24/05/2017 10:25 GMT+7

Xử lý trẻ em phạm tội không nên quá 'nóng'

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Thảo luận sửa đổi Bộ luật hình sự 2015 sáng nay 24-5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xử nặng trẻ em 14-16 tuổi phạm tội, nhưng cũng có ý kiến rằng ”không nên có thái độ quá nóng".

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Ảnh: Quochoi.vn

Cho các em cơ hội quay lại

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đặt vấn đề khi mở đầu phát biểu của mình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015: "Nên hay không nên mở rộng phạm vi xét xử hình sự đối với các em tuổi từ đủ 14 đến dưới 16?”

Theo bà Thủy, căn cứ vào mức độ nguy hiểm của tội phạm trong xã hội, Bộ luật hình sự Việt Nam chia tội phạm thành 4 loại: ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Lịch sử nước ta từ 1945 đến 2015 thì chỉ xử lý hình sự trẻ em phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Bộ luật hình sự 2015 lại sửa theo hướng mở rộng đến cả loại tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, với 3 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Lứa tuổi 14-16 thực chất là tuổi học sinh đang ngồi ghế nhà trường. Thay đổi của Bộ luật hình sự 2015 là thay đổi rất lớn về chính sách hình sự nước ta theo hướng xử nghiêm trẻ em. Quốc hội chỉ thay đổi được điều này nếu đưa ra được những căn cứ xác đáng", bà Thủy phân tích.

"Tôi xin làm rõ 4 căn cứ. Từ thực tiễn, trong 3 năm 2014-2016 cả nước chỉ có 122 em bị truy tố về tội cố ý gây thương tích. Tức chia chung bình mỗi năm, mỗi địa phương chỉ có 1 em phạm tội gây thương tích đến mức phải xử lý hình sự. Và trong ba năm chỉ có 3 em bị truy tố về tội hiếp dâm và 2 em bị truy tố về tội bắt cóc".

Theo đại biểu Bắc Kạn, thực tiễn là có rất ít em phạm các tội này nên việc mở rộng phạm vi xử lý các em cần cân nhắc thêm.

"Còn đối với những vụ án các em phạm tội gây bức xúc trong dư luận thì hầu như không thuộc khung tuổi này mà là từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Lê Văn Luyện thì cũng kém 2 tháng nữa là tròn 18 tuổi”, bà Nguyễn Thị Thủy nói.

Theo bà, nguyên nhân trẻ em phạm tội chủ yếu là do chưa tìm được chỗ dựa từ mái ấm gia đình, có đến 10% là trẻ mồ côi, 11% có bố mẹ li hôn, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng, và rất nhiều em có hoàn cảnh cả bố lẫn mẹ, hoặc bố hay mẹ nghiện ma túy, phạm pháp hình sự.

Bên cạnh đó, môi trường văn hóa, giải trí của các em chưa thật sự an toàn. Do vậy đứng trước tình hình này, không phải xem xét hành vi phạm tội mà quan trọng cần tăng cường trách nhiệm của toàn xã hội với các em.

Đại biểu Bắc Kạn thấy xử lý các em theo Bộ luật hình sự 2015 là rất nặng, dường như không còn phân hóa giữa trẻ em phạm tội và người lớn phạm tội.

"Pháp luật quốc tế không quy định như vậy, xu hướng thế giới là xử lý nhân đạo hơn với trẻ em. Xử lý đối với các em không nên bằng thái độ quá nóng", bà Nguyễn Thị Thủy nói.

"Điều này không có nghĩa ta cưng chiều với các em, mà chúng ta tự hỏi trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội đến đâu. Xử lý thế nào để các em có cơ hội quay trở lại con đường rất dài ở phía trước".

Bà Thủy kết thúc bài tham luận dài 7 phút bằng kiến nghị chỉ xử lý hình sự trẻ em 14-16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Xử một người để bảo vệ muôn người

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) có ý kiến khác: Để luật vừa nghiêm minh, vừa giáo dục thì người đủ 14 đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm cả tội ít nghiêm trọng.

Theo bà Phúc, thời gian qua, bạo lực học đường, hiếp dâm ở người chưa thành niên có xu hướng gia tăng.

"Ông bà ta nói thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Thời gian qua việc giáo dục tại cộng đồng không kết quả, thậm chí sau cải tạo tại cộng đồng còn vi phạm ở mức độ cao hơn", đại biểu Bình Thuận nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chia sẻ quan điểm này: Tội phạm thì trẻ hóa, vi phạm phức tạp với những hành vi phi nhân tính, đặc biệt gần đây là hiếp dâm, bắt cóc tống tiền, cố ý gây thương tích cho người khác ngày càng gia tăng, nghiêm trọng, gây bức xúc, bất an cho xã hội.

"Vì thế cần phải xử nghiêm để cảnh báo, răn đe, hướng tới xây dựng một xã hội bình yên. Hơn nữa đối tượng này gần đây còn bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, gây bạo loạn", ông Phương nói.

"Tuổi từ đủ 14 đến 16 phạm tội là cá biệt, nhưng lại gây bất an cho số đông, luôn tạo cho mọi người cảm giác lo âu sợ hãi, vì thế luật phải bảo vệ số đông. Luật xử nghiêm đối tượng này tức là xử một người để bảo vệ muôn người. Đó chính mới là điều nhân văn. Lợi ích tốt nhất của trẻ em là chúng ta xây dựng một xã hội lành mạnh".

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên