số bệnh như: nhiễm khuẩn huyết, bệnh sốt xuất huyết dengue nặng gây giảm tiểu cầu hoặc các u máu lớn ở các vị trí khác nhau của cơ thể.

Bệnh làm giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương có thể là bệnh tủy xương gây giảm các mẫu tiểu cầu như bệnh suy tủy toàn bộ, suy một dòng mẫu tiểu cầu hay các bệnh ác tính ở tủy xương như ung thư di căn tủy, bạch cầu cấp... Khi đó giảm tiểu cầu là tình trạng thứ phát do các bệnh chính gây ra.

Ngoài ra, một số bệnh nhân bị giảm tiểu cầu nhưng không xác định được nguyên nhân hay còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch là bệnh lý tự phá hủy tiểu cầu do chính hệ miễn dịch của người bệnh gây nên.

Những người mắc bệnh trong hai nhóm nguyên nhân trên đều có nguy cơ cao xuất huyết do giảm số lượng tiểu cầu. Đối với mỗi nhóm nguyên nhân có những nguy cơ khác nhau, ví dụ nguy cơ đối với bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng đó là người sẵn có kháng thể kháng lại một loại vi rút Dengue đã gây bệnh trước đó, chủng vi rút gây bệnh, trẻ nhỏ hơn 12 tuổi, phụ nữ và người da trắng, béo phì…

Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch bao gồm:

- Giới tính: nữ giới thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới.

- Trẻ em bị bệnh nhiễm vi rút như sởi, quai bị, vi rút viêm đường hô hấp.

Tác hại của xuất huyết do giảm tiểu cầu đó là gây ra tình trạng xuất huyết nặng, đặc biệt là xuất huyết nội sọ có thể dẫn đến tử vong. Xuất huyết giảm tiểu cầu không phải là nguyên nhân gây ra các bệnh lý như tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm màng bồ đào, viêm dạ dày, tiểu đường…Trường hợp nhân vật trong bài báo, nguyên nhân tử vong có thể do tiểu cầu giảm gây xuất huyết não.

Nguyễn Thị Kim Liên (quê Quảng Ngãi, vốn là công nhân Khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM) là một trong chín nữ công nhân trẻ trên đường đi làm bị một kẻ lạ mặt nghi nhiễm HIV chích kim tiêm vào ngực vào tháng 12-2015 tại Khu công nghệ cao quận 9, khi đó Liên tròn 20 tuổi.

Kim Liên đã phải vào viện nằm nhiều đợt do từ bệnh nền là xuất huyết giảm tiểu cầu sinh ra nhiều bệnh khác: xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, viêm màng bồ đào, viêm dạ dày, tiểu đường...

Ngày cuối năm 2016 vừa qua, Liên đã không thể qua khỏi căn bệnh. 

Bệnh hay tái phát

Giảm tiểu cầu là một bệnh khá nguy hiểm nhưng không phải bệnh nan y. Đây không phải bệnh di truyền nhưng là chứng bệnh hay tái phát, bệnh nhân phải khám định kỳ hằng tháng.

Truyền tiểu cầu: đây chỉ là phương thức điều trị tạm thời để cầm máu hoặc đề phòng biến chứng xuất huyết nặng. Nên tránh tất cả các thủ thuật chọc dò, phẫu thuật, nhổ răng, tiêm chích trong cơ…

Nếu bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do 2 nhóm nguyên nhân chính thì sẽ được điều trị dựa trên nguyên nhân cụ thể.

Trong trường hợp bệnh nhân bị giảm tiểu cầu vô căn thì các loại corticoides là thuốc lựa chọn hàng đầu, chủ lực. Corticoides (điển hình prednisone) mang lại hiệu quả chừng 50-80% trường hợp. Tuy nhiên, khi giảm liều hoặc khi ngừng điều trị, sự lui bệnh duy trì chỉ khoảng 10-30% trường hợp.

Cắt lách là cách điều trị cổ điển thứ hai đối với những bệnh nhân không đáp ứng corticoides hoặc không lui kéo dài với liều thấp corticoides. Lui bệnh hoàn toàn hoặc một phần xảy ra trong hơn 2/3 bệnh nhân cắt lách nhưng tỷ lệ tái phát chừng 15-25%.

Đối với trường hợp từ chối cắt lách hoặc không có chỉ định hoặc phải trì hoãn cắt lách, bệnh nhân đó phải dùng phương án điều trị thứ ba là dùng Rituximab. Đây là kháng thể đơn dòng chống lại tế bào lympho B CD20+ có tỷ lệ đáp ứng 25-50% và tương đối ít tác dụng phụ.

Hiện nay, một loại thuốc mới đã được biết đến, đó là thuốc sinh tiểu cầu (thrombopoietic agents). Các thuốc này giúp tăng trưởng và trưởng thành mẫu tiểu cầu, và dẫn đến tăng số lượng tiểu cầu của bệnh nhân. Thuốc sinh tiểu cầu mang lại chiến lược điều trị mới đầy hứa hẹn đối với bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch không chữa được bằng phương án hai và ba. Thuốc này cũng có thể dùng thay thế đối với những bệnh nhân không thể dung nạp được với điều trị ức chế miễn dịch.

Sống "sạch" để phòng bệnh

Cũng theo bác sĩ Đức, để phòng tránh bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu, cần thực hiện một số biện pháp như:

- Thực hiện vệ sinh cá nhân cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm;

- Sử dụng nguồn nước sạch;

- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin;

- Quan hệ tình dục an toàn;

- Tập luyện thể dục nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mỗi ngày;

- Không sử dụng thuốc gây nghiện hay tiêm chích ma túy;

- Hạn chế thức uống có cồn;

- Tránh các loại thuốc làm giảm chức năng tiểu cầu như aspirin và ibuprofen;

- Khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần;

- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng;

- Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê.

LÊ ĐINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên