25/12/2024 09:12 GMT+7

Xử vụ chuyến bay giải cứu: Cựu phó giám đốc sở bảo làm vì 'thương bà con' nhưng nhận gần 8 tỉ

Tự bào chữa tại phiên tòa vụ chuyến bay giải cứu, cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên nói tổ chức cho công dân cách ly vì “thương bà con” và mong muốn “có lợi nhuận ở mức độ phù hợp”. Ông bị cáo buộc nhận tổng số tiền 7,7 tỉ.

Nhận 7,7 tỉ, cựu phó giám đốc sở bào chữa ‘làm vì nghĩ cho bà con và muốn có khoản lợi nhuận’ - Ảnh 1.

Cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên được dẫn giải đến phiên tòa xử vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 - Ảnh: GIANG LONG

Ngày 25-12, phiên tòa xử vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 tiếp tục phần tranh tụng, các bị cáo được trình bày phần tự bào chữa. Trước đó, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Ông Trần Tùng - cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, tiếp tục bào chữa rằng khi nhận tiền của doanh nghiệp đưa người dân ở nước ngoài về nước cách ly "không nhận thức được hành vi của mình là nhận hối lộ".

"Bị cáo nghĩ đơn giản làm để giúp ích cho bà con"

Trong phần luận tội, viện kiểm sát nhận định ở giai đoạn 2 vụ chuyến bay giải cứu, đối với sai phạm xảy ra tại Thái Nguyên, ông Trần Tùng có vai trò chủ mưu cầm đầu, còn Trần Thị Quyên (giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt) phạm tội với vai trò là người giúp sức tích cực.

Do đó, viện kiểm sát đề nghị mức án cao nhất đối với ông Trần Tùng trong 17 người bị xét xử, từ 12-14 năm tù cho 2 tội danh.

Hơn 10 phút đứng trước bục khai báo tự bào chữa, ông đều gọi những công dân ở nước ngoài trên các chuyến bay về nước cách ly là "bà con". Ông phân trần, bản thân là "một con người lúc nào cũng quan tâm đến hoạt động chung của đất nước và nhân dân".

"Nhìn cảnh bà con ở nước ngoài vất vả khổ sở trong việc phải mất rất nhiều tiền để có thể về được Việt Nam trên các chuyến bay, bị cáo cảm thấy rất xót ruột. Khi có đề nghị từ các cơ quan về việc tổ chức các chuyến bay cho công dân về nước, trong quá trình làm việc bị cáo được biết các khách sạn không muốn tiếp nhận công dân về vì sợ tình hình dịch bệnh.

Bị cáo đã trực tiếp đứng ra tổ chức thuyết phục các khách sạn nhận công dân về nước cách ly.

Với nhận thức của mình, bị cáo chỉ nghĩ đơn giản những việc đó là giúp ích cho mọi người, cho cả bà con ở nước ngoài về, cho các công ty doanh nghiệp, những người lao động và bản thân bị cáo có thể sẽ có khoản lợi nhuận", ông Tùng tự bào chữa.

Cựu phó giám đốc sở biện minh rằng thời điểm bùng phát dịch COVID-19, nhận tiền của doanh nghiệp đưa công dân ở nước ngoài về Thái Nguyên cách ly do "không nhận thức được việc làm này là hành vi vi phạm pháp luật".

Nhận 7,7 tỉ, cựu phó giám đốc sở bào chữa ‘làm vì nghĩ cho bà con và muốn có khoản lợi nhuận’ - Ảnh 2.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 - Ảnh: GIANG LONG

Cựu phó giám đốc sở nói "người dân có nhiều lời cảm ơn"

Trình bày khá điềm tĩnh và rành rọt, ông Tùng bào chữa hành vi phạm tội là do nhận thức, "còn bị cáo không hề có chủ định nào trong việc nhận hối lộ".

Ông khẳng định quá trình đàm phán với doanh nghiệp đưa người dân về cách ly, bị cáo luôn mặc cả giảm giá tiền tất cả dịch vụ, hậu cần cho từng công dân.

"Trong quá trình triển khai tất cả các hoạt động người dân có rất nhiều lời cảm cơn, tôi cũng không biết luật sư có thu thập được hết thư từ, clip người dân nói cảm ơn tỉnh Thái Nguyên trong việc đã cung cấp một nơi cách ly rất là tốt", ông Tùng nói.

Ông Tùng cho rằng bản thân đã mặc cả với doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ trọn gói 14 ngày cách ly với mức giá "bị cáo nghĩ rằng là hợp lý".

"Bản thân bị cáo mong muốn cái giá bà con được hưởng sẽ giảm. Bị cáo chỉ mong muốn có lợi nhuận ở mức độ phù hợp. Bản thân bị cáo cũng có một suy nghĩ rằng mình là công chức, không thể để bà con nào có ý kiến về Thái Nguyên đắt quá hay về Thái Nguyên chất lượng không tốt. Bị cáo có thể nói rằng mình đã tổ chức cung cấp dịch vụ cho bà con rất tốt trong suốt thời gian thực hiện cách ly", ông Tùng biện minh cho hành vi của mình.

Xin được khoan hồng, cựu phó giám đốc sở khẳng định quá trình công tác luôn nỗ lực, "có thể nói bị cáo chưa từng làm điều gì vi phạm pháp luật cũng như hổ thẹn với lương tâm".

"Đến nay bị cáo hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là nhận hối lộ, bị cáo xin nhận tội, hết sức ăn năn hối hận. Rất không may cho bị cáo bị bắt đầu tiên trong giai đoạn 2 này nên vô tình trở thành người đầu vụ. Thực sự bị cáo không có vai trò chủ mưu đầu vụ gì. Xin tòa cho hưởng khoan hồng để bị cáo cải tạo, có cơ hội trở về với gia đình và xã hội để tiếp tục cống hiến", ông Tùng kết thúc phần tự bào chữa.

Trước đó, trong phần xét hỏi, biện minh cho hành vi nhận hối lộ, hưởng lợi tổng 7,7 tỉ, ông Tùng nói nhận thức đây là "cơ hội kiếm thêm thu nhập".

Cựu phó giám đốc sở bị cáo buộc đã thỏa thuận với Lê Văn Nghĩa (cựu giám đốc Công ty Nhật Minh) đưa công dân về tỉnh cách ly với giá trọn gói 18 triệu đồng/người. Tuy nhiên mức giá ghi trên hợp đồng giữa hai bên chỉ từ 10-12 triệu đồng.

Số tiền chênh lệch 6-8 triệu đồng "ăn chênh" ngoài hợp đồng mà người dân phải trả khi về cách ly sẽ được chuyển lại cho ông Tùng.

Cựu phó giám đốc sở bị cáo buộc sau ba chuyến bay nhận hối lộ 4,4 tỉ là "tiền ngoài hợp đồng".

Ông còn bị cáo buộc qua 7 chuyến bay kết hợp với doanh nghiệp, đưa 1.400 công dân từ Nhật Bản về Thái Nguyên cách ly và đã hưởng lợi 3,27 tỉ đồng.

Nhận 7,7 tỉ, cựu phó giám đốc sở bào chữa ‘làm vì nghĩ cho bà con và muốn có khoản lợi nhuận’ - Ảnh 3.Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên bị đề nghị 12-14 năm tù

Viện kiểm sát luận tội các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu đã lợi dụng dịch bệnh để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho buộc các doanh nghiệp phải 'bôi trơn'. Cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên bị đề nghị mức án cao nhất 12-14 năm tù.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên