25/12/2018 18:03 GMT+7

Xử lý tổ chức đảng vi phạm phải xem xét trách nhiệm từng cá nhân

T.CHUNG
T.CHUNG

TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy định số 07-QĐi/TW ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm.

Xử lý tổ chức đảng vi phạm phải xem xét trách nhiệm từng cá nhân - Ảnh 1.

Ủy ban Kiểm tra trung ương trong kỳ họp gần đây nhất - Ảnh: UBKTTW

Hướng dẫn quy định nguyên tắc xử lý kỷ luật một tổ chức đảng "phải xem xét, kết luận rõ trách nhiệm của tổ chức đảng, đồng thời xem xét, kết luận rõ trách nhiệm của từng đảng viên có liên quan trong tổ chức đảng đó để việc xử lý kỷ luật đảm bảo nghiêm minh, chính xác, kịp thời".

"Tổ chức đảng bị xử lý kỷ luật, những đảng viên trong tổ chức đảng đó không bị kỷ luật về cá nhân thì vẫn được xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định", Hướng dẫn nêu rõ.

"Tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán, nếu đảng viên trong tổ chức đảng đó vi phạm nhưng chưa đến mức phải kỷ luật khai trừ thì tổ chức đảng có thẩm quyền phải xem xét, xử lý kỷ luật trước khi chuyển sinh hoạt đảng cho đảng viên đó".

Làm rõ các vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo

Hướng dẫn cũng định nghĩa rõ một số vi phạm về quan điểm chính trị, chủ trương, đường lối, nghị quyết chỉ thị của Đảng, được nêu trong Quy định số 07-QĐi/TW.

Theo đó, vi phạm "buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ, để nhiều cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng vi phạm" được hiểu cụ thể là:

Có trách nhiệm nhưng không xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, hoặc có xây dựng chương trình, kế hoạch nhưng không triển khai thực hiện; không ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", dẫn đến nhiều cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng vi phạm.

Không lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, không phân công cho các thành viên trong tổ chức đảng phụ trách địa bàn, lĩnh vực chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc phạm vi quản lý, dẫn đến xảy ra vi phạm nhưng không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Không sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm nếu có và không đề ra chủ trương, biện pháp đấu tranh đối với sự suy thoái về tư tưởng chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Về vi phạm "không chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, làm tổn hại đến sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, tập thể và cá nhân", Hướng dẫn giải nghĩa:

Nội bộ cấp ủy, tổ chức đảng ở địa phương, đơn vị chia rẽ, bè phái, đối phó lẫn nhau; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tập thể và cá nhân không đúng quy định, dẫn đến tiêu cực, thất thoát, lãng phí, làm mất uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng.

Vi phạm "không giữ vững vai trò lãnh đạo, để nội bộ mất đoàn kết, giảm sút ý chí chiến đấu hoặc để cá nhân lợi dụng thâu tóm, thao túng dẫn đến có những quyết định sai trái" được hiểu là để nội bộ xảy ra mâu thuẫn giữa các đảng viên trong tổ chức đảng đến mức chia rẽ, bè phái, kèn cựa, đối phó, bôi nhọ, tố cáo bịa đặt, vu khống lẫn nhau.

Đấu tranh tự phê bình và phê bình không mang tính xây dựng, vì lợi ích cục bộ, "lợi ích nhóm", không vì mục tiêu chung của tổ chức, đơn vị hoặc thủ tiêu đấu tranh tự phê bình và phê bình.

Bí thư huyện chỉ đạo công an theo dõi đoàn Ủy ban Kiểm tra trung ương?

TTO - Sau khi đoàn kiểm tra trung ương về làm việc tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đoàn phát hiện trong cuốn sổ họp giao ban của thường trực huyện ủy có ghi "Bí thư huyện ủy chỉ đạo công an theo dõi đoàn kiểm tra".

Các vi phạm mang tính cản trở, can thiệp

Hướng dẫn vừa được Ủy ban Kiểm tra trung ương ban hành cũng làm rõ cách hiểu về một số vi phạm nghiêm trọng của tổ chức đảng.

Với vi phạm "chỉ đạo cản  trở, mua chuộc, trả thù cá  nhân hoặc tổ chức làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm toán, người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ", Hướng dẫn giải nghĩa:

Chỉ đạo dùng tiền, vật chất hoặc các lợi ích khác để hối lộ, mua chuộc hoặc khống chế các thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

Phân công người theo dõi, giám sát để đe dọa, ngăn cản hoặc có hành động trả thù người cung cấp thông tin, chứng cứ cho đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra,  kiểm toán.

Quyết định điều chuyển công tác hoặc gây khó khăn, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

Có chủ trương bàn bạc, gợi ý, xúi giục tố cáo bịa đặt, vu khống thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

Vi phạm "chỉ đạo thực hiện không đúng các quy định về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, giám định, thi hành án" được hiểu là:

Chỉ đạo cấp dưới thực hiện không đúng hoặc trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thực hiện chức năng giám định tư pháp và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chỉ đạo cấp dưới tạm giữ tiền, tài sản là tang vật, vật chứng trong các vụ án không đúng quy định của pháp  luật hoặc chỉ đạo gửi tiền tạm giữ, tạm thu hồi trong các vụ án nhằm trục lợi.

Vi phạm "chỉ đạo cấp dưới, cán bộ trực tiếp điều tra, kiểm sát, xét xử làm sai lệch hồ sơ vụ án để không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc miễn, giảm tội, thay đổi tội danh cho người phạm tội hoặc gây cản trở, bao che, tiếp tay cho tội phạm" được giải nghĩa là:

Chỉ đạo lập tài liệu, văn bản, chứng cứ không đúng thực tế vụ việc đã xảy ra hoặc thực hiện không đúng quy trình, thủ tục, chế độ công tác nhằm làm thay đổi hướng điều tra, làm sai lệch hồ sơ vụ án, thay đổi biên bản, tài liệu ghi lời khai, xét hỏi để làm sai lệch nội dung vụ án, để vụ án không đủ điều kiện khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc để giảm nhẹ hậu quả của hành vi vi phạm so với thực tế.

Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử theo sự áp đặt của cấp ủy, tổ chức đảng hoặc chỉ đạo làm sai lệch hồ sơ vụ án để bao che cho quyết định sai trái của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chỉ đạo cấp dưới hoặc cán bộ trực tiếp điều tra, kiểm sát, xét xử cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án để cản trở quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm bao che, hoặc tiếp tay cho tội phạm.

Hướng dẫn cũng giải thích rõ về vi phạm "lợi dụng việc tiếp thu ý kiến để làm sai lệch nội dung ý kiến tham gia góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân đối vói tổ chức đảng, cơ quan nhà nước".

Đó là hành vi chỉ đạo tổ chức tiếp thu ý kiến tham gia đối với tổ chức đảng, cơ quan nhà nước không đúng với mục đích, yêu cầu của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Cố tình tiếp thu, báo cáo, thông báo, thông tin sai nội dung góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân để che giấu, trốn tránh trách nhiệm.

Cử tri lo tình trạng cán bộ tiếp tay tội phạm, cố ý làm trái

TTO - Gần 3.500 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi về kỳ họp lần này, theo Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, thể hiện sự lo lắng của người dân về nhiều vấn đề nổi cộm thời gian qua.

T.CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên