17/07/2017 12:28 GMT+7

​Xu hướng xét lại lịch sử, xét lại nhân vật biểu hiện ngày càng đậm

VIỄN SỰ - MAI HOA
VIỄN SỰ - MAI HOA

TTO - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư nêu điều này tại Hội thảo khoa học Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, thực trạng, giải pháp và vấn đề đặt ra hiện nay ở các tỉnh phía Nam

Các đại biểu trò chuyện tại hội thảo sáng 17-7 - Ảnh: H.K
Các đại biểu trò chuyện tại hội thảo sáng 17-7 - Ảnh: H.K

Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 17-7.

Năm 2002, Ban bí thư trung ương Đảng ban hành chỉ thị số 15 về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam.

Trình bày tại hội thảo, bà Thân Thị Thư kiến nghị Ban Chủ nhiệm đề án tổng kết Chỉ thị 15 nghiên cứu, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới về công tác này.

Ba lý do mà bà Thư đưa ra, là do vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng trong thời điểm hiện nay, do chất lượng khoa học của các công trình nghiên cứu chưa cao và do xu hướng xét lại lịch sử biểu hiện ngày càng đậm.

Cụ thể, theo bà Thư, chất lượng khoa học, hiệu quả giáo dục và vận dụng vào thực tiễn của các công trình nghiên cứu chưa cao, còn nặng về miêu tả diễn biến sự kiện, chưa chú trọng đúng mức tính tổng kết.

Việc tổ chức học tập, phát huy tác dụng các công trình lịch sử đảng chưa đi vào nền nếp, có khi bị lãng quên, nhất là bộ máy làm công tác này có nhiều thay đổi, ngày càng giảm về số lượng, không đảm bảo số lượng ít nhất theo quy định của chỉ thị 15.

Bà Thư cũng đề cập một lý do cần đặc biệt quan tâm, đó là hiện nay xu hướng xét lại lịch sử, xét lại nhân vật biểu hiện ngày càng đậm.

“Về lịch sử, tôi nghĩ khi thế hệ sau có tư liệu toàn diện, chân xác hơn thì nhận thức về lịch sử có bước phát triển mới. Đó là yêu cầu của xã hội, của khoa học, là việc làm đáng trân trọng của các nhà sử học chân chính. Nhưng lại có người lợi dụng điêu này, lớn tiếng đòi xét lại, viết lại lịch sử, mà tôi cho rằng có những động cơ không minh bạch”, bà Thư nói.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng lo ngại, với mức độ, tốc độ lan truyền thông tin vừa nhanh vừa rộng, sự đa dạng thông tin như hiện nay thì việc này gây tác hại rất lớn.

Liên quan đến nội dung này, bà Thân Thị Thư cũng đề xuất Viện lịch sử Đảng kịp thời có những luận giải, giải đáp các vấn đề liên quan đến các sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng và nhân vật lịch sử còn nhiều ý kiến để giúp các địa phương phản bác một cách kịp thời, hiệu quả những luận điểm sai trái, thù địch, xét lại lịch sử hiện nay.

Tại hội thảo, đại diện Ban tuyên giáo một số tỉnh thành khu vực phía Nam cũng đề xuất có chỉ thị mới thay thế chỉ thị 15 để phù hợp với tình hình mới.

Chủ trì hội thảo gồm GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Viện trưởng Viện lịch sử Đảng.

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Tất Thành Cang cho rằng việc nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng không chỉ giáo dục quần chúng mà còn góp phần quan trọng để giáo dục ngay chính đội ngũ hiện tại những bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ cách mạng, giúp cho đội ngũ hiện tại có nhiều tư duy, suy nghĩ, ý thức trách nhiệm hơn.

Đối với Đảng bộ TP.HCM, đó là những bài học về việc triển khai học tập và làm theo Bác, bài học xây dựng Đảng ngay những ngày đầu TP được giải phóng; về chính sách đột phá, đổi mới góp phần cùng trung ương xây dựng đường lối đổi mới đất nước…

VIỄN SỰ - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên