02/10/2022 09:19 GMT+7

Xuân Quỳnh và nỗi khát yêu cháy bỏng: Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Chỉ đến khi Quỳnh - Vũ gặp nhau, gắn bó ngay cả trong cái chết thì chúng ta mới có một Xuân Quỳnh nhà thơ và một người đàn bà Xuân Quỳnh "đậm vị" hơn nhiều: bỏng cháy, khát khao và đầy dằn vặt; hạnh phúc đấy mà cũng đầy lo lắng, bất an, ám ảnh.

Xuân Quỳnh và nỗi khát yêu cháy bỏng: Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn - Ảnh 1.

Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942-1988) tại bãi biển Nha Trang vài tháng trước khi mất (ảnh chụp lại từ sách Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn)

Đọc tập nhật ký, ghi chép và những bức thư chưa từng công bố của Xuân Quỳnh trong cuốn sách Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn, người đọc nhìn rõ hơn tình yêu lúc nào cũng đầy khao khát của Xuân Quỳnh dành cho Lưu Quang Vũ và nỗi lo âu mình "khô cằn và bất lực" trước người chồng là một tài năng lớn.

Là cuốn sách kỷ niệm 80 năm ngày sinh Xuân Quỳnh (6-10-1942 - 6-10-2022), cuốn sách nỗ lực tập hợp, chắt lọc những ghi chép đời thường phần nhiều chưa được công bố của tác giả Sóng, bao gồm ba phần: phần nhật ký dành cho con trai đầu Lưu Tuấn Anh; phần ghi chép những ngày ở chiến trường Vĩnh Linh; phần thư từ viết cho con, cho người thân trong gia đình và những đối thoại thư từ của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Sách do chính người em chồng của nữ sĩ - PGS Lưu Khánh Thơ - biên soạn, Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành.

Tất nhiên, dễ đoán, phần hấp dẫn nhất trong cuốn sách, như mọi khi, chính là phần thư từ giữa cặp vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng bậc nhất thế kỷ 20 của làng văn nghệ Việt Nam mà tình yêu và cái chết bên nhau của họ đã trở thành huyền thoại văn nghệ suốt mấy chục năm qua.

Xuân Quỳnh và nỗi khát yêu cháy bỏng: Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn - Ảnh 2.

Xuân Quỳnh với con trai Tuấn Anh - Ảnh chụp lại từ sách.

Tuy thế, phần nhật ký cho con Lưu Tuấn Anh và phần ghi chép ở Vĩnh Linh cũng có những giá trị riêng. Nó cho thấy một Xuân Quỳnh bình dị, đời thường thuở trước khi gặp tình yêu định mệnh của đời mình, một Xuân Quỳnh "cũng là như mọi người thôi".

Đó là người phụ nữ khao khát yêu thương hay sầu hay tủi, một người mẹ ngắm nhìn trìu mến và tỉ mỉ đứa con đầu lòng lớn lên như bao bà mẹ khác, một người viết trẻ chưa quá nhiều trải nghiệm, đa sầu đa cảm lăn lóc trong những chuyến công tác vào chiến trường để ghi chép hiện thực, hăm hở sáng tác.

Xuân Quỳnh không đi ngoài luồng trào lưu hiện thực xã hội chủ nghĩa trong công việc của một nhà báo, một người sáng tác đi thực tế.

Xuân Quỳnh và nỗi khát yêu cháy bỏng: Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn - Ảnh 3.

Một trang thơ Xuân Quỳnh được độc giả chép tay, tham gia hoạt động của Se sẽ chứ - Ảnh: Facebook Se sẽ chứ

Chỉ đến khi Quỳnh - Vũ gặp nhau và gắn bó với nhau ngay cả trong cái chết thì chúng ta mới có một Xuân Quỳnh nhà thơ và một người đàn bà Xuân Quỳnh "đậm vị" hơn nhiều: bỏng cháy, khát khao và đầy dằn vặt; hạnh phúc đấy mà cũng đầy lo lắng, bất an, ám ảnh.

Yêu như thế thì khổ sở tưởng như đương nhiên. Phần những bức thư hai người thơ này gửi cho nhau đã cho thấy rõ một Xuân Quỳnh như thế.

Xuân Quỳnh là người đàn bà yêu và bà đã yêu cuồng nhiệt khi gặp được tia lửa làm bùng lên ngọn lửa yêu trong mình. Để từ đó cuộc đời của bà, những sáng tác của bà có thể nói đã được dệt dáng hình riêng từ chính tình yêu của bà với Lưu Quang Vũ.

Xuân Quỳnh và nỗi khát yêu cháy bỏng: Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn - Ảnh 4.

Xuân Quỳnh đọc thơ tại một đơn vị bộ đội ở Lạng Sơn - Ảnh chụp lại từ sách

Nhưng lại cũng chính bà là người đốt lên và là nguồn dưỡng khí giữ ngọn lửa tài năng của chồng mình cháy sáng, như chính Vũ thừa nhận trong một lá thư gửi cho Quỳnh một năm trước cái chết cùng nhau của gia đình họ:

"Chúng ta sống với nhau đã 14 năm, nhiều gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui. Anh đã làm được nhiều việc, một phần cũng nhờ em, và biết rằng dù ở trên đời còn có nhiều cô gái khác - những "yêu tinh" như em vẫn nói - nhưng chỉ có em là yêu thương và hiểu anh, hiểu cả những thói tật đến công việc và những nỗi đam mê".

Nhưng với Quỳnh thì Vũ thậm chí không chỉ là nguồn nuôi dưỡng, mà là tất cả sự sống của bà, là hơi thở của bà, là cả bầu trời, là ánh sáng vĩnh viễn, đến độ "sau khi lấy anh thì em thấy thiên hạ đều tầm thường và ngu dốt cả", và "nếu không có anh em thật là vô nghĩa… Em thấy kinh hoàng vô cùng, nếu không có anh. Em đi về không có mục đích".

Xuân Quỳnh và nỗi khát yêu cháy bỏng: Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn - Ảnh 5.

Xuân Quỳnh với con trai Quỳnh Thơ (bé Mí) - Ảnh chụp lại từ sách.

Một tình yêu "dính mắc" đến thế thì dù nhiều lúc nó làm cho người ta lớn thêm lên, mạnh thêm hơn thì ngay sau đó sẽ là sầu khổ. Nỗi đau ấy nếu phải chịu đựng thì rất kinh khủng, nhất là với một trái tim mong manh cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của Xuân Quỳnh.

May thay bà là một nhà thơ tài năng. Bà đưa hết những hạnh phúc lẫn khổ đau ấy vào thơ để thơ tiếp tục ở lại an ủi con người rất lâu...

Xuân Quỳnh và nỗi khát yêu cháy bỏng: Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn - Ảnh 6.

Một số hình ảnh trong sách Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn - Ảnh: THIÊN ĐIỂU chụp lại

"Lắm lúc em thấy em không xứng đáng với anh không phải về tình yêu mà về trí tuệ. Em cảm thấy em già rồi, già về thể chất đã đành nhưng lại còn già về sự yên phận của người đàn bà, về những sự nhỏ nhen, tầm thường của đời sống. Em nhìn mặt em trong gương, em thấy em không xứng đáng với anh.

Tất cả trong anh là cái gì đó đang vươn lên, đang nổi dậy. Tất cả trong anh là sự bắt đầu mà con đường của anh thì còn xa tít tắp. Con người anh như cây đàn, vừa tiếp nhận những luồng gió của cuộc sống, vừa trả lại cho cuộc sống biết bao nhiêu âm thanh. Em, em cảm thấy em khô cằn và bất lực.

Em buồn lắm. Em thành thật nói với anh điều đó. Em vẫn cảm thấy hết. Vậy cho nên lúc nào em cũng thấy tình yêu của chúng ta mong manh. Em buồn lắm. Em không thể hình dung là nếu không có anh, em sẽ sống như thế nào. Em rất muốn em trẻ đẹp lại cho tuổi tác và hình thức của mình.

Có thể anh không cần như thế, nhưng em cần như thế. Vì chắc chắn rằng em trẻ hơn và đẹp hơn, anh sẽ yêu em hơn… Đôi khi em nghĩ quẩn là "có khi em phải bỏ anh đi để em khỏi phải mang nỗi tủi nhục là không xứng với anh".

Nhưng em không có can đảm. Em yêu anh và em đã nhập cuộc đời em vào cuộc đời anh, bây giờ đối với em đó chỉ là một cuộc đời thôi, cắt đi làm sao nổi".

(Trích thư Xuân Quỳnh gửi Lưu Quang Vũ ngày 8-6-1978)

Tuyển tập thơ văn Trời xanh của mỗi người

sach Xuan Quynh

Hai tập sách mới ra mắt nhân 80 năm ngày sinh của Xuân Quỳnh - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngoài cuốn Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn, dịp này Nhã Nam cũng tái bản tuyển thơ Không bao giờ là cuối của Xuân Quỳnh.

NXB Kim Đồng cũng cho ra mắt tuyển tập thơ văn Trời xanh của mỗi người gồm những tác phẩm đặc sắc nhất viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh.

Tác phẩm gồm ba phần: Phần truyện (16 truyện ngắn), Phần thơ (20 bài thơ) và Phần phụ lục rất đặc biệt với những sáng tác của bé Mí - Lưu Quỳnh Thơ và những bài viết, thơ về bé Mí, tặng bé Mí của những người thân như mẹ Quỳnh, bố Vũ, cô Lưu Khánh Thơ, anh trai Lưu Tuấn Anh. Nhà văn Tô Hoài cũng kể kỷ niệm của ông với chú bé Mí thích chơi tem…

Sách còn có hơn 40 bức tranh màu đẹp của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn vẽ về thời đại mà gia đình Quỳnh - Vũ đã sống.

Đêm thơ - nhạc - kịch Hoa cúc xanh

Ngày 5 và 6-10, gia đình của thi sĩ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ kết hợp với báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt cùng ê kíp "Se sẽ chứ" tổ chức đêm thơ - nhạc - kịch Hoa cúc xanh tại Nhà hát lớn Hà Nội kỷ niệm 80 năm ngày sinh Xuân Quỳnh.

Chương trình ngoài phần đọc thơ của những nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng như Lê Khanh, Lan Hương, Chiều Xuân, Đỗ Kỷ, Minh Trang còn có một vở kịch và nhiều bài hát do bốn nhạc sĩ Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Bùi Lan Hương, Lưu Quang Minh sáng tác.

Vở kịch Ai đã lấp cái đầm lầy Mãi Mãi do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp viết kịch bản, Trần Lực dàn dựng. Trong chương trình còn chiếu phóng sự tài liệu về nhà thơ Xuân Quỳnh - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ do Nguyễn Thước làm đạo diễn, trong đó sẽ phát giọng nói thật của cả hai.

Trong khuôn khổ đêm Hoa cúc xanh, "Se sẽ chứ" tổ chức hoạt động trên mạng xã hội Những dòng thư tay - Những bài thơ viết, chép thơ tay những bài thơ, đoạn thơ hay của Xuân Quỳnh để lan tỏa những vần thơ của nữ thi sĩ trong cộng đồng. Hoạt động nhận được sự hưởng ứng của khá đông người yêu thơ trẻ trên mạng xã hội.

Ngoài ra, ngày 22-10 "Ơ kìa Hà Nội" phối hợp với "Se sẽ chứ" và Bảo tàng Văn học tổ chức Lễ hội thi ca Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ - hoạt động đã trở thành truyền thống vài năm qua của Ơ kìa Hà Nội. Lễ hội sẽ diễn ra cả ngày tại Bảo tàng Văn học, mở cửa miễn phí cho công chúng với nhiều hoạt động sôi nổi, tập trung vào thơ Xuân Quỳnh.

Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Bùi Lan Hương… sáng tác ca khúc riêng mừng sinh nhật Xuân Quỳnh Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Bùi Lan Hương… sáng tác ca khúc riêng mừng sinh nhật Xuân Quỳnh

TTO - Một vở kịch và nhiều bài hát được sáng tác riêng bởi các nghệ sĩ tên tuổi như Trần Lực, Nguyễn Hoàng Điệp, Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Bùi Lan Hương, Lưu Quang Minh dành cho đêm thơ - nhạc - kịch kỷ niệm 80 năm ngày sinh của thi sĩ Xuân Quỳnh.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên