Khi hạ tầng công nghệ thanh toán ngày càng phát triển, nhiều nước đã và đang triển khai số hóa đồng nội tệ của họ - với tên gọi chính thức là Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) - để thúc đẩy không tiền mặt, tạo thuận lợi và minh bạch hơn cho giao dịch.
CBDC là tiền pháp định dưới dạng kỹ thuật số do ngân hàng trung ương của một nước phát hành và không phải tiền mã hóa (crypto) kiểu như bitcoin.
Nhiều nước quan tâm CBDC
Điển hình nhất trong xu thế này là Trung Quốc. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy tính đến cuối năm 2022, lượng nhân dân tệ số (e-CNY) đang lưu hành đạt 13,61 tỉ nhân dân tệ (hơn 2 tỉ USD).
PBOC kêu gọi các bên nỗ lực tạo điều kiện kết nối giữa hệ thống e-CNY và các công cụ thanh toán điện tử truyền thống để giúp khách hàng sử dụng CBDC thuận tiện hơn. Tính đến cuối tháng 1-2023, hơn 90 nền tảng, trong đó có JD.COM, Taobao và Meituan, đều đã chấp nhận thanh toán bằng e-CNY.
Kể từ năm 2014, PBOC đã thí điểm đồng e-CNY dưới nhiều hình thức khác nhau. Hiện e-CNY đang được triển khai ở các TP Thâm Quyến, Tô Châu, Hùng An và Thành Đô. Ngoài ra, TP Tế Nam (tỉnh Sơn Đông), TP Nam Ninh và TP Phòng Thành Cảng (tỉnh Quảng Tây), TP Côn Minh (tỉnh Vân Nam) cũng vừa thí điểm e-CNY.
Phát biểu tại một hội nghị mới đây của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, ông Tuyên Xương Năng, phó thống đốc PBOC, cho biết với việc dần tăng cường thí điểm đồng e-CNY và mở rộng các phương thức sử dụng, chính quyền Trung Quốc đã nhắm tới các loại thanh toán sẽ thu hút được nhiều người sử dụng đồng CBDC này.
Tuy nhiên Trung Quốc không phải nước đầu tiên trên thế giới triển khai CBDC, "danh hiệu" này thuộc về Bahamas. Đồng tiền kỹ thuật số của họ là Sand Dollar, ra mắt vào tháng 10-2020 trên toàn quốc. Nigeria là nước thứ hai sau Bahamas triển khai CBDC.
Tại Nam Á, Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã triển khai thí điểm đồng rupee số tại bốn TP gồm Mumbai, New Delhi, Bengaluru và Bhubaneswar. Tại Đông Nam Á, Philippines đã khởi động dự án sử dụng CBDC ở một số tổ chức tài chính từ năm 2022 - 2024.
Trong khi đó Indonesia sẽ triển khai dự án số hóa đồng rupiah trong năm nay. "Vào khoảng tháng 7-2023, chúng tôi sẽ đưa ra bằng chứng về tính khả thi của đồng rupiah số để chuẩn bị cho Indonesia trở thành quốc gia phát triển với số hóa, số hóa các khoản thanh toán và cả số hóa đồng rupiah", Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) Perry Warjiyo thông tin.
Lợi ích và thách thức
Từ tháng 10-2022, Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey & Company ước tính có khoảng 90% ngân hàng trung ương trên thế giới đang theo đuổi các dự án CBDC. Một số nước, trong đó có Mỹ, đang ở giai đoạn nghiên cứu; một số nước đang phát triển dự án (như Liên minh châu Âu) và thí điểm (như Trung Quốc). Còn tại một số nước như Nigeria và Bahamas, CBDC đã được triển khai và đang tìm cách nhân rộng quy mô.
Đồng CBDC cho phép các ngân hàng trung ương giải quyết nhiều mục tiêu mang tính hệ thống, như đảm bảo tài chính toàn diện (financial Inclusion), giảm bớt gian lận và rửa tiền, đảm bảo cho các lựa chọn khác về thanh toán kỹ thuật số, kích thích đổi mới thanh toán nội địa và tạo ra một phương tiện mới cho chính sách tiền tệ.
Ông Đổng Hi Miểu, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu tài chính của Đại học Phúc Đán, nhận định CBDC là một phần quan trọng của hệ thống tài chính kỹ thuật số. Ông nói thêm về trường hợp Trung Quốc: "Nhân dân tệ số giúp thúc đẩy sự sẵn sàng tiêu dùng của người dân và thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng".
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những thách thức khi triển khai CBDC. Ngân hàng trung ương Saudi Arabia chỉ ra các khía cạnh pháp lý và quy định là một vài trong số những thách thức chính liên quan đến việc phát hành CBDC. Khả năng hiểu biết về tài chính của công chúng cũng là một vấn đề.
Một thách thức lớn khác là hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng CBDC. Nhiều khó khăn có thể phát sinh ở cấp độ kỹ thuật, chẳng hạn liên quan đến kết nối Internet ở khu vực nông thôn, các cuộc tấn công mạng. Hơn nữa, nếu không được thiết kế phù hợp, việc phát hành CBDC có thể gây ra những hậu quả lớn về ổn định tài chính...
Thái Lan mở trung tâm thương mại tự do số đầu tiên
Vừa qua Thái Lan đã hợp tác với Tập đoàn Alibaba mở trung tâm thương mại tự do kỹ thuật số đầu tiên của họ, theo trang ASEAN Briefing.
Trung tâm này là một khu vực thương mại tự do trong Hành lang kinh tế phía đông của Thái Lan (EEC), được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Thái Lan và Trung Quốc. Nếu triển khai thành công, trung tâm sẽ cho phép người tiêu dùng hai nước mua sản phẩm của nhau dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận