Người dân ngụ tại một con hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3 (TP.HCM) đã có những ngày sống trong lo âu, phập phồng trước việc một ngôi nhà bị đập vỡ cửa kính, bị tạt sơn trộn với mắm tôm.
Chủ nhà - một người lớn tuổi - hẳn đã phải trải qua những đêm mất ngủ vì không hiểu được lý do vì sao.
Nhưng nay đã khác khi lực lượng chức năng bằng những biện pháp nghiệp vụ đã tìm được và buộc đích danh thủ phạm là Đào Anh P. (28 tuổi) phải đến tận nhà, tự tay lau chùi những vết bẩn, khắc phục hậu quả đã gây ra.
Nhìn thủ phạm cặm cụi bên đống kính vỡ và thu dọn những "tàn tích" mà vài ngày trước mình gây ra, hàng xóm gần đó mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Hình ảnh này gợi nhớ lại một sự việc tương tự xảy ra cách đây hơn một năm. Khoảng tháng 8-2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp (TP.HCM) quyết định tạm giữ hai người đàn ông để điều tra hành vi "cố ý làm hư hỏng tài sản" và "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Chị S. vay tiền nhiều lần với tổng số tiền 100 triệu đồng, lãi suất dao động 5-10%/tháng. Đến lúc chị S. không còn khả năng chi trả, bên cho vay chọn cách mua sơn đỏ và mắm tôm tạt vào nhà để đe dọa, uy hiếp buộc chị trả nợ.
Trên đường tẩu thoát, cả hai bị tổ tuần tra dừng xe kiểm tra, mời về trụ sở làm việc. Trước khi tiến hành xử lý các bước theo quy định của pháp luật, công an quận Gò Vấp đã buộc hai người tạt sơn phải đến nhà chị S. cạo sửa, lau chùi chất bẩn, sơn lại cửa, tường nhà, khắc phục hậu quả đã gây ra.
Việc yêu cầu thủ phạm lau chùi những vết bẩn do mình gây ra trên tường, trên cửa nhà dân đôi khi còn có tính răn đe không kém việc xử phạt hành chính hay xử lý hình sự với hành vi "gây rối nơi công cộng" và "cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác".
Cách xử lý tức thời và mạnh tay của công an đã được nhân dân đồng tình tuyệt đối.
Người thân vay tiền, nhà mình bỗng dưng hứng mắm tôm, sơn đỏ. Không vay tiền ai nhưng cũng bị tạt sơn vào cửa. Những vụ việc ném chất bẩn vào nhà để đòi nợ vay không phải là chuyện mới, không hiếm những vụ tạt sơn vào nhà người không hề vay nợ, nhiều vụ ném chất bẩn vì tư thù.
Có những vụ việc rất nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự khiến người dân hoang mang, thiệt hại lớn với bị hại.
Hành vi ném chất bẩn, đe dọa người khác thường đi kèm nhiều dấu hiệu của tội phạm, như tội cưỡng đoạt tài sản, tội hủy hoại tài sản, tội khủng bố, tội cho vay nặng lãi (điều 201 Bộ luật Hình sự)... Sau khi ném chất bẩn, kẻ "khủng bố" lại tiếp tục giấu mặt dùng các kiểu uy hiếp về tinh thần khác.
Có những hành vi mới có dấu hiệu mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên rất khó xử lý. Vì vậy thời gian giải quyết bị kéo dài, sau mỗi lần bị ném sơn, chất bẩn... chủ nhà đều trình báo sự việc với cơ quan công an nhưng tình hình vẫn không có gì thay đổi.
Việc công an quận mạnh tay xử lý bằng cách buộc những kẻ ném bẩn phải đến hiện trường lau dọn và khắc phục hậu quả do chính mình gây ra là một cách răn đe, trấn áp những kẻ dùng cách bẩn này.
Khi kẻ phá hoại bị đưa ra ánh sáng, hành vi vi phạm pháp luật phải trả giá "nhãn tiền", người dân thấy an lòng, bớt ám ảnh về những vệt sơn màu đỏ.
Biện pháp "trực quan" này cần được nhân rộng, xử nhanh và xử nghiêm người tạt sơn để góp phần ngăn chặn những kẻ uy hiếp tinh thần người khác.
Thêm những thủ phạm đã bị bắt
Tối 29-10, Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã tạm giữ hình sự bốn người để điều tra về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản bằng việc tạt sơn vào nhà, ô tô và cửa hàng kinh doanh của người khác. Các nghi can khai đi tạt sơn để được trả 5 triệu đồng.
Sau khi tiếp nhận tin báo, hai ngày sau cơ quan công an đã xác định được thủ phạm và cả nhóm bị bắt sau bốn ngày ra tay tạt sơn.
Vụ việc này mở ra câu chuyện liên quan đến những kẻ thuê người đi tạt sơn, làm hư hỏng tài sản người khác. Cần truy tận gốc, xử nghiêm cả những người bỏ tiền thuê người khác đi tạt bẩn.
Ủng hộ cách xử phạt này
Liên quan hành vi đòi nợ bằng cách tạt sơn và công an buộc kẻ tạt sơn lau chùi vết sơn đã tạt, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã bày tỏ sự ủng hộ với cách xử lý này.
Bạn đọc Phuong viết: "Nhất trí với cách xử phạt này. Phải như vậy mới thấy khổ chủ vất vả như thế nào để lau chùi". Bạn đọc có tài khoản [email protected] đồng quan điểm: "Rất ủng hộ, phải xử lý thật nghiêm". Theo tài khoản [email protected]: "Cách xử lý hợp tình hợp lý, rất có tác dụng răn đe".
Thời gian qua, hành vi tạt sơn đòi nợ gây bức xúc rất nhiều.
Bạn đọc Trần Cường cho biết: "Tôi cũng bị một lần. Hàng xóm vay mà nhà tôi bị tạt". Bạn đọc Thanh Tâm kể chuyện người quen vay nhưng nhà mình bị tạt sơn.
Theo bạn đọc có tài khoản [email protected], nguyên nhân là "Phải chăng chưa có hình thức đủ mạnh để răn đe nên cứ tạt rồi thôi".
Nhiều bạn đọc góp ý thêm để việc xử phạt thật nghiêm túc. Bạn đọc Lemon cho rằng: "Nên xử lý mạnh tay với hành vi đe dọa tinh thần, gián tiếp làm ảnh hưởng đến danh dự người khác".
"Nhân sự việc này nên bắt những người xả rác, dán bậy nơi công cộng phải dọn dẹp sạch sẽ, như vậy sẽ không có người xả rác bừa bãi nữa" - bạn đọc có tài khoản [email protected] nêu ý kiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận