Mắt trái của em T. chưa có dấu hiệu hồi phục - Ảnh: Tuyết Mai |
Trước đó, P.T.C.H. cùng một nhóm khoảng 20 thanh niên đã mang theo các loại dao, gậy gộc xông vào đánh, dùng dao rạch vào mặt, chân và cắt tai N.T.N.T. (16 tuổi, ngụ Q.Tân Bình). Đến khi T. bất tỉnh thì nhóm này mới chịu bỏ đi.
Nạn nhân bị đánh đập, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, nặng nhất là tai phải gần bị đứt lìa. Quá trình điều trị, các bác sĩ khâu 14 mũi ở vị trí chân mày mắt trái, 14 mũi phía sau đầu, 8 mũi ở tai phải để nối tai gần như đứt lìa và 3 vết cắt ở chân. Ngoài ra, T. bị tổn thương một mắt nghiêm trọng và phải phẫu thuật.
Theo người nhà T., nguyên nhân xảy ra vụ việc do T. tố cáo một người trong nhóm của H. lấy trộm xe của bạn mình và đang rao bán. Cho rằng T. “nhiều chuyện”, nên nhóm H. đánh đập T. để "dằn mặt".
Hành hung quá dã man
Hàng trăm bạn đọc bày tỏ sự bức xúc trước hành vi của nhóm thanh niên này. Chị Kiều Oanh (Q.5, TP.HCM) cho rằng nếu không xử đến cùng vụ việc thì không còn ai dám tố cáo hay chống đối bọn cướp giật nữa.
Trong khi đó, anh Mai Minh nhận định: “Mong các cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra nhóm côn đồ này và xử phạt theo tình tiết tăng nặng do tội phạm có tổ chức, cực kỳ manh động. Nếu không làm nhanh sẽ gây hoang mang và không có ai dám tố giác tội phạm”.
Bạn đọc tên Ngân cho rằng không cần biết là mâu thuẫn gì cũng không nên giải quyết côn đồ như vậy. Xã hội và pháp luật cần mạnh tay để dập tắt cách hành cử côn đồ như thế.
Bà Lệ Hoa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nhận xét: “Dù có mâu thuẫn cá nhân chăng nữa cũng không được hành động côn đồ như vậy. Huống chi 20 thanh niên lại đánh một cô gái 16 tuổi. Chuyện cứ như ở giữa... rừng”.
Cố ý gây thương tích
“Không thể hành xử coi thường pháp luật như vậy” - luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) nhấn mạnh. Luật sư Quý cho rằng tố cáo người có dấu hiệu vi phạm pháp luật là quyền của mỗi người. Hành hung người khác dù người đó đang tố cáo hay chỉ là người bình thường đều là hành vi có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích.
Phải xử phạt thật nghiêm là ý kiến của TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM). Ông cho biết điều 4 Luật tố cáo quy định rõ người tố cáo được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình giải quyết tố cáo.
Theo ông Trạch, trong trường hợp này nhóm đối tượng có thể bị xử lý về tội “cố ý gây thương tích” theo điều 104 Bộ luật hình sự 1999. Cụ thể, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30%, hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:
Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân, phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người, có tổ chức, thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê, có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm…
Trường hợp người tố cáo sai thì họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình và bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra (theo điều 9 Luật tố cáo).
Giả thuyết cho rằng người tố cáo đã có hành vi tố cáo sai, nhưng nhóm đối tượng đã có hành vi hành hung người tố cáo vẫn bị xử lý tùy theo mức độ (có thể là xử phạt vi phạm hành chính, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Các luật sư cho rằng cơ quan chức năng phải xử lý vụ việc “tới nơi tới chốn” để không làm hoang mang dư luận và không ảnh hưởng tới tâm lý người dân, khi họ đưa ra quyết định tố cáo một hành vi vi phạm pháp luật nào đó.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> Luật sư Trần Ngọc Quý
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận