Hàng ngàn người đến theo dõi phiên tòa lưu động vụ thảm sát tại Bình Phước ngày 17-12 |
Cho đến giờ, vẫn chưa thật sự ngã ngũ giữa hai luồng ý kiến “cần giữ” hay “nên bỏ”.
Tuy nhiên, có một điều ai cũng thấy là xã hội thật sự quan tâm câu chuyện xét xử lưu động mà ngành tòa án đã áp dụng lâu nay.
Phía nói “cần thiết giữ” cho rằng xét xử lưu động góp phần răn đe tội phạm và tuyên truyền pháp luật, trang bị cho người dân kiến thức pháp luật cần thiết.
Bên cho rằng “nên bỏ” viện dẫn pháp luật nước ta không quy định về xét xử lưu động.
Nêu thực tế ở một số nước tiên tiến tòa án không phải là cơ quan tuyên truyền pháp luật, mà nhiệm vụ của tòa án là ra bản án đúng người đúng tội để người ta tin vào công lý. Và cho rằng hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật của việc xét xử lưu động là chưa rõ.
Những ý kiến ủng hộ “nên bỏ” đều băn khoăn những hệ lụy của phiên tòa lưu động. Đó là việc chồng thêm lên án tòa một bản án của dư luận, không chỉ với bị cáo mà còn với người thân bị cáo (những người không phạm tội).
Đặc biệt, phiên tòa lưu động không chỉ tạo áp lực cho bị cáo, người thân bị cáo mà còn tạo áp lực cho cả hội đồng xét xử, có thể ảnh hưởng đến việc khách quan trong quá trình xét xử.
Các hệ lụy kéo theo còn là tốn kém nhiều chi phí, nhân lực; nơi xét xử không trang nghiêm như ở trụ sở tòa án; nhiều người đến dự vì tò mò hơn là để tìm hiểu các quy định của pháp luật; có thể bị phản tác dụng bởi cáo trạng, lời khai, bản án nêu quá tỉ mỉ, chi tiết hành vi phạm tội...
Có người đặt câu hỏi vì sao vụ án này cần đưa ra xét xử lưu động để răn đe, tuyên truyền, mà vụ kia (cũng là vụ án có tính chất nghiêm trọng) lại không đưa ra xét xử lưu động?
Vì sao thời gian qua đa số vụ xét xử lưu động là án hình sự mà không phải là án tham nhũng? Loại nào cần răn đe, tuyên truyền pháp luật hơn?...
Thật ra, phía nói “cần giữ” phiên tòa lưu động cũng có những băn khoăn, như cho rằng tại phiên tòa lưu động nên giản lược việc mô tả tội ác để tránh phản tác dụng; có ý kiến thừa nhận phiên tòa lưu động cũng có mặt tiêu cực, tuy nhiên mặt tích cực vẫn lớn hơn.
Ý kiến khác đề nghị nên có sự nghiên cứu, đánh giá trước khi quyết định giữ hay bỏ.
Có thể phải cần thêm những cuộc nghiên cứu, đánh giá. Nhưng không phải vì vậy mà các cơ quan chức năng có thể chậm chân hơn nữa trong việc đưa ra giải pháp cho vấn đề xét xử lưu động này, khi cuộc sống đang bức bách đặt ra.
Mục đích răn đe tội phạm và tuyên truyền pháp luật của ngành tòa án là đáng ghi nhận. Có lẽ ở một thời điểm nào đó, phiên tòa lưu động là cần thiết.
Còn ở thời điểm hiện nay, khi mà Nhà nước đã có rất nhiều công cụ, phương tiện để tuyên truyền, giáo dục pháp luật; khi mà công nghệ đã phát triển mạnh mẽ, các phương tiện thông tin, truyền thông đã rất đa dạng và lan truyền với tốc độ cực nhanh; thì trách nhiệm tuyên truyền pháp luật nên giải giao cho các cơ quan, tổ chức khác, để tòa án chỉ là nơi tập trung làm nhiệm vụ xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Và như vậy, có lẽ các phiên tòa lưu động đã hoàn thành nhiệm vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận