Nhân viên điều độ quan sát và xử lý các sự cố điện qua hệ thống giám sát từ xa - Ảnh: LÊ PHAN
Với quy trình khép kín này, người dân ngoài khu vực sự cố sẽ được cấp điện lại trong 5 phút thay vì đợi việc sửa chữa mất hàng giờ đồng hồ như trước đây.
Chuyển tải trước, xử lý sự cố sau
Chiều 14-9, tại TP.HCM xuất hiện mưa lớn kèm theo dông gió khiến nhiều tuyến đường bị ngập, trong đó trạm điện quận Gò Vấp trên đường Cây Trâm bị nước tràn vào, lực lượng PCCC quận Gò Vấp đến hút nước ra ngoài.
Nhưng trước đó, sự cố này đã được phát hiện nhờ hệ thống camera giám sát tại Trung tâm điều độ hệ thống điện đặt tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC).
Lúc này một nhân viên điều độ thông qua hệ thống giám sát nhận thấy nước mưa bắt đầu tràn vào trạm điện nên đã lập tức báo động.
Nhờ vậy, song song với việc lực lượng PCCC hút nước giải cứu, các nhân viên tại trung tâm điều độ cũng căng mắt theo dõi qua màn hình, thực hiện các phương án chuyển tải từ xa sang các trạm lân cận để việc cung cấp điện không bị gián đoạn.
Hay một sự cố điện khác vào rạng sáng 2-10, xe container chạy trên đường Hoàng Dư Khương, quận 10 bất ngờ vướng vào dây cáp viễn thông rồi kéo ngã hai trụ điện của đường dây trung thế. Sự cố này làm cúp điện hơn 400 hộ dân.
Sau khi nhận được báo động từ hệ thống, nhân viên điều độ đã thực hiện cô lập vị trí gặp sự cố, chuyển tải sang các trạm lân cận và tái lập điện cho các hộ dân ngay tức thời.
Theo EVN HCMC, TP.HCM đang trong mùa cao điểm mưa bão. Trong thời gian qua các sự cố trên lưới điện chủ yếu là do mưa dông, lốc và sấm sét gây ra. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 283 sự cố do các yếu tố tự nhiên gây ra.
Khi có sự cố, thông qua hệ thống cảnh báo (âm thanh, tín hiệu vị trí sự cố, dòng sự cố) tại trung tâm điều khiển, các điều độ viên sẽ tiến hành cô lập khu vực bị sự cố và đóng điện lại các khu vực bị ảnh hưởng, sau đó sẽ thông báo cho các đơn vị liên quan để tiến hành kiểm tra và khắc phục.
Hiện nay ngoài các quy trình, quy định về xử lý sự cố của Bộ Công thương đã ban hành, ngành điện thành phố đang thực hiện xử lý sự cố theo tiêu chí "Chuyển tải trước, xử lý sự cố sau" với thời gian từ lúc nhận biết sự cố đến lúc điều độ viên khôi phục cấp điện cho các khu vực không bị ảnh hưởng bởi sự cố là dưới 5 phút.
Hạn chế tối đa vùng mất điện
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Minh, giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện EVN HCMC, cho biết trước đây khi có sự cố trên lưới điện như các trường hợp nêu trên, các nhân viên vận hành tại công ty điện lực khu vực sẽ nhận được tin báo mất điện của khách hàng hoặc trung tâm chăm sóc khách hàng.
Sau đó các nhân viên này sẽ gọi điện cho điều độ viên tại trung tâm điều khiển để biết, đồng thời lấy xe chạy ra ngoài hiện trường để tìm vị trí sự cố.
Sau khi tìm được vị trí sự cố, nhân viên vận hành sẽ gọi về cho điều độ viên để thông báo vị trí sự cố và xin lệnh cắt điện để cô lập vùng sự cố và đóng điện lại các khu vực không bị ảnh hưởng bởi sự cố.
Toàn bộ quá trình sẽ được các nhân viên thao tác bằng tay tại các thiết bị được lắp trên trụ điện ở ngoài hiện trường và tại các trạm trung gian 110kV/22kV.
Thời gian từ lúc nhận được thông báo mất điện của khách hàng, chạy ra hiện trường để tìm được vị trí sự cố, xin lệnh cô lập và đóng điện khôi phục cấp điện cho các khu vực không bị ảnh hưởng bởi sự cố là trên 60 phút.
Nhưng hiện nay mọi chuyện nhanh gọn hơn nhiều nhờ trung tâm điều khiển hiện đại, với nhiều chức năng tiên tiến có thể giám sát vận hành và điều khiển từ xa toàn bộ thiết bị đóng cắt tại các trạm và các thiết bị đóng cắt gắn trên lưới điện thuộc khu vực TP.HCM.
Khi có sự cố trên lưới điện hoặc tại các trạm, các điều độ viên sẽ nhận được các âm thanh cảnh báo. Toàn bộ thông số về sự cố sẽ được hiển thị trên màn hình làm việc của các điều độ viên.
Từ đó điều độ viên nhanh chóng xác định được vị trí xảy ra sự cố và chủ động thực hiện việc chuyển tải và khôi phục cấp điện cho các khu vực không bị ảnh hưởng bởi sự cố.
"Nhờ hệ thống này chúng tôi hạn chế thấp nhất thời gian mất điện và vùng mất điện làm ảnh hưởng tới người dân. Như trước đây nếu vị trí đầu đường dây bị sự cố thì các khu vực phía sau cũng mất điện theo.
Nhưng hiện tại chúng tôi chủ động cô lập được vị trí gặp sự cố, đồng thời tái lập điện cho các khu vực lân cận. Do đó khi có sự cố đường dây, vùng mất điện được thu hẹp rất nhiều" - ông Minh nói.
Chia sẻ về định hướng ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin vào quản lý vận hành hệ thống điện trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thanh, tổng giám đốc EVN HCMC, cho biết tổng công ty rất quan tâm vấn đề này để nâng cao chất lượng phục vụ.
Theo đề án về việc xây dựng "Chương trình hiện đại hóa lưới điện, phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2020-2025", tổng công ty tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới.
Bên cạnh đó, ngành điện sẽ phát triển, xây dựng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề có trách nhiệm và đủ năng lực để tiếp nhận và làm chủ công nghệ mới.
Tiệm cận các nước tiên tiến trong khu vực
Ông Trần Đình Nhân (bìa phải) - tổng giám đốc EVN - nghe ông Nguyễn Văn Thanh - tổng giám đốc EVN HCMC - giới thiệu về hệ thống điều khiển từ xa lưới điện TP.HCM - Ảnh: L.P.
Ông Trần Đình Nhân, tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đánh giá cao các giải pháp và kết quả đạt được của EVN HCMC trong công tác hiện đại hóa hệ thống điện, áp dụng thành công các công nghệ mới vào điều khiển từ xa và tự động hóa lưới điện.
Đặc biệt, trung tâm điều khiển từ xa được đầu tư rất hiện đại, vận hành rất hiệu quả nhờ chuyển đổi thành công từ phương thức vận hành thủ công, phụ thuộc rất nhiều vào con người sang phương thức vận hành tự động.
Kết quả của công tác hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động của EVN HCMC mà còn góp phần quan trọng để giảm sự cố của hệ thống, giảm thời gian và số lần mất điện của khách hàng.
Điều đó cho thấy khách hàng tại TP.HCM đã được cung cấp điện với chất lượng rất cao, với chỉ số tin cậy cung cấp điện tốt nhất trong cả nước, tiệm cận các nước tiên tiến trong khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận