Bà Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội) - Ảnh: Hoàng Long |
Tang vật tại tòa là chiếc mũ vải trị giá 60.000 đồng các bị cáo giật của một em học sinh.
Phóng viên Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội) về việc dư luận cho rằng đây là mức án quá nặng đối với các bị cáo là thành niên và vị thành niên đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Kiến nghị xem xét lại vụ án “Tôi nghĩ rằng trong vụ án này thì chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao, trong phạm vi thẩm quyền của mình, nên rút hồ sơ lên để xem xét, cân nhắc để có thể kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm. Theo đó, cần xem xét rất kỹ ý kiến của bị cáo, người bị hại, luật sư và ý kiến của dư luận. Cá nhân tôi, với tư cách là một đại biểu Quốc hội, vào tuần tới tôi sẽ gửi kiến nghị tới chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị xem xét lại vụ án này theo luật định”. Bà LÊ THỊ NGA |
* Thưa bà, với kết quả xét xử như vậy, bà có phân tích, bình luận gì?
- Đến thời điểm này tôi chưa có bản án trong tay để đưa ra những phân tích pháp luật cụ thể, nhưng từ những thông tin được báo chí đăng tải rộng rãi về vụ án này thì tôi cho rằng đây là vụ án cần được xem xét lại với sự đánh giá, cân nhắc thấu đáo.
Thông tin vụ án cho thấy bị cáo điều khiển xe máy giật một chiếc mũ và một chiếc nón. Nhưng tại tòa các bị cáo khai rằng chỉ giật để trêu đùa, không có mục đích giật để lấy tài sản (đem về sử dụng, bán lấy tiền...). Hơn nữa, giá trị tài sản là không đáng kể. Người bị hại cũng xác nhận tại tòa rằng đó là hành vi trêu đùa. Tại tòa, bị hại là em Trịnh Thị Thu Hà cùng với cha đều khẳng định không có khiếu kiện gì. Trả lời hội đồng xét xử, Hà khẳng định: “Khi giật mũ, các bạn nam có quay lại cười. Em cũng chỉ nghĩ các bạn trêu nên có cười đùa lại. Bình thường các bạn học sinh cũng hay giật mũ trêu đùa nhau” (trích báo Tuổi Trẻ ngày 9-7). Phân tích của các luật sư, thầy cô và nhiều ý kiến từ dư luận cũng cho rằng với lứa tuổi như vậy, với tâm sinh lý của các em thì tình trạng học sinh giật mũ để trêu đùa nhau vẫn thường xảy ra. Như vậy đánh giá tổng hợp các yếu tố về điều kiện, hoàn cảnh và các lời khai tại tòa, tôi cho rằng khó có thể kết luận được hành vi giật cái mũ vải để trêu đùa của các bị cáo là hành vi cướp giật tài sản.
Nếu trong trường hợp bị cáo đi xe máy với tốc độ cao, giật tài sản, có khả năng gây nguy hiểm cao cho bị hại và người đang tham gia giao thông khác thì cần phải xem xét. Trong trường hợp này phải làm rõ bị cáo điều khiển xe máy với tốc độ cao hay thấp, hành vi giật tài sản có gây ra nguy hiểm cho người bị hại và người tham gia giao thông xung quanh hay không. Đặc điểm cơ bản của hành vi cướp tài sản là tiếp cận tài sản, giật, nhanh chóng tẩu thoát, không đối đầu với người có tài sản. Lời khai trước tòa của bị hại là em Thu Hà đã rất rõ: các bạn nam giật mũ, cười và em Hà cười lại. Có nghĩa là đã có sự trêu đùa, tương tác giữa hai bên. Như vậy rõ ràng các bị cáo không điều khiển phương tiện với tốc độ cao, không gây ra nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng cho người tham gia giao thông và cũng không để lại hậu quả như xe bị đổ, các bị hại ngã...
Với những phân tích như vậy, tôi cho rằng chưa đủ căn cứ để kết luận bốn bị cáo phạm tội cướp giật tài sản.
* Dư luận chung cho rằng kết quả phiên xét xử đã cho ra những bản án rất nặng nề với bốn bị cáo còn nhỏ tuổi, ý kiến của bà thế nào?
- Như trên tôi đã phân tích là với những yếu tố như vậy thì ngay cả đối với người đã thành niên cũng rất khó để kết tội. Nhưng giả sử những hành vi đó đã cấu thành tội phạm như cách lý giải của thẩm phán (chủ tọa phiên xét xử, thẩm phán Vũ Thị Nguyệt trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 10-7 - PV) thì chúng ta cần phải hết sức cân nhắc. Cả bốn em đều nhỏ tuổi, chỉ một em bước vào độ tuổi 18, còn lại đều ở lứa tuổi học sinh phổ thông.
Như vậy, nếu không cân nhắc, không phân tích kỹ nguyên nhân, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của việc phạm tội để xử lý phù hợp thì sẽ không đạt được mục đích như quy định của Bộ luật hình sự. Theo cá nhân tôi, với bản án như vậy thì cách xử lý là rất máy móc, nặng nề, không đạt được mục đích “nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm”, đã gây ra những phản ứng không tốt trong dư luận. Chúng ta hãy cùng nghĩ rằng tương lai của các em sẽ như thế nào? Việc kết án tù một số em học sinh, với tính chất mức độ của hành vi như thế, hậu quả như thế thì nó sẽ gây ra hậu quả gì cho chính các em và cho xã hội? Rõ ràng cánh cửa tương lai sẽ đóng sập với các em và xã hội sẽ cảm thấy rất nặng nề trước phán xét đó.
* Trả lời báo Tuổi Trẻ, thẩm phán Vũ Thị Nguyệt giải thích về việc bị cáo Hùng không được hưởng án treo như sau: “Đối với trường hợp của bị cáo Hùng, khoản 2, điều 2 của nghị quyết 01 (của hội đồng thẩm phán - PV) ghi rõ không cho hưởng án treo nếu ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, bị cáo còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác...”. Xin cho biết quan điểm của bà?
- Theo quan điểm của tôi thì lý giải trên không đúng, cho dù nó được quy định ở đâu. Nếu có quy định của hội đồng thẩm phán thì cũng cần phải xem lại. Hiến pháp quy định rõ rằng không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, trong giai đoạn đang bị điều tra (vụ án khác) thì không thể mặc nhiên coi người ta như một kẻ phạm tội, coi đó là tình tiết để không cho bị cáo hưởng án treo mặc dù bị cáo có đủ điều kiện.
* Giật chiếc mũ trị giá 60.000 đồng thì bị “tù ngồi”, còn năm công an ở Phú Yên dùng nhục hình gây chết người thì hưởng “tù treo”... Mặc dù hai vụ án có bản chất khác nhau, nhưng nếu so sánh về mức án thì dư luận không khỏi bất ngờ...
- Như bạn nói là bản chất hai vụ khác nhau. Nhưng xét một cách tổng thể, đặc biệt là nhìn vào hậu quả mà các hành vi gây ra thì đúng là dư luận hoàn toàn có cơ sở để cho rằng một bên thì xử quá nặng (cho bốn thanh niên), một bên thì xử quá nhẹ (cho năm công an).
Sau hai ngày có 350 ý kiến phản hồi Chỉ hai ngày sau khi Tuổi Trẻ lấy ý kiến vụ việc trên, đến nay đã có 350 ý kiến của bạn đọc phản hồi, hầu hết đều mong tòa xem xét lại bản án, tạo điều kiện cho các em đến trường. * Quá nặng! Pháp luật lấy giáo dục làm trọng chứ không phải áp dụng luật cứng nhắc, với lại các em còn nhỏ, ai cũng có một thời nông nổi như vậy... Hãy cho các em cơ hội để thành người tốt, có ích cho xã hội. (Hoa Viet - hungvythachbison@...) * Trong vụ này xem xét kỹ ta có thể thấy đó là trò đùa của các cháu còn đang tuổi học sinh, không phải hành vị cướp giật. Điều đáng quan tâm ở đây là việc cố tình quy kết trò đùa đó là hành vi cướp giật để đưa vào khung phạt là việc cần được xem xét kỹ. Xét về mặt xã hội, đây là trò đùa mà hầu hết các bạn trai ở lứa tuổi học trò đều mắc phải, vậy nếu áp dụng máy móc như tòa án này thì có lẽ ai trong chúng ta cũng phải đi tù? (Trần Vi Dân - caovanminhthai@...) * Theo tôi, có hai điều cần lưu ý: phán quyết quá nặng có thể phản tác dụng, không tạo được sự giáo dục mà gây ra nỗi ám ảnh cho các cháu, rất có thể thay đổi tương lai của các cháu theo chiều hướng xấu. Kể cả tình huống là “cướp” thì với các cháu vị thành niên liệu có nhận thức được hành vi của mình chưa? Mà nếu chưa thì chúng ta vẫn nên giáo dục theo chiều hướng nhẹ nhàng hơn để các cháu thấy được sự nghiêm minh và khoan hồng của pháp luật, chứ phạt tù thì sẽ chỉ thấy sự nghiêm minh cứng nhắc của pháp luật. (Chien - Nnhatrang2009@...) |
“Sao nỡ bỏ tù mấy đứa trẻ?” Rất nhiều thầy cô giáo, các em học sinh ở Tiên Lãng cảm thấy bất ngờ và xót xa, không ai có thể tin nổi chỉ vì hành vi giật mũ của bạn mà bốn bạn trẻ, trong đó có ba chưa thành niên, phải chịu án tù. Thầy Lương Văn Thuẩn, hiệu trưởng Trường THCS Đông Hưng (Tiên Lãng, Hải Phòng), thốt lên xót xa: “Chỉ là hành vi trêu đùa tuổi học trò, sao nỡ xử nặng vậy? Sao nỡ bỏ tù mấy đứa trẻ?”. Em Vũ Thanh Hùng (học sinh lớp 9 Trường THCS Đông Hưng) bị tuyên y án 18 tháng tù giam với tội “cướp giật tài sản”. Sau phiên tòa, cả gia đình Hùng rơi vào bấn loạn, đau đớn. Sau gần một năm bỏ ruộng nương, đồng áng đi kêu oan cho con, cuộc sống của những người nông dân nghèo này giờ như rơi vào ngõ cụt với bản án mà tòa đã tuyên. Dáng người nhỏ thó, nước da ngăm đen chân chất của con nhà nông cùng với gương mặt thẫn thờ, Hùng buồn bã lục lại đống sách vở sau gần một năm phải xa lớp học. Hùng kể những ngày chờ thi hành án, ước muốn được tiếp tục việc học của em càng lớn hơn rất nhiều. “Em không muốn nghỉ học đâu. Đến tận bây giờ em vẫn chỉ nghĩ hành động của mình là một trò trêu đùa bình thường, từ trong tâm em không bao giờ nghĩ mình cướp giật mũ, nón đó để sử dụng hay làm gì khác ngoài trêu đùa cho vui” - Hùng nói với giọng buồn buồn. Kể từ khi biết tin học trò của mình không được giảm án, sẽ phải chấp hành hình phạt 18 tháng tù, thầy Lương Văn Thuẩn trăn trở không yên. Gần 20 năm làm công tác giảng dạy, chứng kiến nhiều trò nghịch dại của học sinh tuổi mới lớn nhưng chưa bao giờ thầy Thuẩn thấy bất lực và đau lòng như lần này. “Hùng học không giỏi nhưng được đánh giá là một học sinh ngoan, chưa trộm cắp, đánh nhau hay bị kỷ luật bao giờ. Ở góc độ là người giảng dạy, tôi đánh giá hành động đó của các em chỉ là bột phát, hoàn toàn mang tính chất trêu đùa rất bình thường, ở lứa tuổi của các em thì nhiều học trò khác còn có những trò nghịch ngợm hơn thế. Cho các em được quay trở lại đi học để nhà trường phối hợp với gia đình giáo dục sẽ tốt hơn để các em đi tù như vậy. Tôi nghĩ không chỉ làm các em dang dở con đường học tập mà còn cả tương lai của các em sau này sẽ ra sao, như thế chưa chắc đã là biện pháp giáo dục, cải tạo hiệu quả” - thầy Thuẩn nói. Trong bốn bị cáo của vụ án này, có hai em bị bắt khi đang ngồi trên ghế nhà trường, còn hai em mới nghỉ học và đang làm đơn xin gia nhập quân ngũ. Ngay sau khi biết tin học trò của mình là em Vũ Văn Lộc bị bắt vì giật mũ của bạn, cô Trần Thị Nhung (giáo viên chủ nhiệm của Lộc) cùng 35 học sinh lớp 11C3, Trung tâm dạy nghề giáo dục thường xuyên cơ sở 2 xã Tiên Thắng, đã làm đơn xin cho Lộc được tại ngoại để trở lại trường tiếp tục việc học. Nhờ vào sự bảo lãnh của nhà trường, Lộc đã được trở lại lớp học sau một tuần bị bắt giam. Sau phiên xét xử phúc thẩm, dù vẫn phải chịu mức án 18 tháng tù (cho hưởng án treo) nhưng Lộc cũng cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được tiếp tục đi học. Em Trịnh Thị Thu Hà (học sinh Trường THPT Tiên Lãng) - người được Cơ quan điều tra Công an huyện Tiên Lãng xác định là bị hại trong vụ án - cho biết gần một năm nay cảm thấy rất buồn và lo lắng khi thấy các bạn nam chỉ vì giật mũ trêu đùa mình mà phải chịu án tù. Hà cho biết vì biết các bạn trêu đùa nên sau khi bị giật mũ không hề làm đơn tố cáo. Khi thấy các bạn bị bắt giam, Hà cùng với gia đình đã làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. “Tại tòa em đã khẳng định khi giật mũ, các bạn còn quay lại cười đùa nên lúc ấy em cũng cười lại vì nghĩ các bạn trêu. Chỉ mong sao các cơ quan chức năng xem xét lại, giảm nhẹ hình phạt để các bạn được tiếp tục đi học”. THÂN HOÀNG - TIẾN THẮNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận