Xu hướng mua bán hàng cũ tăng nhanh

HẠNH NGUYÊN 24/07/2019 17:07 GMT+7

TTCT - Ta đã biết về những tác động tai hại của một thị trường thời trang nhanh lên môi trường (xem TTCT số 25 ra ngày 7-7-2019). Giờ có thể là một tin tốt khác: Thị trường mua bán đồ cũ đang trở nên lớn hơn thị trường thời trang nhanh.

Trang web chuyên bán đồ thời trang cũ thredUp dự đoán thị trường đồ cũ có giá trị 24 tỉ đô la Mỹ, dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 51 tỉ đô la Mỹ vào năm 2024.

 

 

Thiên niên kỷ và thế hệ Z đi đầu

Theo báo cáo năm 2019 thredUp Resale Report (hợp tác với GlobalData), phân tích xu hướng và những nhân tố thúc đẩy lĩnh vực này, các nhà nghiên cứu nhận thấy 56 triệu phụ nữ mua đồ đã qua sử dụng năm 2018, tăng 12 triệu người so với năm trước đó. Bên cạnh đó, 51% người mua sắm hàng đã qua sử dụng cho biết họ sẽ còn chi tiêu nữa trong vòng 5 năm tới.

“Tăng trưởng vài năm qua trong lĩnh vực hàng đã qua sử dụng xuất phát từ những người sớm nắm bắt xu hướng, và cả những người trước đây không muốn thử nhưng giờ lại đang thay đổi suy nghĩ” - James Reinhart, sáng lập và CEO của thredUP cho biết - “Khách hàng đồ cũ không chỉ còn là một nhóm nhỏ và riêng như trước mà là tất cả mọi người”.

Và đặc biệt, ở thị trường dành cho số đông hoặc chuyên về hàng xa xỉ, nếu khách hàng có thể tìm  thấy sản phẩm chất lượng cao với giá ít hơn nhiều, họ sẽ chọn hàng dùng rồi.

 

Báo cáo của ThredUp cho thấy sự tăng trưởng về xu hướng này có thể xuất phát từ thế hệ Thiên niên kỷ và thế hệ Z, những người thích mặc những phong cách mới nhất, tức là những mẫu của mùa trước bị loại bỏ nhanh chóng, do vậy, họ sử dụng đồ cũ với tốc độ nhanh hơn 2,5 lần so với khách hàng trung bình. Theo báo cáo, đó là lý do mà mô hình mua bán đồ cũ, thuê, hay thuê bao theo gói (subscription) đang là 3 mảng tăng trưởng nhanh nhất của lĩnh vực bán lẻ.

Như thông tin trên Fast Company, thế hệ Thiên niên kỷ phụ thuộc vào các trang bán đồ cũ như ThredUp hay The RealReal để làm mới tủ quần áo của mình. Họ ban đầu là người mua hàng đầu tiên, thích thú với món hàng thiết kế được giảm giá cho đến khi họ chán và sau đó bán lại. Rồi họ lấy tiền đó để đến nơi bán hàng cao cấp, như Neiman Marcus để mua đồ mới.

Một khi món đồ đó được nhóm bạn của họ thấy mặc đủ số lần rồi, họ sẽ bán đi. Vòng tuần hoàn cứ thế lặp lại. Họ có hiểu biết đáng kể về các vấn đề như đầu tư, mất giá, giá trị còn lại trong lĩnh vực thời trang thiết kế. Nhiều người cho biết họ bị ảnh hưởng vì Instagram, nơi họ cảm thấy họ chỉ có thể khoe một bộ đồ một vài lần trước khi phải cho món đó “nghỉ hưu.”

Báo cáo của Thredup cũng nhận thấy:

●       Một khách hàng của thị trường mua bán đồ cũ hiện nay sở hữu ít hơn 28 món đồ so với trung bình 2 năm trước.

●       Thị trường mua bán đồ cũ tăng trường 21 lần nhanh hơn thị trường bán lẻ quần áo trong vòng 3 năm hơn.

●       72% người mua quần áo cũ thay đổi cách chi tiêu, chuyển từ mua của nhà bán lẻ truyền thống sang mua đồ đã dùng rồi nhiều hơn.

●       Kích cỡ của ngành quần áo dùng rồi dự kiến sẽ tăng 1,5 lần so với kích cỡ của ngành thời trang nhanh trong vòng 10 năm.

●       ⅓ người được ThredUp hỏi cho biết họ sẽ chi nhiều tiền hơn tại những cửa hàng bán lẻ nếu những nơi này có bán cả quần áo đã sử dụng rồi.

Những kết quả nghiên cứu cho thấy giống như một vài nhà phân tích ngành đã dự báo là thời trang nhanh sẽ ngày càng mất đi sự huy hoàng của nó.

Thế hệ Thiên niên kỷ đang quan tâm nhiều hơn tới các thương hiệu có ý thức và có các hoạt động sản xuất tiêu thụ thân thiện với môi trường; họ dường như thích những đồ đã dùng rồi hơn là nhu cầu phải có một cái mới. Mô hình kinh doanh thời trang nhanh giá rẻ, dễ giục bỏ, sẽ sớm trở nên lỗi thời.

Gi ới trẻ thuộc thế hệ Thiên niên kỷ cân nhắc hơn chuyện mua sắm quần áo, quan tâm hơn tới khía cạnh môi trường. (Ảnh: ThredUp)

Thời trang nhanh và “thời trang chậm”

Với những nhà bán lẻ thời trang trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh như H&M, Zara, và Forever 21, đây là những cái tin xấu. “Chúng ta đang ở thời điểm chuyển đổi, xu hướng ‘thời trang chậm’ đang diễn ra và không chỉ là một xu hướng tạm thời” - Jen Redding, nhà phân tích nguồn vốn tư nhân cao cấp tại Wedbush Securities nhận định.

 “Thời trang nhanh đã mất đi vẻ huy hoàng của nó” - Redding nói - “Mô hình này đang bị thế chỗ vì thế hệ Thiên niên kỷ đang ngày càng trở nên đánh giá cao sự trải nghiệm, các vấn đề về môi trường, nhân quyền hơn là những thế hệ trước đây”.

Thời trang nhanh đã tạo ra cơn địa chấn trong ngành bán lẻ thập niên trước, và ngày nay, người tiêu dùng đang ngày càng trở nên ít hứng thú với quần áo giá rẻ, dễ hư hỏng.

Trong báo cáo quý mới nhất của H&M, hãng này cho biết số lượng quần áo, váy, nữ trang đang tồn kho của họ có giá trị 4,3 tỉ USD. Lượng hàng tồn kho bắt đầu trở nên nghiêm trọng từ năm 2018, khi hãng này thông báo doanh thu sụt giảm.

Đây là sự sụt giảm đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, quãng thời gian mà H&M bành trướng từ một cửa hàng bán đồ nữ ở phía tây Stockholm (Thụy Điển) thành mạng lưới khổng lồ với 4.700 cửa hàng toàn cầu.

Lượng khách hàng bước vào cửa hàng giảm do họ chuyển qua mua sắm trên mạng, giá cả cạnh tranh ở những nơi khác. Hãng cho biết lượng hàng tồn kho đã tăng 7% năm qua. Là một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, với hàng trăm triệu sản phẩm được đưa ra thị trường mỗi năm, H&M còn có một nhà máy điện ở Vasteras, nơi mà H&M mở cửa hàng đầu tiên, chuyên dùng để đốt hàng bị lỗi mà không bán được để tạo năng lượng.

Hãng đã đóng cửa một số cửa hàng ở Nam Phi, và còn phải đối mặt với những cơn khủng hoảng truyền thông do hình ảnh quảng cáo không phù hợp (một em bé da đen mặc chiếc áo ghi dòng chữ “Con khỉ bảnh nhất trong rừng - Coolest monkey in the jungle.”.

Từ đầu những năm 2000, việc kinh doanh của các hãng thời trang bán lẻ như ASOS, H&M và Inditex (chủ Zara) đã bùng nổ, nhờ khả năng sản xuất ở quy mô lớn các mẫu mã tương tự như trên sàn diễn thời trang trở thành những món hàng rẻ tiền. Persson, cháu của nhà sáng lập H&M đã thừa nhận rằng sự chuyển đổi nhanh chóng của ngành đang tạo ra nhiều áp lực với công ty.

Nhưng không phải hãng bán lẻ thời trang ở phân khúc tầm trung nào cũng sẽ gặp khó khăn và suy thoái vào năm 2019.

Redding dẫn Everlane – với mô hình bán trực tiếp cho khách hàng như một ví dụ về một hãng bán lẻ có mô hình hoạt động mới hơn, hứa hẹn đem đến những món đồ được làm tốt hơn, phù hợp dùng trong thời gian lâu hơn.                    

Hai doanh nghiệp đang nổi lên trong ngành thời trang dùng rồi là ThredUp và The RealReal  RealReal đã bán đồ xa xỉ dùng rồi trên mạng từ năm 2011. CEO Julia Wainwright nhắm tới thay đổi cách nhìn nhận về việc bán đồ xa xỉ cũ, và đã gọi được 288 triệu USD để mở rộng kinh doanh trên mạng.

RealReal đã có 2 cửa hàng và 9 điểm gửi đồ. Các thương hiệu Julie đã bán gồm Stella McCartney, Alexander McQueen, Versace, Rolex, Cartier, và cả Patek Philippe.

Ngoài ra, trang web cũng mở rộng ra cả đồ nội thất. Không chỉ kéo dài thời gian sử dụng của các món hàng,

The RealReal còn đảm nhận cả những công việc như xác minh tính xác thực của thương hiệu, phục chế sản phẩm. Công ty cũng cung cấp dịch vụ định giá chuyên gia miễn phí với những mặt hàng xa xỉ.

Theo công ty nghiên cứu Green Story Inc., các sản phẩm dệt sẽ gây ra 25% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2050, bất kỳ xu hướng nào hướng về nền kinh tế tuần hoàn cũng đều đem lại lợi ích cho trái đất. Mua một đồ dùng rồi có thể giảm khí thải CO2 82%.

Hội đồng tái chế hàng dệt may (Council for Textile Recycling) ước tính Mỹ sẽ tạo ra 35,4 tỉ pounds chất thải dệt may năm nay. Quỹ Ellen MacArthur Foundation cho biết hơn ½ quần áo thời trang nhanh bị vứt bỏ chỉ trong chưa đầy 1 năm. 50% quần áo, giày, và các  đồ từ vải vóc có thể dùng lại được, 45% có thể tái chế được và có thể sử dụng làm giẻ lau hay cắt nhỏ để luồn vào gối, làm nệm hay thảm.

Theo tác giả Eiko Maruko Sinewer của cuốn Waste, Consuming Postwar Japan, nghĩ kỹ trước khi mua là một trong ba trụ cột quan trọng 3R, gồm giảm tiêu dùng, sử dụng lại, và tái chế (Reduce - Reuse – Recycle) để có thể giảm tác động tới môi trường.

Hai khái niệm tưởng chừng đối chọi nhau là “thời trang” và “bền vững” đang được bắt cặp với nhau, trở thành mối quan tâm của những tín đồ mua sắm. Vậy có những cách nào để hướng tới thời trang bền vững?

Trao đổi quần áo cũ, đồ dùng cũ. Bằng cách này sẽ kéo dài vòng đời sử dụng của món đồ.

Mua và sử dụng đồ second-hand

Thời trang chậm là các sản phẩm được làm ra bằng những cách thức thân thiện với môi trường, nhìn từ góc độ thương hiệu. Ở góc độ người tiêu dùng, thời trang chậm nghĩa là mua ít, mua đồ chất lượng để dùng được lâu bền. “Tôi rất hà tiện. Nên tôi không mua đồ chóng hỏng”.

Khi mua đồ, hãy tìm hiểu xem thương hiệu bạn mua có đảm bảo tiền lương phù hợp cho công nhân, cải thiện chất lượng cuộc sống của họ không. Bây giờ, với Google, rất ít thông tin có thể ẩn náu dưới ánh mặt trời.

Cẩn trọng với những chứng nhận thời trang bền vững, vì nhiều thương hiệu đang nắm bắt kịp xu thế này, ngày càng có nhiều tổ chức cung cấp hết chứng nhận này tới chứng nhận khác cho các công ty để đánh lừa khách hàng.

Mua hàng địa phương, do người địa phương sản xuất. Cách này sẽ giảm tác động tới môi trường và hiệu ứng khí nhà kính.

Cuối cùng, thời trang bền vững chính là một phong cách sống tối giản, mua và dùng vừa đủ, thải ra môi trường chất thải ít hơn.

Theo wtvox.com

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận