08/03/2021 09:58 GMT+7

Xử lý nghẽn lệnh chứng khoán: Bộ Tài chính phải sớm quyết phương án

BÔNG MAI
BÔNG MAI

TTO - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự kiến ngày 9-3, bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ có quyết định nhằm giải quyết nhanh đề xuất cho doanh nghiệp tư nhân xử lý tình trạng tắc nghẽn giao dịch trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Xử lý nghẽn lệnh chứng khoán: Bộ Tài chính phải sớm quyết phương án - Ảnh 1.

Nhà đầu tư mong muốn sớm thoát cảnh nghẽn lệnh chứng khoán - Ảnh: Q.ĐỊNH

Chật vật, không thể đặt lệnh mua bán cổ phiếu, thiệt hại về tài sản... trong hơn 3 tháng nay khi giao dịch cổ phiếu trên sàn HOSE khiến nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp ủng hộ và chờ đợi giải pháp khả thi.

2 tháng là xong?

Tại sự kiện "Đối thoại 2045" ngày 6-3 ở TP.HCM, ông Trương Gia Bình (chủ tịch Tập đoàn FPT) nhận định: "Thị trường chứng khoán mấy hôm nay rất trục trặc... Chúng tôi có thể giải quyết thật nhanh. Giờ chỉ cần niềm tin của Chính phủ đối với doanh nghiệp tư nhân, không cần tiền luôn, 2 tháng là xong".

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (tổng giám đốc Vietjet) cũng chung ý kiến: chi phí giải quyết từ 60 tỉ đồng trở lên, doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng đóng góp để giảm áp lực ngân sách.

Trước đề xuất này, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì giải quyết nhanh "sáng thứ ba này sẽ quyết luôn, giao cho quý vị, không phải dùng ngân sách, nhưng mà thay đổi công nghệ của chứng khoán TP.HCM, không để trục trặc nữa".

Là một thành viên gắn bó lâu năm với thị trường, ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam) bày tỏ ủng hộ trước thông tin doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đề xuất xử lý vấn đề hệ thống của sàn HOSE.

"Chúng ta nên bớt sính ngoại, hãy để người Việt tự làm chủ nền công nghệ của mình", ông Minh nói và lý giải, không ai có thể khẳng định chắc chắn hệ thống giao dịch sẽ không gặp lỗi khi vận hành. Tuy nhiên, nếu hệ thống đó do người Việt xây dựng thì quá trình sửa lỗi, bảo trì sẽ diễn ra nhanh hơn là việc mời các chuyên gia nước ngoài về, nhất là khi có dịch.

Bên cạnh đó, bản thân nhiều công ty chứng khoán cũng đang nỗ lực để tự chủ công nghệ. Ngày trước hầu như các công ty chứng khoán thường đi mua core (phần mềm lõi) của Thái Lan về dùng. Nhưng gần đây nhiều công ty chứng khoán chuyển sang mua và sử dụng core do Việt Nam tự làm, giá thành hợp lý, bảo trì thuận lợi.

Đặc biệt, ngay Yuanta Việt Nam đã xây dựng thành công nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ đầu tư tài chính, sản phẩm của người Việt tạo ra, nhưng chi nhánh Yuanta Đài Loan đã ngỏ ý muốn sử dụng.

Cân nhắc và xử lý nhanh

Theo ghi nhận, nhiều nhà đầu tư chứng khoán cũng tỏ ý ủng hộ, đề nghị sớm cân nhắc kỹ và quyết việc để doanh nghiệp Việt vào xử lý miễn phí vấn đề sàn HOSE. Cần tránh giải pháp lãnh đạo HOSE từng đưa ra là nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu.

TS Hồ Quốc Tuấn (giảng viên Đại học Bristol, Anh) nhấn mạnh nhà đầu tư sẽ sẵn sàng chia sẻ khó khăn nếu HOSE truyền thông đầy đủ những khía cạnh của vấn đề và ưu nhược điểm của từng giải pháp. Nhưng nhà đầu tư không chấp nhận những phát ngôn xem thường hiểu biết của họ.

Từ năm 2012, HOSE đã ký hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin với Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) để triển khai gói thầu "Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin" trị giá hơn 600 tỉ đồng cho thời hạn 5 năm. Tuy nhiên đến nay dường như dự án vẫn cơ bản "nằm trên giấy".

Chuyển sang sàn HNX để bảo vệ cổ đông

Trước mắt, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận chuyển sang sàn HNX. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh (tổng giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect - VND, đang niêm yết trên sàn HOSE) đã có văn bản gửi các thành viên hội đồng quản trị về đề xuất việc chuyển giao dịch cổ phiếu VND từ sàn HSX do HOSE quản lý sang sàn HNX để bảo vệ cổ đông trong bối cảnh quá tải.

HNX cũng vừa có ý tưởng thử nghiệm bảng điện mới để chào đón các mã chứng khoán từ HOSE. Bảng điện này vẫn tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định của HOSE như kết cấu phiên, biên độ, loại lệnh, bước giá, lô giao dịch...

Tuy nhiên, theo một số công ty chứng khoán, vì tiêu chuẩn niêm yết của HOSE cao hơn, doanh nghiệp thường muốn ở "chợ" HOSE hơn. Chưa kể, nhiều quỹ đầu tư cũng quan tâm cổ phiếu ở HOSE vì nền tảng kinh doanh của doanh nghiệp tại đây thường tốt, quản trị, tài chính cũng minh bạch hơn. Chưa kể các công ty chứng khoán thường cho vay ký quỹ (margin) đối với cổ phiếu ở HOSE hấp dẫn hơn.

Chứng khoán nghẽn, phải có nơi chịu trách nhiệm Chứng khoán nghẽn, phải có nơi chịu trách nhiệm

TTO - Hàng trăm ngàn người đã mua những lô đất 100m2, nay nhà quản lý nói chỉ những lô từ 1.000m2 mới được mua bán, thế là những lô đất ấy trở thành đầu thừa đuôi thẹo, chịu mất giá.

BÔNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên