Ngày 1-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu kiến nghị giải pháp sau các vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội hay cháy quán karaoke ở Bình Dương làm nhiều người chết.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng sau vụ cháy quán karaoke, quản lý được siết lại, yêu cầu các cơ sở này nếu không đảm bảo phòng cháy chữa cháy phải dừng hoạt động.
Nhưng sau vụ cháy chung cư mini thì không thể xử lý tương tự, mà phải tính tới thực tế chung cư mini đang là nơi ăn chốn ở của hàng ngàn con người, nhiều giao dịch đã được thực hiện…
Đại biểu Thủy đề nghị một mặt kiên quyết không hợp thức hóa các sai phạm cho các chung cư mini, mặt khác có những giải pháp căn cơ để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, thông qua các giải pháp như khơi thông nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, các đoàn thanh tra kiểm tra chung cư mini đang triển khai ngoài việc làm rõ đúng sai còn cần hướng dẫn kịp thời về an toàn cháy nổ…
Đại biểu Thủy cũng đề nghị Quốc hội có nghị quyết riêng về đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng việc xử lý các chung cư mini cần có các giải pháp kỹ thuật phù hợp, siết chặt nhưng cũng không làm quá, tới mức đẩy người lao động nghèo, sinh viên ra đường.
Đại biểu Thắng nêu thực trạng gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay để xây nhà ở xã hội hiện mới giải ngân được 83 tỉ đồng. Các doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn, cũng chưa mặn mà xây nhà ở xã hội vì thủ tục hành chính rắc rối và rủi ro pháp lý khiến họ nản lòng.
Đại biểu Thắng cho rằng cần chân thành coi các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là đối tác đặc biệt, cần tháo gỡ để mục tiêu có nhiều nhà ở xã hội thành hiện thực.
Về vai trò của tổ chức công đoàn trong sứ mệnh chăm lo nhà ở xã hội cho người lao động, đại biểu Thắng ủng hộ phát huy nhưng cần cân nhắc kỹ nên để tổ chức công đoàn là "chủ đầu tư", hay chỉ là tổ chức chính trị xã hội có chức năng giám sát, phản biện phù hợp để triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Đại biểu đề nghị Quốc hội khi xem xét Luật Nhà ở (sửa đổi) cần thận trọng, cân nhắc kỹ về nội dung này.
Kiến nghị bổ sung, sửa luật để siết quản lý chung cư mini
Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) tranh luận cho rằng việc tạo chỗ ở cho người thu nhập thấp là cần thiết nhưng không thể buông lỏng quản lý. Ví dụ ngôi nhà chung cư mini bị cháy ở Hà Nội được cấp phép có 6 tầng nhưng xây 9 tầng là sai.
Sau vụ cháy, có quận đi thanh tra kiểm tra thì lộ ra hàng chục chung cư mini sai phạm về phòng cháy chữa cháy. Đại biểu Lịch cho rằng với những nội dung mà luật còn thiếu, có kẽ hở thì cần bổ sung và sửa luật, cần nghiêm khắc trong vấn đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận