Nhà vô địch fitness châu Á 2018 Nguyễn Thị Bích Ly - Ảnh: NVCC
Nỗi lo này xuất phát từ việc ở nhiều môn thể thao, VĐV phải mặc ngắn đến mức không thể ngắn hơn (thể hình, fitness) để khoe hình thể khi thi đấu.
Tương tự là các môn thể dục dụng cụ, điền kinh, bóng chuyền bãi biển, bơi lặn... Trang phục các VĐV mặc khi thi đấu được quy định trong luật của liên đoàn thể thao quốc tế môn đó.
Phải giải thích rõ cho người tập thể thao
Ông Đỗ Đình Kháng - phó vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II, Tổng cục TDTT - cho biết mấy ngày qua nhiều VĐV, HLV thể hình, cử tạ cũng bày tỏ lo lắng khi đọc nghị định 46.
Ông Kháng chia sẻ: "Môn thể hình và fitness khi thi đấu VĐV chỉ mặc một chiếc quần rất nhỏ, bó sát để che bộ phận nhạy cảm. Toàn bộ khu vực khác của cơ thể phải được lộ ra để trình diễn cơ bắp.
Nghị định 46 quy định sẽ xử phạt hành vi tập luyện, mặc trang phục có tính chất khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục nên nhiều VĐV rất lo lắng. Bản thân tôi nói thật là cũng có chung suy nghĩ như các VĐV. Vì vậy tôi nghĩ nên giải thích, cung cấp thông tin rõ để cho VĐV, người tập thể thao hiểu hơn về nghị định 46".
Không chỉ ở trang phục, một số môn thể thao mà người tập thường có động tác va chạm, cọ xát những phần nhạy cảm trên cơ thể vào nhau như khiêu vũ thể thao. Dù vậy, thế nào là gợi cảm, thế nào là khiêu dâm cũng khiến nhiều VĐV khiêu vũ thể thao băn khoăn.
VĐV môn nào thì tập và mặc theo quy định môn đó
Ngày 2-8, trả lời Tuổi Trẻ, ông Phạm Xuân Phúc - phó chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL - cho rằng các VĐV của môn nào cứ mặc theo quy định môn đó. Không có chuyện nghị định 46 có hiệu lực thì VĐV thể hình phải mặc quần áo dài khi đi thi đấu, VĐV khiêu vũ thể thao không được ăn mặc hoặc có động tác gợi cảm.
Ông Phúc nói: "Nghị định đã có hiệu lực rồi, giờ cứ để xã hội vận hành đi đã. Việc này rất tế nhị nên không thể có quy định chi tiết động tác thế này, trang phục thế kia là vi phạm được.
Nhưng nếu người tham gia hoạt động thể thao mà có hành vi như trong nghị định quy định thì sẽ bị xử lý. Còn hành vi như thế nào, đã đến mức xử lý chưa thì khi xuất hiện hành vi, có hình ảnh cụ thể chúng tôi mới tiến hành xử lý.
Để xử lý, chúng tôi phải mời các nhà chuyên môn, các HLV, chuyên gia để đánh giá xem môn này có phải tập như vậy, được phép ăn mặc như thế không. Mặc như thế này có phản cảm, tập như vậy có phải đã là hành vi khiêu dâm rồi hay không. Khi có ý kiến của những nhà chuyên môn, các chuyên gia thì chúng tôi mới xử lý được".
Liên quan đến lo lắng của các VĐV về việc mặc thế nào để không bị phạt theo quy định của nghị định 46, ông Phúc chia sẻ: "Các VĐV khi đi thi đấu thì cứ mặc theo đúng quy định của môn thể thao đó mà VN và thế giới đưa ra. VĐV cứ luyện tập, mặc trang phục bình thường như lâu nay họ vẫn làm thì đâu có vấn đề gì. Ví dụ như thể hình, khiêu vũ thể thao, bóng chuyền bãi biển... luật cho phép được mặc ngắn, gợi cảm để khoe hình thể thì họ vẫn mặc như vậy.
Tuy nhiên nếu có người cố tình phá cách gây phản cảm, làm cho dư luận có cái nhìn xấu xí và lên án thì sẽ phải xử lý. Quy định như vậy để sau này có hành vi thì còn có cái mà xử lý. Nếu không quy định, sau này có vấn đề phát sinh thì lại nói có quy định đâu mà xử lý được họ".
Ông Phúc tái khẳng định nghị định 46 ra đời mang tính chất răn đe, giáo dục là chính chứ không phải để thay đổi cách tập luyện, ăn mặc của VĐV thể thao.
Phô nét đẹp cơ thể nhưng vẫn kín đáo
Nhà vô địch fitness châu Á 2018 Nguyễn Thị Bích Ly: "Môn fitness có nét đẹp riêng, ở góc độ chuyên môn, chúng tôi luôn có những tư thế phô nét đẹp cơ thể nhưng rất kín đáo. Những bài thi fitness luôn có quy định tư thế chuẩn chứ không phải muốn làm thế nào cũng được. Vì thế, theo tôi, nghị định này không ảnh hưởng đến tập luyện và thi đấu của VĐV chúng tôi".
T.P.
Những người biên soạn nghị định cần phải làm rõ hơn
Phó chủ tịch Liên đoàn Thể hình Đông Nam Á, phó chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - thể hình VN Huỳnh Ngọc Minh cho biết: "Thể hình là môn thể thao khoe cơ thể đẹp một cách nghệ thuật. Nhưng giữa nghệ thuật và khiêu dâm thì ranh giới rất mong manh và hoàn toàn phụ thuộc "cái đầu" của người xem.
Khi đọc nghị định này, tôi nghĩ những người biên soạn cần phải làm rõ hơn. Nhưng việc tập luyện, thi đấu môn thể hình sẽ không cần phải thay đổi. Chúng tôi không bày trò khiêu dâm để lôi kéo người xem.
Quốc tế không quy định trang phục của VĐV thể hình, họ chỉ quy định không được mặc đồ xuyên thấu hay không mặc (nam được cởi trần) vì đây là môn thể thao khoe cơ bắp.
Dù vậy, khi tổ chức giải quốc tế ở VN, chúng tôi đã thêm vào điều lệ bắt buộc quần nữ không ít hơn 2/3 mông, áo ngực thì tỉ lệ che bao nhiêu... Nhiều VĐV quốc tế đã phản ứng với quy định này nhưng chúng tôi cương quyết để phù hợp thuần phong mỹ tục VN".
Còn theo trưởng bộ môn thể thao dưới nước TP.HCM Chung Tấn Phong: "Trang phục của VĐV bơi sẽ không bị ảnh hưởng bởi nghị định này. Hầu hết các môn thể thao trên thế giới, trong đó có bơi, đều có xu hướng ăn mặc trang phục hấp dẫn để thu hút khán giả, truyền hình... nhưng luôn có những quy định chặt để việc ăn mặc không vượt qua giới hạn.
Đối với bơi, Liên đoàn Bơi lội thế giới chỉ cấm trang phục công nghệ cao (tạo lợi thế cho VĐV) hay đồ trong suốt sẽ để lộ những phần nhạy cảm cơ thể khi xuống nước. Tôi cho rằng thi đấu thể thao chính thống sẽ không có vấn đề gì với nghị định này".
T.P.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận