21/03/2016 09:23 GMT+7

Xử lại nhóm công an đánh chết học sinh lớp 9

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Sau khi bị hủy án để điều tra lại từ đầu, nhóm công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa lại tiếp tục bị xét xử vì đã bắt giữ, đánh chết em Tu Ngọc Thạch.

Ba bị cáo (từ phải qua): Lê Tấn Khỏe, Lê Minh Phát và Lê Ngọc Tâm - Ảnh: Duy Thanh
Ba bị cáo (từ phải qua): Lê Tấn Khỏe, Lê Minh Phát và Lê Ngọc Tâm - Ảnh: Duy Thanh

Trong ngày xét xử đầu tiên của phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai xử vụ án “cố ý gây thương tích” và “bắt người trái pháp luật”, tòa tập trung xét hỏi các bị cáo và những người liên quan được triệu tập để truy nguyên nhân dẫn đến các vết thương trên đầu, làm nạn nhân Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) tử vong.

Theo bản kết luận giám định pháp y, Thạch chết do “chấn thương sọ não, hoàn toàn phù hợp với tác nhân là vật tày tác động tương hỗ vào vùng đầu”. Trên đầu của Thạch có các vết thương: vết nứt lún xương thái dương phải, bốn vết tụ máu não dưới màng cứng ở vùng trán và đỉnh đầu.

Tại tòa, bị cáo Lê Tấn Khỏe (16 tuổi, gây án khi 14 tuổi) khai nhận đã dùng vỏ chai nước khoáng bằng thủy tinh đuổi theo và ở khoảng cách chừng 4m đã ném vào phía sau đầu (vùng giữa gáy và đỉnh đầu) của Thạch vào chiều 29-12-2013 khiến nạn nhân té sấp về phía trước.

Còn bị cáo Lê Minh Phát, nguyên công an xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh), khai dùng tay đánh vào mặt, ngực, sườn, dùng chân đạp vào hông nhiều cái tại nơi đuổi bắt Thạch ở gần ngã ba đường 2 Tháng 9 và quốc lộ 1, trước và trong khi lên xe máy về trụ sở và ngay tại trụ sở xã Vạn Long.

Hai phiên tòa trước đây, Phát không thừa nhận sử dụng mũ bảo hiểm tác động vào Thạch, dù nhiều nhân chứng nói rằng ngay trong đêm 29-12-2015 sau khi được công an xã Vạn Long cho về nhà, Thạch kể rằng khi đang nấp trong bụi cây thì bị Phát dùng mũ bảo hiểm đánh nhiều cái vào người.

Song, tại phiên tòa này, lần đầu tiên Phát khai có dùng mũ bảo hiểm ném trúng lưng Thạch khi truy đuổi thiếu niên này.

BS Phạm Xuân Thông, giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Khánh Hòa, trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử -  Ảnh: Duy Thanh
BS Phạm Xuân Thông, giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Khánh Hòa, trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử - Ảnh: Duy Thanh

Lần đầu tiên trong các phiên xét xử vụ án này, giám định viên pháp y có mặt tại tòa, đó là bác sĩ Phạm Xuân Thông - giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hòa.

Trả lời câu hỏi hội đồng xét xử, ông Thông nói chiếc mũ bảo hiểm, vỏ chai nước khoáng thủy tinh, nắm đấm… đều gọi chung là vật tày.

Luật sư Trần Quốc Tuấn (bào chữa cho bị cáo Khỏe) hỏi ông Thông rằng Khỏe khai ném vỏ chai nước khoáng thủy tinh vào vùng sau đầu của Thạch, như vậy có gây ra các vết tụ máu dưới màng cứng ở vùng trán và đỉnh đầu, vết nứt lún xương thái dương phải hay không.

Giám đốc Trung tâm Pháp y Khánh Hòa nói rằng kết quả giám định pháp y cho thấy vết thương gây lún nứt xương thái dương phải của Tu Ngọc Thạch là do vật tày trực tiếp tác động gây nên, làm chảy máu ngoài màng cứng, gọi là nguyên nhân nguyên phát.

Còn các vết tụ máu dưới màng cứng ở vùng đỉnh và trán của nạn nhân là do vật tày tác động vào vùng đầu, gây tổn thương tĩnh mạch não (do va chạm giữa não và xương sọ) làm chảy máu trong não, tạo các vết tụ máu dưới màng cứng, gọi là nguyên nhân thứ phát.

Ông Thông nói Khỏe khai là ném vỏ chai trúng phía sau đầu Thạch thì cơ quan tố tụng phải làm rõ, còn thực tế khám nghiệm pháp y Tu Ngọc Thạch cho thấy nạn nhân bị các vết thương nêu trên do vật tày gây ra.

Ông Thông cũng trả lời luật sư Võ An Đôn (bảo vệ quyền lợi cho gia đình người bị hại) rằng cơ quan giám định pháp y chỉ biết các vết thương trên đầu Thạch do vật tày gây ra, còn vật tày đó là gì thì thuộc trách nhiệm kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Luật sư Vũ Như Hảo (bào chữa cho bị cáo Phát) hỏi bị vật tày tác động gây chấn thương sọ não thì thời gian tối đa bao lâu nạn nhân chết, ông Thông giải thích nếu vật tày tác động đủ mạnh vào vùng sau gáy nạn nhân, đây là “trung tâm chỉ huy sự sống” của cơ thể, thì nạn nhân chết ngay.

Còn nếu nạn nhân bị xuất huyết não dưới màng cứng thì sẽ tử vong chậm hơn, có thể sau một vài giờ hoặc có trường hợp kéo dài đến 6 tháng mới tử vong.

Trong ngày xét xử đầu tiên, tòa cũng hỏi thêm ba nhân chứng liên quan đến vụ án. Ngày mai (21-3), tòa tiếp tục xét xử.

Ba bị cáo ra tòa (từ trái sang): Lê Tấn Khỏe, Lê Minh Phát và Lê Ngọc Tâm - Ảnh: DUY THANH

Sáng 21-3, TAND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa sơ thẩm lần thứ hai xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” và “bắt người trái pháp luật” làm chết em Tu Ngọc Thạch - sinh năm 1999, ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, khi bị nạn đang là học sinh lớp 9.

Ba bị cáo ra tòa gồm Lê Minh Phát - 26 tuổi, nguyên công an viên xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, bị truy tố hai tội “cố ý gây thương tích” và “bắt người trái pháp luật”.

Bị cáo Lê Ngọc Tâm - 33 tuổi, công an xã Vạn Long, bị truy tố tội “bắt người trái pháp luật” và Lê Tấn Khỏe - 16 tuổi, ở xã Vạn Long bị truy tố tội “cố ý gây thương tích”.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong ba ngày. Chủ tọa phiên tòa là ông Đỗ Công Đa - Chánh án TAND huyện Vạn Ninh. Tòa cũng triệu tập 20 nhân chứng trong vụ án.

Dự phiên tòa còn có mặt của BS Phạm Xuân Thông - giám đốc Trung tâm Giám định pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa.

Vụ án được đưa ra xét xử lại theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa hồi cuối tháng 3-2015.

HĐXX phúc thẩm đã tuyên trả hồ sơ để điều tra lại vụ án nhằm làm rõ một số nội dung: xem xét tăng nặng hình phạt với bị cáo Lê Minh Phát vì phạm tội với trẻ em và có tính chất côn đồ; làm rõ chiếc mũ bảo hiểm của Phát tìm thấy tại hiện trường có liên quan đến các lời khai của nhân chứng cho rằng công an xã này đã dùng để đánh em Thạch.

Đồng thời, bản án phúc thẩm cũng đề nghị xem xét dấu hiệu phạm tội “bắt người trái pháp luật” đối với ông Huỳnh Trung Thắng (33 tuổi, phó trưởng Công an xã Vạn Phước).

Tuy nhiên, cáo trạng của Viện KSND huyện Vạn Ninh xác định không xử lý phó công an xã Huỳnh Trung Thắng về hành vi bắt người trái pháp luật.

Cáo trạng cũng truy tố Phát, Khỏe tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, truy tố Phát, Tâm tội bắt người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự như đã từng truy tố trước đây.

Người nhà nạn nhân Tu Ngọc Thạch mang theo hình ảnh thương tích của Thạch đến tòa - Ảnh: DUY THANH
Người nhà nạn nhân Tu Ngọc Thạch mang theo hình ảnh thương tích của Thạch đến tòa - Ảnh: DUY THANH

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, chiều 29-12-2013, do có mâu thuẫn từ trước nên Khỏe dùng vỏ chai thủy tinh ném vào phía sau đầu Thạch. 

Biết Khỏe là con một công an viên cùng công tác chung cơ quan, Phát và Tâm đi truy bắt Thạch và gọi điện thoại cho Thắng cùng phối hợp. Phát đã truy đuổi, bắt còng tay và đánh đập Thạch tại hiện trường cũng như khi về trụ sở công an xã Vạn Long.

Tâm tham gia truy bắt và chở Thạch, Phát về trụ sở. Ngày 31-12-2013, Thạch chết khi đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa do chấn thương sọ não nặng.

Xử sơ thẩm tháng 11-2014, TAND huyện Vạn Ninh tuyên phạt Phát 6 năm 9 tháng tù, Khỏe 3 năm tù và Tâm 9 tháng tù cho hưởng án treo.

Ngày 24-3-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên