Sáng 15-3, cảnh sát giao thông TP.HCM ra quân xử lý xe “nát”, xe ”mù”. Cùng ngày, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước bắt đầu đồng loạt ra quân xử lý vi phạm giao thông đường bộ, đặc biệt là các vi phạm về nồng độ cồn và chất ma túy.
Dễ nhìn thấy quyết tâm chấn chỉnh trật tự giao thông khi đợt kiểm tra không chỉ gói gọn trong mươi, mười lăm ngày, mà việc xử lý xe cũ nát sẽ duy trì "tinh thần ra quân" hơn 3 tháng, còn xử lý vi phạm giao thông kéo dài theo chuyên đề đến hết năm.
Ai cũng mong những lộn xộn sẽ dần cải thiện, nhưng cùng với mong mỏi đã lại thấp thỏm ngay, chỉ lo sau đợt ra quân nóng bỏng thì mọi việc đâu lại hoàn đấy.
Nhiều năm qua, trong mỗi đợt ra quân tình hình trật tự lại được thiết lập tốt hơn, người dân tuân thủ quy định ngăn nắp hơn. Nhưng sau đó, quán tính ngày thường vẫn cứ trở lại. Nói đâu xa, đợt "cao điểm" gần nhất của cảnh sát giao thông mới vừa kết thúc hai tuần mà con số vi phạm trong ngày đầu ra quân lần này vẫn vô cùng "ấn tượng".
Chưa hết, ngày 15-3 cả nước đã ghi nhận hơn 600 tài xế "uống rượu bia vẫn lái xe", 2 người ngang nhiên chạy xe dù cơ thể dương tính với ma túy. Còn nếu tính toàn bộ vi phạm của tài xế, số lượng còn khủng khiếp hơn: hơn 7.000 trường hợp, phạt hơn 7 tỉ đồng, tước gần 700 giấy phép lái xe.
Một tập đoàn lớn từng chia sẻ kinh nghiệm siết kỷ cương, kiểm soát chất lượng không phải ở chỗ bố trí "rừng" thanh tra rậm rạp, chỗ nào cũng có người tỉ mẩn soi xét. Bí kíp nằm ở việc thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ, trách nhiệm ở nấc nào thì xử ngay ở nấc ấy. Ngay cả người được giao thanh tra nếu thấy sai phạm mà không nghiêm minh xử lý thì phải chấp nhận bị xử lý bởi cấp thẩm quyền cao hơn.
Câu chuyện xe không gương, không còi, đèn vẫn phi ầm ầm trên đường phố, trở thành nỗi khiếp sợ của người dân bao lâu nay sao vẫn không xử đến nơi đến chốn? Xe cũ nát đâu có giấu trong nhà, chủ xe muốn dùng phải lôi ra đường, khói đen và tiếng ồn ầm ĩ, tại sao vẫn làm ngơ?
Nhiều người trông mong vào ý thức, nhưng muốn nâng ý thức thì lại phải chờ vào sự song hành hệ thống pháp luật vận hành chặt chẽ. Không thể lấy xử phạt làm cứu cánh nhưng đó là thứ răn đe hữu hiệu để người ta sợ mà không dám vi phạm. Rốt ráo cho những đợt ra quân nhưng hơn hết còn phải nhất quán duy trì giám sát, xử lý hằng ngày, không buông lơi, du di với ý nghĩ "đằng nào cũng thế".
Dân gian có câu "vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm". Không có kỷ cương, giám sát sẽ dễ có xu hướng làm bừa và bất chấp. Sửa thói quen cũ, hình thành một nền nếp mới không bao giờ dễ dàng. Nhưng khi đã xác định là việc phải làm và quyết tâm làm thì khó mấy cũng có giải pháp phù hợp. Việc dân mong, xã hội kỳ vọng, lẽ nào hệ thống chính trị ở cơ sở lại bó tay?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận