Các nguyên nhân gây nên viêm họng
Khi bị viêm họng, người bệnh có cảm giác đau, nóng hoặc như bị cào xước phía sau thành họng, đau khi nuốt và căng vùng cơ cổ dưới hàm. Đau họng có thể xuất hiện cùng lúc với ho, hắt hơi, sốt và sưng các hạch bạch huyết vùng dưới hàm. Viêm họng có nguyên nhân thường gặp như:
- Siêu vi cảm lạnh thông thường, siêu vi cúm, quai bị…
- Vi khuẩn: liên cầu khuẩn, áp-xe quanh amygdale, bạch hầu, viêm nắp thanh quản,…
- Chất kích ứng: khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, chất tiết từ sau mũi, acid của dịch vị (Gerd)…
- Chấn thương: bất cứ các chấn thương trực tiếp vùng họng hoặc sặc thức ăn có thể gây viêm họng.
Viêm họng do siêu vi rất dễ lây qua các dịch tiết vùng mũi họng, khi chúng ta hít phải những “sản phẩm” do người bị bệnh nói chuyện, hắt hơi, đặc biệt ở trong cùng một phòng có máy lạnh, ăn uống cùng ly bát người bệnh vừa sử dụng… Do đó, người bệnh có thể nghỉ ngơi ở nhà trong giai đoạn có xuất tiết vùng hầu họng nhiều để tránh lây lan trong cộng đồng.
Phân biệt giữa viêm họng do siêu vi khuẩn và vi khuẩn
Đây là thách thức với thầy thuốc nếu viêm họng mới khởi phát, tuy nhiên, có vài biểu hiện có thể giúp phân biệt được như sau:
- Viêm họng do vi khuẩn: amygdale sung đỏ, có mảng bám trắng, sốt cao, hạch dưới hàm sưng, ấn đau và đặc biệt không kèm theo triệu chứng điển hình của nhiễm siêu vi.
- Viêm họng do siêu vi: ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi…
Nhưng đôi khi sự phân biệt sẽ khó khăn khi có kết hợp giữa viêm họng do siêu vi và vi khuẩn, lúc này cần đến các phương tiện cận lâm sàng như xét nghiệm máu, phết họng… hay theo dõi quá trình diễn biến của bệnh.
Những biện pháp đơn giản giúp xử trí chứng viêm họng
- Nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
- Ngậm các loại kẹo ngậm chế từ các loại tinh dầu thực vật.
- Xông hơi nước muối, súc miệng bằng nước muối ấm (khoảng 1 muỗng café muối pha trong 250ml nước nóng) trước khi ngủ hay sau chải răng.
- Uống nước trà xanh ấm với mật ong, uống nước trà gừng ấm…
- Không nên uống nước đá, đồ ăn, nước vừa lấy ra từ tủ lạnh.
- Giữ nhiệt độ phòng không quá nóng hay quá lạnh.
Những dược liệu quanh nhà có tác dụng trị viêm họng:
- Cây húng chanh tươi: 15 – 30g, nhai sống hoặc đâm nhuyễn vắt lấy uống uống trung bình 2 lần/ ngày.
- Lá Xạ can (Rẻ quạt) tươi khoảng 6g đến 8g nấu nước uống.
- Thân rễ cây Rẻ quạt (xạ can, biển trúc) ngâm nước vo gạo 1-2 ngày, xắt mỏng, phơi khô để sử dụng dần. Khi dùng, lấy 3-6g tán bột mịn để ngậm nuốt nước dần. Có thể sắc với 300ml nước, còn lại 100ml, ngậm nuốt dần.
- Lá Xương sông liều từ 10 – 20 lá khô nấu nước uống hoặc tươi, nhai sống nuốt dần.
- Trái Kha tử, 1 trái đập vụn, ngậm nhiều lần trong ngày (có thể nuốt được nước).
- Cây chua me đất hoa vàng, 15 – 30 g, nhai hoặc đâm nhuyễn nuốt từ từ, mỗi ngày sử dụng được 2 – 3 lần.
- Hoa kinh giới (kinh giới tuệ) 12g, Cát cánh 12g, Cam thảo bắc 4g sắc với 500ml nước, còn lại 150ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
- Quả quất (tắc) ướp muối 5-10 quả, nấu với 600ml nước, còn lại 250ml, uống thay nước trong ngày. Có thể đâm nát, chế nước sôi để nguội vào khuấy đều để uống.
Phòng ngừa:
- Hạn chế tiếp xúc người bệnh, khi thời tiết thay đổi (quá nóng hay lạnh đều ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể).
- Tập thể dục đều đặn.
- Người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, người có bệnh mạn tính đường hô hấp hoặc đái tháo đường… cần cảnh giác hơn nữa (đôi khi có thể cần vaccine phòng cúm).
- Ăn đủ chất khoáng, vitamin, đạm, dầu… uống đủ nước.
- Vệ sinh tốt vùng mũi, răng miệng.
- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
- Rửa tay kỹ trước khi ăn uống.
Phần lớn người bị viêm họng do virus đều có thể xử lý tại nhà với các biện pháp đơn giản. Tuy nhiên, nếu viêm họng kéo dài hơn 1 tuần, 10 ngày chưa cải thiện và kèm theo sốt, khàn tiếng… cần tìm đến thầy thuốc chuyên khoa để được khám và cho điều trị phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận