Diễn đàn chủ nhật tuần này cùng bàn thêm về việc ngăn chặn tình trạng "cổ vũ" tin giả.
* Ông PHẠM VĂN HÒA (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp):
Xử nghiêm cả người "share" tin giả
Điều 101 nghị định 15 (có hiệu lực từ 15-4-2020) quy định mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống… theo tôi là vẫn còn thấp.
Nhưng để những tin giả dễ dàng phát tán có một vai trò quan trọng của người dùng mạng xã hội, những người tiếp cận tin tức này đầu tiên và góp phần chia sẻ, bình luận, lan truyền… Do đó, cái quan trọng là nhận thức của người dân, ý thức khi dùng mạng xã hội và tiếp cận thông tin.
Cần phải có sự phân biệt trắng đen, thật giả bằng cách tìm hiểu, đối chiếu một vấn đề thông qua các kênh chính thống như báo chí trước khi tin và chia sẻ những tin tức đó. Trước rừng thông tin trên mạng xã hội, hơn bao giờ hết báo chí chính thống cần phải phát huy vai trò quan trọng của mình, cần có sự xác tín thông tin, tách bạch đâu là tin giả, đâu là tin thật để người dân đối chiếu.
Bên cạnh phạt người tung tin, cần phải thực thi chế tài những người lan truyền, phát tán, chia sẻ tin giả và phải xử lý như nhau dù "truy" khá khó. Nếu một người đăng tin giả lên mạng nhưng không ai chia sẻ, không bình luận thì chắc chắn tin đó sẽ "nguội" ngay, do đó tôi cho rằng cần phải phạt nghiêm để chấn chỉnh, làm sạch không gian mạng.
* PHẠM GIANG (thạc sĩ báo chí ĐH Aarhus, Đan Mạch và ĐH Hamburg, Đức):
Giáo dục giúp nhận biết tin giả
Các mức phạt đưa ra cho việc phát tán tin giả là hợp lý nhưng điều quan trọng hơn là để người dân nhận thức được tác hại của việc phát tán tin giả, cung cấp khả năng xác định được tin giả khi tiếp nhận và nâng cao độ tin cậy của hệ thống báo chí.
Tin giả sẽ không bao giờ biến mất, quan trọng là chúng ta cần kỹ năng để phát hiện và tỉnh táo nhìn nhận. Ví dụ ở châu Âu hiện đã có nhiều dự án và tổ chức được thành lập để nghiên cứu chuyên sâu vào tin giả và cách phát hiện chúng.
Người dân có thể vào trang web của những tổ chức này để kiểm chứng độ tin cậy của thông tin cũng như phản biện, thông báo về những thông tin mà họ cho rằng sai sự thật (fact-checking platform).
Cần có những chiến lược cung cấp kỹ năng phòng chống tin giả cho từng nhóm tuổi, đặc biệt là nhóm người trung niên và người già, những nhóm người mà theo tôi dễ bị tác động bởi tin giả nhất. Nhiều khóa học về kỹ năng kiểm chứng độ minh bạch của thông tin hay phòng ngừa tin giả đã được một số nước châu Âu cung cấp miễn phí cho người dân. Nghị viện châu Âu thậm chí còn ban hành một bộ thông tin hướng dẫn các nước trong liên minh phương pháp xác định tin giả.
Quan trọng hơn hết, theo tôi là việc trang bị kỹ năng tư duy phản biện và kỹ năng tranh luận cho mỗi người chúng ta, điều cần được chú trọng ở hệ thống giáo dục lúc này.
* TÙNG VŨ (dịch giả, giảng viên ĐH):
Người chia sẻ phải chịu một phần trách nhiệm
Có những thông tin trên mạng lan truyền với tốc độ chóng mặt và thậm chí có thể gây nhiều hệ lụy đáng kể. Khi tiếng nói, thông tin của những người này bị lan truyền sai về nội dung hoặc mục đích sẽ dẫn đến việc rất nhiều người bị lệch lạc nhận thức khi nghe và làm theo, rồi lại tiếp tục lan truyền thông tin cho người khác theo cấp số cộng hoặc nhân.
Trách nhiệm chính dĩ nhiên thuộc về những người đăng ban đầu, nhưng những người chia sẻ cũng cần chịu một phần trách nhiệm trong việc truyền tải thông tin. Tôi nghĩ giới trẻ khi đăng ý kiến cá nhân lên các diễn đàn, mạng xã hội nên cân nhắc tính đúng sai và hậu quả của nó trước khi đăng, còn khi trích dẫn thì tốt nhất nên lấy tin tức từ những nguồn chính thống, có uy tín.
* NGUYỄN THỊ BẢO YẾN (sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM):
Đọc những người "không khoanh tay đứng nhìn" tin giả
Với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, ai cũng dễ dàng để trở thành một "nhà báo", thậm chí là "một chuyên gia"… cái gì cũng biết để chia sẻ thông tin lên trên mạng và thông tin này dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Theo tôi, người dùng mạng nên trang bị các kiến thức và kỹ năng đối diện với thông tin trước sự bùng nổ thông tin trên mạng xã hội.
Đầu tiên, chúng ta cần tìm hiểu về kỹ năng tư duy phản biện, đặc biệt là các bạn trẻ. Khi nắm vững kỹ năng này, không những giúp bạn đánh giá, phân tích khách quan, mạch lạc vấn đề để biết thông tin đúng hay sai, mà còn giúp bạn đưa ra những quyết định phù hợp ở các tình huống khó khăn trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn.
Thứ hai, cần kiểm tra lại các thông tin đang đọc có được đề cập trên những trang báo chính thống, uy tín để xác tín thông tin.
Thứ ba, nếu chúng ta quan tâm đến thông tin này, cần kiểm tra chất lượng bài viết và nội dung bình luận. "Cư dân mạng" cũng sẽ có người không khoanh tay đứng nhìn với các thông tin sai lệch, những bài viết mà nhiều người bình luận, chỉ ra điều đó không đúng thì khả năng cao là thông tin không đáng tin.
Cuối cùng, các tài khoản mạng xã hội một phần phản ánh con người, tính cách, lối sống của bạn. Do đó, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm với thông tin mà chúng ta chia sẻ.
* NGUYỄN MINH DIỆU (32 tuổi, TP.HCM):
Đối chiếu nhiều nguồn
Hiện nay nhiều người vẫn có thói quen bình luận, chia sẻ thông tin một cách "vô tư" mà không có kỹ năng kiểm chứng thông tin. Họ cũng không lường trước được thông tin giả ấy có thể lan truyền với tốc độ như thế nào trên mạng và gây ảnh hưởng ra sao đến tâm lý của số đông.
Việc xử phạt đưa thông tin giả có tác dụng răn đe, hạn chế.
Tuy nhiên theo tôi, để hạn chế thông tin giả thì các nguồn tin chính thống chẳng hạn như các trang tin chính thức của cơ quan quản lý cần tạo dựng được sự tin tưởng ở mọi người và cần đi trước, đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời đến người dân bằng các công cụ mà người dân tin cậy.
Đồng thời cần phải đưa ra cho người dân các tiêu chí đánh giá để họ dễ dàng phân biệt tin đồn với tin thật. Cá nhân mỗi người cũng cần phải tìm hiểu, tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để có thể đối chiếu, kiểm tra chéo.
* NGÔ TÚ TRINH (31 tuổi, phát triển các dự án về khoa học, sáng tạo):
Lập đường dây nóng phản ảnh tin xấu, tin giả
Những thông tin giả, không được kiểm chứng được tung ra với rất nhiều mục đích khác nhau như cạnh tranh kinh doanh và đôi khi chỉ để câu like một cách vô ý thức. Nhưng tin giả có thể gây ra sự hoang mang trong dư luận, thúc đẩy nhiều hành vi phòng vệ không cần thiết.
Luật an ninh mạng đã giúp xử lý nhiều trường hợp tung tin giả, tuy nhiên vẫn chưa đề cập đến những người chia sẻ tin giả. Nhiều người vẫn cho rằng họ chỉ chia sẻ nên không chịu trách nhiệm về tính đúng sai của thông tin.
Do đó, cũng cần tính đến việc xử lý những người này, chẳng hạn thiết lập đường dây nóng của Sở Thông tin - truyền thông để người dân báo cáo các trường hợp chia sẻ, bình luận tin giả gây ảnh hưởng đến nhiều người.
* Ông LÊ NGỌC SƠN (chuyên gia truyền thông chiến lược, CHLB Đức):
Cần có nhiều tin thật
Để hạn chế được tin giả, cần thiết phải có một môi trường có thêm nhiều tin thật: cần tăng cường liều lượng và độ tin cậy của thông tin trên các kênh chính thống. Từ đó, sẽ hạn chế được các thông tin mang tính phỏng đoán, các thuyết âm mưu… Trong mọi khủng hoảng ở cấp quốc gia, cần có trung tâm quốc gia về điều phối thông tin khẩn cấp, cập nhật từng giờ, có người phát ngôn định kỳ theo giờ.
Về lâu dài, ngành giáo dục cần đưa môn học truyền thông vào cho trẻ nhỏ từ cấp tiểu học. Dạy cách giao tiếp, dạy cách phân biệt một tin giả hay thật bằng cách trang bị tư duy hoài nghi và phản biện. Các công cụ tư duy này rất quan trọng, góp phần hạn chế sự lan truyền phát tán tin giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận