Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - Ảnh: LÊ KIÊN |
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang cho rằng sở dĩ nợ xấu là do nhiều trường hợp câu kết với nhau nâng khống giá trị tài sản lên gấp nhiều lần để thế chấp, dẫn đến việc xử lý tài sản thế chấp không thể thu hồi đủ nợ gốc.
Không bình thường
“Vấn đề này liên quan đến trách nhiệm của ngân hàng và tổ chức định giá tài sản. Nếu bây giờ dễ dàng cho phép bán tài sản dưới giá trị sổ sách thì vô tình giúp những người có liên quan này thoát trách nhiệm” - ông Quang phân tích.
“Tôi đồng ý phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu do không chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời với biện pháp xử lý nợ xấu, tất cả các sai phạm cần được xử lý minh bạch” - Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Theo ông Hiển, không có hoạt động tín dụng nào mà không có nợ xấu, nhưng câu chuyện nợ xấu ở nước ta lại xảy ra với mức độ không bình thường. Mục tiêu Quốc hội đưa ra là từ nay đến năm 2020 phải đưa nợ xấu xuống dưới 3% đối với các TCTD.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì tỉ lệ nợ xấu và các khoản có nguy cơ trở thành nợ xấu là khoảng 10,8%.
Cần có quy định pháp lý đặc thù để xử lý nợ xấu
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề: Trong quá trình xử lý nợ xấu, đối với tài sản có tranh chấp thì sao?
“Dự thảo quy định chính quyền địa phương, công an địa phương có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự trong quá trình ngân hàng thu giữ tài sản. Nhưng trong quá trình thu giữ và chuyển giao có đảm bảo được việc này không? Phải quy định rất rõ trình tự, thủ tục để đảm bảo tính pháp lý, chứ quy định chung chung thì rất khó thực hiện” - ông Sơn kiến nghị.
“Đây là vấn đề rất hệ trọng, cần có quy định pháp lý đặc thù để xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản đảm bảo” - đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) nhận định. Bà cho rằng việc thực hiện quyền thu giữ của ngân hàng đối với các tài sản thế chấp là mấu chốt rất quan trọng.
“Cơ chế thu giữ thế nào? Trong thực tế thì ngay cả với thi hành án cũng rất khó khăn bởi thường gặp sự phản ứng, chống đối rất quyết liệt của người nắm giữ tài sản. Trong thi hành án thì có công an hỗ trợ, còn ngân hàng đi thu giữ tài sản có quyền thuê các tổ chức xiết nợ hay không?” - bà Trang hỏi.
Phân tích vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: hồn cốt của nghị quyết nhằm vào xử lý đối với tài sản. Khi vay thì đây là tài sản đảm bảo, nhưng khi cần xử lý lại rất phức tạp.
Ví dụ, vừa qua có 14.000-15.000 vụ việc mà các cá nhân, tổ chức đem tài sản thế chấp tại ngân hàng với tổng số nợ trên 55.000 tỉ đồng, nhưng ngân hàng lại không thể thu được.
Khi chuyển qua thi hành án thì gặp khó khăn về thủ tục, thời gian. Do đó nghị quyết mới quy định ngân hàng có quyền nhất định trong xử lý tài sản đảm bảo.
Khả năng xảy ra nợ xấu “phẩy” rất cao Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị rà lại trên cả nước xem còn bao nhiêu chủ dự án đi vay ngân hàng làm dự án rồi lại đem đi thế chấp. Kiểu làm ăn lòng vòng này dẫn tới tình trạng chủ đầu tư làm dự án nhưng thực tế không có tiền, còn người dân mua dự án xong lại vướng dự án bị thế chấp, không được cấp chủ quyền. “Cứ cho rằng nghị quyết này sẽ tháo gỡ hết vướng mắc về pháp luật, nhưng tài sản còn đâu để thu hồi? Nếu bán dự án đi để mà ôm cái nợ đó vô thì khả năng xảy ra nợ xấu “phẩy” là rất cao” - đại biểu Tâm cảnh báo. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận