Xứ sở xóm làng trong khung ký ức

PHẠM HOÀNG QUÂN (*) 18/04/2025 15:55 GMT+7

TTCT - Những địa danh tên Nôm ở Nam Bộ thân thương và ít ỏi cần được giữ gìn trong cuộc đại cải cách đang diễn ra.

xứ - Ảnh 1.

Địa đồ Đại Nam 1830: 1. Trà Cú Sơn, 2. Biên Hòa, 3. Mô Xoài (phiên âm Hán Việt là Mỗi Xuy, 每杴). Bản đồ ghi tên xứ, xứ Mô Xoài ứng với địa bàn thành phố Bà Rịa ngày nay, đây là bản đồ hiếm hoi ghi tên xứ. Ảnh: Tư liệu PHQ

Mới rất gần đây, khoảng cuối thế kỷ 20, tôi ở nhờ mấy năm trong xóm Vườn Bầu, TP.HCM. Xóm này khuất trong con hẻm 513 đường Điện Biên Phủ, theo lối ngoằn ngoèo chạy tới chùa Kỳ Viên mặt đường Nguyễn Đình Chiểu. 

Theo hệ thống vườn tược mà xét thì Vườn Bầu cách Vườn Chuối không xa, bộ hành chừng nửa tiếng, vừa vặn thời gian bưng bầu gánh mướp tới chợ Vườn Chuối kiếm chút đỉnh, tôi tưởng cảnh mấy bà mấy cô hồi xưa từng vậy. 

Vườn Chuối nhờ có chợ gần bên nên tên lưu hậu thế, còn có cả tên đường, còn Vườn Bầu nay chỉ vài người già cố cựu trong xóm còn nhắc tên.

Tên xóm với tên xứ có thể nói là lớp địa danh căn bản, khắp cùng trời đất, là những cái tên mang dấu ấn tự quyết của tiên dân, được đặt được gọi từ trước lúc mang thêm những tên hành chánh hoa mỹ. 

Đến nay thì dạng địa danh này một số vẫn tồn tại trong lời ăn tiếng nói người địa phương, gần như song hành với tên gọi trong sổ sách hành chánh, và một số có cơ duyên may mắn trở thành địa danh hành chánh chính thức.

Nói kiểu dị đoan thì cái tên xứ cũng có số của nó. Có cái nổi bật bao trùm, có cái chỉ ít người biết, và nhiều cái biến mất luôn. 

Còn nói theo kiểu có kê cứu sơ bộ thì địa danh thuộc dạng tên xứ sống lâu được phần nhiều nằm trong 4 trường hợp: (1) nơi chợ búa dập dìu tấp nập; (2) nơi xuất xứ đặc sản; (3) nơi có danh nhân, danh thắng; (4) nơi có chiến trận tưng bừng. Trường hợp (1) và (2) gắn liền với đời sống, được nhắc tới mỗi ngày, nhiều tên xứ dạng này trở thành địa danh hành chánh.

Xét về phạm vi các xứ, có dạng xứ rất lớn trải rộng nhiều thôn, có trường hợp tới cả chục thôn mới giáp xứ, như mấy xứ Mô Xoài (4 thôn, lưu vực sông Dinh), Cần Giuộc (11 thôn, lưu vực sông Cần Giuộc), Cà Mau (15 thôn, lưu vực sông Cà Mau, tức Kinh xáng Cà Mau đi Bạc Liêu)... Những nơi này, các thôn đều ghi thôn mình tọa lạc trên xứ nào.

Có dạng xứ vừa vừa, 1 đến 3 thôn, như xứ Khúc Dài lập làm 3 thôn mà 2 thôn thuộc tỉnh Gia Định, còn 1 thôn thuộc tỉnh Biên Hòa (xứ Khúc Dài chỉ khúc sông Sài Gòn, từ xã Nhị Bình huyện Hóc Môn đến phường An Phú Đông quận 12, còn bên phía Bình Dương khoảng từ Vàm Búng đến vàm rạch Gò Dưa). 

Đa số xứ dạng này khi áp tên thôn mỹ danh thì tên xứ dần bị quên đi. Có xứ nhỏ, 2-3 xứ hoặc 5-6 xứ gom lại lập 1 thôn, như 6 xứ Gò Dầu, Bộ Vu, Hóc Môn Thượng, Hóc Môn Hạ, Bào Vừng, Trong Đồng lập thành xã An Nhứt (nay thuộc Long Điền, Bà Rịa). 

Dạng xứ nhỏ này thường được gọi "xóm", cũng có khi trở thành "ấp" trên những bản đồ hành chánh chi tiết. Tên xứ có thể ví là lý lịch dân sự giang hồ, gặp gỡ bèo nước qua đường, như cô em kia hỏi "anh ở xứ nào", có khi hên được chút trà nước cơm rượu, còn lúc đụng chuyện mà tay kia nó hỏi "mày ở xứ nào tới đây" thì ráng mà lo liệu đó.

xứ - Ảnh 2.

Xứ Cà Mau ở cực nam tổ quốc. Ảnh: Thanh Huyền

Gốc gác vài xứ lớn ở Nam kỳ lục tỉnh

Ở miền Nam, tên xứ (處) được sử sách quan phương và ghi chép dân gian lưu lại rất nhiều, có xứ rộng lớn gọi cho cả vùng, như "xứ Đồng Nai" thời chúa Nguyễn gồm chỉ cả Nam Bộ, "xứ Sài Gòn" ứng với địa bàn sau đặt tỉnh Gia Định, "xứ Cà Mau" là một phần tỉnh Cà Mau...

Xứ Đồng Nai, tên xứ này phát nguyên chỉ là một thôn nhỏ xíu, có lẽ nhờ có chợ mà thành ra bao trùm một cõi, xứ Đồng Nai và chợ xứ Đồng Nai được chép nhiều trong sử sách. Phủ biên tạp lục (1776): "Bến đò chợ Đồng Nai, thuế 60 quan". 

Hoàng Việt nhứt thống dư địa chí (1806): "Chợ thôn Tân Vạn, ở bờ nam, tục gọi chợ Đồng Nai, quán xá hai bên sơ sài, người buôn bán cũng ít". Gia Định thành thông chí (1820): "Đồng Nai là tên riêng của trấn Biên Hòa, mà chợ Đồng Nai lại ở phía nam hạ lưu sông Phước Giang, cách trấn hơn 8 dặm". 

Đại Nam nhứt thống chí (1870): "Sáu tỉnh Gia Định gọi chung là Đồng Nai, là vì lúc mới khai khẩn bắt đầu từ Đồng Nai, nên lấy chỗ gốc mà gọi bao trùm".

Chợ Đồng Nai, gọi theo tên thôn là chợ Tân Vạn, xứ Đồng Nai tức tiền thân của thôn Tân Vạn (nay phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa). 

Tên xứ Đồng Nai là tên chữ Nôm, dấu ấn đặc biệt quan trọng để biết rằng tên xứ này được tiên dân Ngũ Quảng đặt ra, trước lúc Trần Thượng Xuyên cặp thuyền ghé bên đối ngạn xứ Đồng Nai là xứ Cù lao Phố làm ăn (1679). 

Từ tên xứ nhỏ, ứng với địa bàn một thôn nhỏ, cái tên Đồng Nai trở thành mang tính đại diện, trong lịch sử từng bao trùm cả miền đất mới phương nam, và ở phạm vi hẹp hơn, đương là tên một tỉnh lớn.

Xứ Sài Gòn thì thấy được ghi chép sớm nhất là trong Nam triều công nghiệp diễn chí gắn với một sự kiện năm Giáp dần (1674). Tác giả Nguyễn Khoa Chiêm sống trong khoảng 1659-1736, tức ông chép lại việc xảy ra đương thời. 

Tính ra thì đây là mẩu sử liệu cổ xưa nhứt đề cập tên xứ còn đến nay. Sử chép sau này thì xứ Sài Gòn ứng với cả huyện Tân Bình năm 1698, tức vùng đất sau lập tỉnh Gia Định.

Xứ Sài Gòn không ngoài 3 dạng xứ đã kể trên, là nơi tọa lạc của một hai thôn nào đó ở vùng lõi thành Gia Định sau này, nhưng có lẽ do nổi danh quá sớm, trở thành tên bao trùm quá sớm, nên đến lúc chép Địa bạ 1836 thì người dân thôn đã không lưu lại. 

Trên một bản đồ phân bố họ đạo vẽ năm 1786, Sài Gòn được ký âm Latin là "Raigon", tên này ghi 2 nơi, một biểu thị một xứ rộng lớn, ứng với vùng đất khoảng lưu vực sông Sài Gòn đến bờ bắc sông Vàm Cỏ; và một nơi có ký hiệu giáo xứ/nhà thờ "Raigon" ở vào khoảng vàm rạch Bến Nghé, có lẽ chỉ nhà thờ Chợ Quán. Theo thông lệ định danh họ đạo/giáo xứ, đa phần lấy tên nôm bản xứ để gọi, nên "giáo xứ Raigon" chắc phải đặt ở "xứ Raigon".

Xứ Sóc Trăng, vốn là tên một sóc người Khmer, nguyên danh là "sóc Khleang" (xứ sở kho tàng), thời Minh Mạng lập làm thôn Đại Thạnh. Sổ địa bạ do dân trong xứ chép: "Đại Thạnh thôn, ở xứ Biền Trăn", tức là ký âm tên gốc thành ra chữ Hán là "Biền Trăn", nghĩa "tụ tập dồi dào". 

xứ - Ảnh 3.

Bản đồ Sài gòn thời Pháp, vẽ năm 1878. Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Tên gọi ký âm này được chọn chắc cũng vì cận nghĩa với tên gốc. Thôn Đại Thạnh xưa là địa bàn thành phố Sóc Trăng ngày nay. Tên Hán hóa Biền Trăn ít được biết tới, lại gắn với thôn Đại Thạnh đổi tên nhiều lần khó xác định vị trí, nên cả tên thôn và tên xứ ít được đề cập, nhưng cái tên phổ dụng là xứ [Sốc] Sóc Trăng từ phạm vi một thôn đã thành tên gọi cho một tỉnh.

Xứ Bạc Liêu, nhờ giai thoại và phim ảnh mà đã và đương nổi như cồn nhờ chàng công tử họ Trần ăn chơi qua mặt Thúc Sinh, còn tên xứ được nói đến trong sử chính thức muộn hơn nhiều xứ khác, Đại Nam thực lục chép: 

"Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842). Lập thêm sổ bang người Thanh ở tỉnh An Giang. Nguyên 2 sách Bạc Liêu và Trà Nho ở huyện Phong Thạnh tỉnh An Giang người Thanh đến ở có hơn 100 hộ, quan tỉnh tâu xin lập riêng danh hiệu hàng bang (ở sách Bạc Liêu, gọi là bang Triều Châu thứ 15; ở sách Trà Nho, gọi là bang thứ 16), mỗi bang đặt một bang trưởng. Thuế khóa đến sang năm bắt đầu thu".

Có nhiều mặt chữ Hán và cũng có nhiều thuyết về từ nguyên địa danh này, theo Thực lục thì địa danh khởi từ tên sách (cụm dân) người Tiều, nên tên này có lẽ nên cứ theo cách viết của người Hoa bang Triều Châu, chữ Bạc Liêu (薄寮) [âm pinyin Bo Liao] âm tiếng Tiều là Pò Léo, nghĩa là xóm hạ bạc.

Những xứ mang tên Nôm kể trên đại diện cho tên xứ do 3 dân tộc từng sinh sống, khai mở, kinh thương ở địa bàn Nam Bộ xưa đặt gọi. Nhiều địa danh từng là tên hạt (tên tỉnh) thời Pháp thuộc như Sài Gòn, Chợ Lớn, Bà Rịa, Mỹ Tho, Sa Đéc, Gò Công, Thủ Dầu Một, Mỏ Cày... Hiện nay thì nhiều tỉnh giữ được tên xứ, như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau.

Gốc gác vài xứ trong xứ Sài Gòn

Xứ Củ Chi (có thể đọc Cổ Chi) là tên xứ đặt theo tên cây (mã tiền). Xứ này thời Gia Long đặt làm một giáp thuộc thôn Tân Thông. Tới thời Minh Mạng tách ra làm thôn Tân Thôn Tây, ứng với một phần thị trấn Củ Chi và một phần xã Tân An Hội ngày nay. 

Từ tên một xứ nhỏ được lập thành "giáp" (ngang với ấp ngày nay), rồi tách làm thôn (ngang với xã). Chợ Củ Chi ở thôn này trở thành 1 trong 2 chợ lớn của tổng Long Tuy Hạ thời Pháp thuộc, nay thì tên xứ Củ Chi trở thành tên thị trấn và tên huyện.

Xứ Hóc Môn có tên được chép trong sử theo một sự kiện Tây Sơn đánh vào Gia Định năm 1777. Địa bạ Gia Định 1836 chép: "Thôn Tân Thới Nhì ở xứ Hóc Môn". 

Xứ Hóc Môn này lập một thôn, gần bên có xứ Hóc Dùi lập một thôn Tân Thới Tam, và xứ Hóc Nhum lập một thôn Tân Thới Trung, xứ lớn trong vùng này là xứ Hóc Mối lập 3 thôn (Mỹ Toàn, Tân Thới Thượng, Thuận Kiều). 

Chữ "Hóc", Paulus Của 1895 định nghĩa: "Chỗ kẹt, chỗ xó, chỗ cùng. [Như] Hóc Môn, Hóc Kè". Các danh từ đi kèm chỉ sản vật hoặc hình thế địa phương. Trong các xứ Hóc kể trên, riêng tên Hóc Môn nổi tiếng tới nay.

Xứ Gò Vắp (Vấp), theo Địa bạ 1836 thì xứ Gò Vắp (塸ࣔ?) rất rộng, lập làm 4 thôn An Hội, An Nhơn, Hanh Thông Tây và Phú Nhuận (thôn Phú Nhuận sau lấy tên đặt cho quận Phú Nhuận). 

Ngôi chợ lớn của xứ tức chợ Gò Vấp lại nhóm ở xã Hanh Thông, thấy địa bạ ghi đất nền chợ là 4 công (~2.000m2). Chợ xứ không ở 4 thôn bản xứ mà ở xã khác, có lẽ là nơi ranh xứ. 

Sách Địa lý học: Tự nhiên, kinh tế & lịch sử Nam kỳ (1902) của Hội Nghiên cứu Đông Dương, phần "Tỉnh Gia Định", mục "Chợ", viết: "Chợ Gò Vắp ở làng Hanh Thông Xã, tổng Bình Trị Thượng". Kiểu người Pháp gọi "làng Hanh Thông Xã" là thừa chữ "xã". Chợ Gò Vấp đến nay vẫn tên cũ và vị trí cũ.

Xứ sở xóm làng trong khung ký ức - Ảnh 4.

Chợ Gò Vấp vẫn tên xưa, vị trí cũ. Ảnh: CGOV

Xứ Thủ Đức, tên xứ cũng là tên con rạch. Đất xứ này lập làm thôn Bình Quới Đông (hồi lập Địa bạ 1836 thuộc tổng An Thủy Trung, huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa). Sử liệu có chỗ chép "首德" hoặc "守德", đều đọc Thủ Đức. Paulus Của cho rằng xứ này có lập phân thủ (trạm thuế), nên tên đúng có lẽ là "守德". Xứ Thủ Đức, thôn Bình Quới Đông, nằm bên trái rạch Thủ Đức, nay là phường Linh Đông, thành phố Thủ Đức.

Các xứ kể trên đều từ tên một xứ vừa và nhỏ hay một xóm nhỏ trên sông, trong hàng trăm ngàn xứ và xóm ở xứ Sài Gòn. Những tên ấy thành danh và định hình đã mấy trăm năm, trở thành tên quận huyện. 

Lộ trình cải cách hành chính rồi sẽ bãi bỏ cấp quận huyện thì việc cần lưu giữ những địa danh nào đáng phải lưu ý. Tên Nôm các xứ thuộc lớp địa danh đầu tiên, có lịch sử lâu đời hơn cả. 

Xu hướng dùng mỹ danh Hán Việt đặt cho hầu hết thôn xã thời Minh Mạng đã làm biến mất nhiều địa danh Nôm, nên cấp phường xã ở TP.HCM hiện còn lại rất ít những tên bắt nguồn từ xứ xóm ngày xưa, như Bến Nghé, Bến Thành, Cầu Kho, Chợ Quán, Vườn Lài, Xóm Củi, Bàu Cát, Bà Điểm… Ít ỏi là vậy, thì sắp tới càng cần lưu giữ.

Phàm cái gì sống lâu thì thành thần, xứ có thần xứ, chợ có thần chợ, qua mấy trăm năm đã độ cho biết bao lớp người no đủ, có khi cũng độ cho quan chức thăng tiến nữa. Người nay nên giữ lấy những tên gọi vừa ký ức vừa tâm linh ấy. 

Như ở TP.HCM trong quy hoạch sắp tới, nên chăng có những đơn vị cơ sở mang tên phường Sài Gòn (ở trung tâm), Đồng Nai, Mô Xoài, Bà Rịa, Thủ Dầu Một… Còn các tỉnh ở Nam Kỳ lục tỉnh xưa có lẽ cũng nên cân nhắc theo hướng này, là một cách bảo tồn tên xứ sở xóm làng như những di sản đã ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ người Việt. ■

Hai xứ ngoại vi Sài Gòn

Xứ Nhà Bè, tên có đặc biệt hơn mấy xứ có đất đai khác, nói đúng hơn thì nó là tên "xóm", tức một cụm nhà kết bè nổi lình bình trên sông. Câu ca dao chữ Nôm "Nhà Bè nước chảy phân đôi, Kẻ qua Bến Nghé, người hồi Đồng Nai" do Lê Quang Định chép lại năm 1806 ắt đã có từ trước đó lâu lắm.

Rồi Trịnh Hoài Đức năm 1820 ghi lại địa danh Nhà Bè gắn với câu chuyện về một nhà giàu hào sảng, xóm nhà bè dần trở thành nơi dịch vụ ăn uống nghỉ ngơi trên sông.

Bản đồ Taberd 1838 ghi xứ "Nhà bè" ở 2 nơi, một xứ "Nhà bè" ở Ngả ba Nhà Bè (Phan Yên Trấn/Sài Gòn); một xứ "Nhà bè" ở gần Tân Triều (Biên Hòa Trấn). Xóm Nhà Bè từ tên một xóm nổi trên sông, trở thành tên khúc sông lớn, và tên huyện hiện nay.

Xứ Cần Giờ là đất thôn An Thạnh thời Gia Long. Thời Minh Mạng đổi tên thôn là Cần Thạnh. Bản đồ Sài Gòn 1885 định vị chợ Cần Giờ ứng với trung tâm thị trấn Cần Thạnh nay.

Tên xứ Cần Giờ, có thuyết cho là do ký âm từ tên gốc tiếng Khmer "Kanchoeu", nghĩa cái thúng, hoặc cái thuyền thúng. Chưa rõ nghĩa đã chính xác chưa, nhưng đại thể thì tên gọi này gốc từ vật sản nào đó, nên có sự trùng tên với vài nơi khác, như rạch Cần Giờ với thôn Cần Giờ (tổng Nhiêu Hòa, Sóc Trăng), nay là ấp Cần Giờ 1, ấp Cần Giờ 2, cùng khu thị tứ Cần Giờ, thuộc xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận