Xưởng sản xuất patê Minh Chay tại số 53, tổ 2, thị trấn Đông Anh, Hà Nội hiện đang tạm dừng sản xuất - Ảnh: D.TRỌNG
Vấn đề đặt ra là công ty sản xuất patê Minh Chay phải chịu trách nhiệm đến đâu khi để xảy ra sự việc kể trên?
Cần xác định vi phạm ở khâu nào
Theo luật sư Hoàng Thị Thu (Đoàn luật sư TP.HCM), khoản 1 điều 6 Luật an toàn thực phẩm 2010 sửa đổi, bổ sung 2018 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến việc nhiều người bị ngộ độc do ăn patê Minh Chay, cơ quan chức năng cần phải điều tra, xác định nguyên nhân dẫn đến việc patê nhiễm khuẩn.
Cụ thể, sự việc patê nhiễm khuẩn gây ngộ độc là do vi phạm trong quy trình sản xuất của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới (công ty sản xuất patê Minh Chay) hay do vi phạm của cá nhân thuộc công ty này trong quá trình sản xuất thực phẩm.
Tùy theo tính chất mức độ hành vi mà người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo điều 317 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Theo nghị định 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, còn đối với tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền lên tới 200 triệu đồng.
Trong trường hợp hành vi cấu thành tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm thì người phạm tội có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Về dân sự, nếu việc ngộ độc này là do quy trình sản xuất patê Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới, công ty này có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị thiệt hại. Nếu việc ngộ độc này do sai phạm cá nhân trong quá trình sản xuất thì cá nhân này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Còn lỗ hổng trong quản lý
Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM), căn cứ Luật an toàn thực phẩm và nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm thì hiện nay điều kiện để làm một sản phẩm thực phẩm buộc cơ sở sản xuất phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, phải công bố hợp quy sản phẩm (nghĩa là công bố chất lượng sản phẩm, khi làm công bố hợp quy, nhà sản xuất phải lấy mẫu để kiểm nghiệm).
Muốn vậy, cơ sở sản xuất phải làm hồ sơ nộp Cục An toàn thực phẩm, trong đó cơ sở sản xuất phải chứng minh nguồn gốc nguyên vật liệu, pháp nhân doanh nghiệp, khu sản xuất chế biến, nhân viên đã tập huấn an toàn thực phẩm...
Sau 15 ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra thực tế. Nếu đạt điều kiện, Cục An toàn thực phẩm sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 3 năm, còn việc công bố hợp quy sản phẩm sẽ công bố định kỳ 6 tháng 1 lần.
Thông thường, đoàn kiểm tra kết hợp giữa UBND và Cục An toàn thực phẩm sẽ kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất. Khi kiểm tra, cơ quan chức năng có thể lấy mẫu để kiểm tra.
Còn các lỗi phát sinh trong khâu sản xuất, chế biến thì cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Thảo cho rằng đây cũng là một lỗ hổng trong quá trình sản xuất sản phẩm thực phẩm bởi cơ quan chức năng không thể kiểm tra mẫu của từng lô hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận