Luống cải tùa xại ba trồng nổi bắp cuồn cuộn, sau ngày se sắt mặt trời cũng chịu ló dạng cho má giặt giũ phơi phóng mùng mền chiếu gối. Chị tôi chuẩn bị dàn phơi, vỉ lá dừa, chà gạo sẵn dành làm bánh tráng, bếp lò đất sét ba mới đắp xong.
Mùa cuối năm quê tôi nhà nào cũng công chuyện đăng đăng đê đê, cắc cụp từ sáng sớm tới tối mịt. Bọn trẻ trong nhà cậy bà nội trông coi, bà cũng vui chuyện ngoài vườn, quanh quanh dàn phơi bánh mà lý lẽ "con nít như bầu bí, bỏ quên là nó lớn phổng phao hà". Con nít tôi không biết, chớ bầu bí thì đúng, mấy trái nằm lẫn trong đám lá rậm rì mình quên hái vài ba bữa đã bự chà bá hết ăn được, giữ trên giàn cho khô làm giống mùa sau.
Mà hồi đó, mùa tết của chúng tôi bắt đầu từ ngày rằm tháng chạp. Nhà ông nội tôi ở xóm Trâm Bầu có cả vườn mai gốc nào gốc nấy bằng bắp vế, ông thường bảo thím Út làm bánh mứt để "chiêu dụ" mấy cháu nhỏ và đám con nít trong xóm chạy qua lặt lá mai phụ ông.
Có đám con nít, nhà ông nội bỗng vui như tết, thi nhau coi đứa nào lặt lá nhanh nhất, vừa cười đùa tíu tít như bầy chim se sẻ giúp cô Tấm nhặt thóc trong chuyện cổ tích… Ông nội vui dọn vườn sạch bong, không còn một cọng cỏ. Đám con nít có địa điểm mới chơi tán u, nu na nu nống, nhảy cò chẹp suốt một mùa vui.
Lúc rỗi ông ngồi phe phẩy nón lá, kéo khăn rằn chấm mồ hôi, tấm tắc khen sấp nhỏ lặt lá mai khéo ghê. Rồi không quên đãi đằng khi thì mứt kẹo, khi thì bánh tráng được đốt lửa than rồi nướng ngay dưới vườn dừa. Rỗi rãi ông kể chuyện bác Ba Phi cho đám con nít nghe. Đứa nào đứa nấy cười tít mắt, bò lăn, bò càng.
Từ ngày rằm tháng chạp lặt lá mai, quê mình bắt đầu vào mùa bánh mứt tết ngào ngạt thơm lừng từng cơn gió đầu trên tới xóm dưới. Mấy chị gái trong xóm khoe tài khéo tay qua mứt gừng, mứt me, mứt bí vừa đủ ngọt ngào, bánh in vừa in chiếc khung, thức dậy từ khi gà vừa gáy sáng giã bánh phồng thập thình, thập thình. Còn cánh đàn ông hì hục tát đìa bắt cá. Đám con nít cứ chạy lon ta lon ton, khoái chí được ba mẹ cho xuống đìa bắt cá, bắt được con cá là la rần trời "dính con cá lóc bự chảng rồi nè ba ơi".
Ăn tết chỉ là… chuyện ăn thôi, còn cái sự chuẩn bị ăn tết thì ở quê hồi đó mới là… chuyện dài ngày. Nhà nào cũng dành cả tháng trời trước đó trồng rau cải, bầu bí, làm bánh mứt... để dành ăn tết. Vườn nhà không bao giờ thiếu thức ăn. Càng tới tết càng nôn nao được đi chợ tết, mua quần áo, đôi dép mới, chừng về còn được má mua cho chiếc trống đất nung cầm tay lúc lắc vang rền đã lắm…
Chị tôi tráng bánh khéo tay nổi tiếng đến nỗi người ta vác gạo, khiêng bột dằn cọc trước cả tháng. Túi bụi xay gạo, bồng bột, lọc nước, nạo dừa vắt nước cốt… từ sáng sớm đến mặt trời đứng bóng. Mà hễ ngơi tay chút là chị nhắc nhớ "sao năm nay anh không về phơi bánh phụ?".
Anh thợ gặt vác bên mình cái máy cassette hát mấy tuồng cải lương nghe muốn thuộc lòng, quen hơi hết giọng nghệ sĩ. Năm nào cũng vậy, xuồng anh cập bến nhà chúng tôi cả tháng trời cắt lúa mướn. Anh là tay cắt lúa rất siêu, qua mặt đám trai tráng và lọt vào mắt xanh của chị. Riết đồng lạ thành đồng quen, người dưng thành thân thiết, chị nấu món ngon đem cho anh, ba má coi anh như người nhà. Mùa nước nổi năm nào anh cũng chống xuồng băng băng qua đồng nước hơn ngày trời tới thăm người yêu. Chị thương mùa nước nổi làm sao, mùa ruộng đồng nghỉ ngơi và người được gặp nhau, mùa hẹn hò anh dắt chị vào đường yêu đương…
Rồi người ta đắp đê. Mùa nước không còn lên đồng mênh mông nữa mà nỗi nhớ thì chứa chan. Anh không chống xuồng băng đồng đưa gia đình tới hỏi cưới chị bởi bờ đê ngăn cách. Anh có thể đi xe máy được mà, chỉ non buổi ngày đường chớ mấy. Chắc anh chọc ghẹo chị thôi. Hồi yêu hứa hẹn mấy trăm sông cũng lội, mấy ngàn đèo cũng qua. Tới hồi hết yêu dù một con đường thẳng băng không cống đập cách trở đò giang người ta cũng thấy xa xôi đủ điều…
Tết là dịp trở về, đoàn tụ gia đình bên mâm cơm gia đình, nhắc nhớ ký ức đã xa một thời đẹp đẽ nuôi dưỡng tuổi thơ lớn lên. Trở lại mùa thương nhớ của mình nơi miền ký ức rực rỡ. Chị tôi không quên được tình với anh thợ gặt lúa, dù mùa xuân đã qua mấy lần, dàn bầu đã thay dây bao bận. Chị gom hết biết bao là tình thương nhung nhớ theo từng chiếc bánh tráng tròn in như ánh trăng đầy!
Cứ mỗi độ xuân về, kỷ niệm về cái Tết lại ùa về trong mỗi chúng ta. Tết trong tôi là hương của chiếc áo mới. Tết của bạn là những những bao lì xì. Tết của những ai xa quê là mong về đoàn tụ bên gia đình, người thân...
Những thứ ấy đã trở thành kỷ niệm đẹp, không cần hồi tưởng, nó vẫn cứ ùa về trong nỗi nhớ miên man.
Tết, cũng có thể không chỉ là kỷ niệm, mà còn là những chiêm nghiệm, suy nghĩ về bản thân, những điều cần làm, những yêu thương, dự định cần thắp lên.
Xuân Mậu Tuất sắp đến, nhằm ghi lại những ký ức đẹp và chia sẻ những suy nghĩ, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Tết của tôi 'cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ... có độ dài tối đa 1200 từ (có thể kèm theo clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected].Thông tin bạn đọc, số tài khoản.. xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận