Ngày 12-5, các đại biểu tham gia Hội thảo văn hóa 2024 đã thẳng thắn thảo luận nhiều vấn đề liên quan những bất cập trong cơ chế chính sách, nguồn lực cho sự phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.
Tổng hợp những ý kiến tại phiên thảo luận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết tới đây Chính phủ sẽ có đánh giá, xem xét cụ thể để giải quyết những vướng mắc đang tồn tại nhằm thúc đẩy thiết chế văn hóa, thể thao phát triển.
NSND Xuân Bắc: Khó hút lao động vì lương thấp
Chia sẻ về việc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt đề án khai thác mặt bằng Nhà hát Kịch Việt Nam, NSND Xuân Bắc - giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - cho biết đây là một thông tin vui bởi khi có thêm nguồn thu cũng đồng nghĩa có thêm phúc lợi cho các cán bộ thêm niềm tin, động lực để làm việc.
"Đồng lương bây giờ là quá ít ỏi, nếu chúng ta không nhanh, không khẩn trương thì thu hút lao động về các đơn vị nghệ thuật còn khó chứ chưa nói đến thu hút nhân tài" - NSND Xuân Bắc nêu vấn đề.
Theo giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, thực tế nhiều năm nay đơn vị vẫn đang khai thác, cho thuê mặt bằng nhưng với danh nghĩa là phối hợp và thực hiện tháng một, hăng hái lắm thì ký ba tháng bởi không biết khi nào bị tuýt còi.
Hiện nay, đề án cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ đấu giá do nhà hát khá hẹp, địa thế không được đẹp.
Đặc biệt, Nhà hát Kịch Việt Nam gặp phải tình cảnh khó khăn chung về vấn đề nguồn nhân lực như các đơn vị sự nghiệp khác.
Cụ thể, để đảm bảo biên chế cho hai đoàn diễn, đơn vị này cần khoảng 108 - 110 người nhưng hàng năm lại bị cắt giảm bớt, hiện nay chỉ còn 63 - 64 người nên phải gộp hai đoàn mới đủ tiêu chuẩn biểu diễn của một đoàn.
Loay hoay với thuế phí và nguồn vốn
Tại phiên thảo luận, bà Ngô Thị Bích Hạnh - tổng giám đốc Công ty TNHH BHD - khẳng định điện ảnh Việt Nam đang có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và là điểm mạnh nhưng các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực này gặp khó khăn về cơ chế chính sách liên quan thuế phí, nguồn vốn.
"Nhiều thương hiệu rạp chiếu của người Việt đã phải bán bớt cổ phần cho nước ngoài để có thể duy trì hoạt động. Nguồn lực cho thiết chế văn hóa về điện ảnh phần lớn đều là từ nước ngoài và tư nhân.
Mức thuế giá trị gia tăng được áp dụng cho các rạp chiếu phim 5% vẫn còn cao nhưng dự thảo lại đang tính tăng lên 10%, thực sự nếu không giảm được thì xin hãy giữ nguyên mức 5%" - bà Hạnh bày tỏ.
Cũng theo bà Hạnh, chi phí thuê đất tăng khiến các rạp chiếu phim tư nhân phải thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại với giá cao. Ngoài ra, vấn đề tiền điện liệu có thể giảm cho lĩnh vực văn hóa được không cũng là vấn đề cần xem xét.
Theo bà Hạnh, ưu đãi vốn vay cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, đến nay doanh nghiệp vẫn đang phải chờ. Tại TP.HCM, địa phương này sẵn sàng cho các doanh nghiệp vay tối đa 200 tỉ với lãi suất 0% trong 7 năm, tuy nhiên với rạp chiếu phim thì 7 năm vẫn chưa đủ để thu hồi vốn.
Bà Thái Thị Kim Lan - một Việt kiều lập Bảo tàng gốm cổ Sông Hương - cho biết phải sử dụng chính mảnh đất của gia đình, gia tộc để lập bảo tàng, nhưng khi muốn phát triển hơn nữa thì cần phải có sự trợ giúp của cơ quan nhà nước.
"Tôi đang xin xây dựng thêm một bảo tàng về áo dài nhưng 2 - 3 năm rồi mà chưa được. Tôi nghĩ chính sách phải làm thế nào để đến với tư nhân, tạo niềm tin đầu tư dự án" - bà Lan chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận