Bãi rác Đa Phước - nơi tiếp nhận khoảng 70% lượng rác TP.HCM, chỉ một vài ngày "đau đầu, sổ mũi" khiến cả chuỗi xử lý rác của TP.HCM trục trặc. Thực trạng này cho thấy phương án chôn lấp rác ở TP.HCM đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận" an ninh chất thải.
Người dân lãnh đủ
"Sao mà hôi dữ vậy!" - một người giao hàng nói lớn rồi lấy tay bịt mũi khi rẽ vào đầu hẻm 130, đường số 6 (phường Tam Phú, TP Thủ Đức). Nhiều ngày nay, rác sinh hoạt của người dân tại đây không được thu gom.
Rác chất đầy bốn thùng cỡ lớn, đầy các thùng xốp nhỏ rồi tràn xuống mặt đất. Những con ruồi bu đen, bay vo ve quanh đống rác, mùi hôi thốc lên nồng nặc khiến căn nhà ở đầu hẻm phải đóng kín cửa.
Chị Hoàng Thị Thúy (34 tuổi), người dân sống tại đây, chia sẻ con hẻm nhỏ chưa đến 10 hộ dân sinh sống và rác thải sinh hoạt mỗi ngày không quá nhiều nhưng do quá lâu không được thu gom mới dẫn đến cảnh nhếch nhác trên. "Thùng rác đầy quá, nhiều người trong hẻm cũng không đem ra vứt mà tạm để trong một góc nhà", chị Thúy ngán ngẩm nói.
Nhiều người dân sống trên các tuyến đường số 2, đường số 4, đường số 6... thuộc phường Tam Phú (TP Thủ Đức) cũng phải hứng chịu cảnh rác thải sinh hoạt đã lâu ngày không được thu gom.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy có rất nhiều thùng rác trước cửa nhà người dân đã đầy ắp, rác chất đống trước cửa nhà dân, dưới chân cột điện, nằm ngổn ngang trên vỉa hè... Việc này cộng thêm trời mưa khiến cho nước thải từ các thùng rác, túi rác chảy ra gây ô nhiễm.
Theo đại diện UBND phường Tam Phú, thời gian qua bãi rác Đa Phước chậm nhận rác, dẫn đến các trạm trung chuyển rác ở Thủ Đức bị đầy, không còn chỗ chứa. Cũng vì vậy mà các đơn vị thu gom rác chậm lấy rác, dẫn đến dồn ứ rác nhiều ngày qua. Chỉ mới đây các trạm rác bắt đầu tiếp nhận rác lại, rác tồn đọng trước nhà dân bắt đầu được thu gom.
Câu chuyện chậm thu gom rác này cũng xảy ra trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức). Đại diện UBND phường này cho biết việc rác lâu ngày không được thu gom còn kéo theo nhiều hệ lụy, một số người dân đem rác vứt luôn tại các khu đất trống, phường phải xử lý dọn dẹp.
"Khi quá trình thu gom, trung chuyển rác gặp trục trặc thì người dân vẫn chịu ảnh hưởng nhiều nhất nên liên tục gọi lên phường phản ánh. Khi nhận thông tin phản ánh từ người dân, địa phương cũng muốn thu gom rác nhanh để đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng thu gom về cũng không biết để ở đâu", đại diện phường Hiệp Bình Chánh chia sẻ.
Đặc biệt, gần đây là tình trạng rác dồn ứ ở quận Bình Thạnh. Vị trí bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là khu vực đường Tố Hữu, một bên là Học viện Cán bộ TP.HCM, bên kia là rạch Cầu Sơn (nối với rạch Xuyên Tâm).
Theo tìm hiểu, trước nay phía cuối đường Tố Hữu có một điểm lấy rác. Mỗi ngày có hàng chục xe rác chở từ các nơi của quận Bình Thạnh về đợi xe chuyên dụng chở đi xử lý.
Tuy nhiên, do việc trung chuyển rác đến nơi xử lý chậm trễ nên lượng rác dồn ứ. Từ một vị trí chất rác khoảng 20m2 đã phát sinh, kéo dài ra gần 200m2, ước lượng hơn 100 tấn rác.
Chôn lấp quá tải, đốt rác mãi chờ
Bãi rác Đa Phước, do Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư, bắt đầu chôn lấp từ năm 2007.
Tính tới tháng 3 năm nay, bãi rác này đã tiếp nhận hơn 28 triệu tấn rác trong khi công suất thiết kế và hồ sơ pháp lý hiện hữu là 24 triệu tấn. Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đang tạm thanh toán khối lượng rác đã tiếp nhận vượt quá công suất thiết kế với đơn giá 360.000 đồng/tấn.
Việc cho tiếp nhận rác vượt quá công suất thiết kế của bãi chôn lấp Đa Phước nhằm đảm bảo an ninh chất thải cho TP.HCM. Nhưng sở này cũng nhìn nhận về hợp đồng và hồ sơ pháp lý hiện hữu là chưa đảm bảo theo quy định. Và thực tế việc này đã bắt đầu có dấu hiệu trục trặc ùn ứ rác do vấn đề thời tiết hoặc hư hỏng thiết bị vận hành.
Còn Nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar sau 5 năm trôi qua vẫn chờ giấy phép xây dựng (khởi công cuối năm 2019). "TP.HCM và các sở ngành họp với chúng tôi nhưng chưa biết ngày tháng nào cụ thể sẽ có giấy phép xây dựng" - ông Ngô Như Hùng Việt, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar, nói với Tuổi Trẻ sáng 29-10.
Ông Việt nói để chuyển đổi sang đốt rác phát điện, công ty đã đầu tư các hệ thống như phân loại, tái chế và lò đốt rác phát điện. Nhưng giấy phép xây dựng nhà máy thì công ty vẫn đang phải hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp phép.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cũng đã nộp hồ sơ đề xuất dự án "Chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện tại bãi chôn lấp số 3" trình Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét từ cuối năm 2019 nhưng đến nay dự án vẫn dừng ở khâu bổ sung giấy tờ...
Trong khi đó, dự án xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh khởi công cùng thời điểm với nhà máy của Vietstar vào năm 2019 và khả quan hơn.
Dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025 với công suất đốt rác đạt 2.000 - 2.600 tấn/ngày, công suất phát điện đạt 60MW, tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỉ đồng.
Tập đoàn Bamboo Capital (chủ đầu tư dự án) cho biết ngay sau khi tiếp quản Công ty Tâm Sinh Nghĩa, tập đoàn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết.
Ngoài ra, dự án của Công ty cổ phần Tasco, Công ty VWS cũng đã gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện công suất 3.000 tấn/ngày và được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai tham vấn cộng đồng về báo cáo này.
Như vậy, đến nay chỉ có dự án của Công ty Tâm Sinh Nghĩa là bắt đầu xây dựng và cuối năm 2025 mới vận hành. Lượng rác TP.HCM thải ra mỗi ngày khoảng 10.000 tấn, nếu nhà máy này vận hành hết công suất cũng chỉ giải quyết được 2.600 tấn, còn 7.400 tấn rác phải chôn lấp. Thật là bài toán nan giải cho đô thị lớn như TP.HCM.
Mục tiêu khó hoàn thành
Mục tiêu thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu thực hiện chỉ tiêu "Tỉ lệ công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% đến năm 2025, hướng tới năm 2030 đạt 100%" xem ra khó hoàn thành.
TP.HCM thấy vấn đề nhưng "làm còn chậm"
Theo tìm hiểu, TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết số 28 ngày 8-12-2023 của HĐND TP.HCM quy định tiêu chí, lộ trình chuyển đổi công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá liên quan đến lượng chất thải rắn sinh hoạt được đặt hàng bổ sung đối với các nhà đầu tư dự án chuyển đổi sang công nghệ có thu hồi năng lượng.
UBND TP.HCM phân công trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị theo ba giai đoạn kéo dài đến khoảng giữa năm 2025. Trong đó, giai đoạn 3 TP.HCM sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát từ khi ký kết hợp đồng với nhà đầu tư cho đến khi nhà máy chuyển đổi công nghệ chính thức đi vào vận hành ổn định trong vòng hai năm.
Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với nhà đầu tư hoàn chỉnh định mức dự toán việc xử lý rác, xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi trình UBND TP.HCM phê duyệt để làm cơ sở xây dựng, tính toán đơn giá xử lý chất thải, đồng thời xem xét và có ý kiến đối với đơn giá do nhà đầu tư đề xuất.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế - Tài nguyên và Môi trường TP.HCM):
Sớm có nhà máy đốt rác phát điện
Bãi rác Đa Phước tiếp nhận 70% rác thải nên chỉ cần phát sinh một trục trặc nhỏ cũng khiến rác thải TP.HCM không biết xử lý sao. Do đó, TP.HCM không thể phụ thuộc vào bãi rác Đa Phước.
Giải pháp tạm thời là TP.HCM điều chuyển bớt rác về bãi Phước Hiệp ở huyện Củ Chi. Lượng rác sau khi giao cho các nhà máy xử lý, nếu còn dư thì đưa về bãi chôn lấp dự phòng số 3 xử lý. Về lâu dài, TP.HCM phải hoàn thiện các nhà máy đốt rác phát điện nhanh chóng. Đây mới là giải pháp bền vững, nhưng TP.HCM đã quá chậm trong những năm qua.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng (chuyên gia môi trường):
Giảm bớt áp lực bãi rác Đa Phước, nếu...
TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các nhà máy đốt rác vào vận hành. Song song đó thực hiện phân loại rác tại nguồn để giảm lượng rác đưa về bãi rác Đa Phước và đầu tư nhiều hơn cho xử lý rác thải thực phẩm.
Chúng ta không thể hy vọng trong ngày một ngày hai mà giải quyết được vấn đề rác thải, tuy nhiên nếu thực hiện đồng loạt các giải pháp thì sẽ giảm bớt áp lực bãi rác Đa Phước trong một vài năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận