TTCT - Có hai nhóm lý do cho những cuộc tảo hôn đang hiện diện tại nhiều vùng núi Tây Bắc. Một cuộc tảo hôn rất dễ hình thành, và cực khó để ngăn chặn. Một người mẹ 16 tuổi với hai đứa con đã chập chững biết đi tại Co Lóng, xã Lóng Luông - Ảnh: Hồ Minh ĐứcNgày 1-7-2016, Mùa Thị Dáy (*) bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016. Với nhiều bạn cùng trường, kỳ thi ấy là chìa khóa để mở ra những cánh cổng mới. Với Dáy, đó là dấu chấm hết cho con đường học vấn. Cô đã gom tất cả những luyến tiếc với 12 năm đèn sách, cộng thêm những lời động viên của thầy cô và bè bạn, để dự kỳ thi này. Hôm đó, Mùa Thị Dáy vừa sinh con được 20 ngày.Trong đầu Dáy, những phép tính mơ hồ hiện lên. Cô là một học sinh khá và có quyền nghĩ đến một suất dự bị đại học dành cho học sinh miền cao. Cô đã nghĩ đến khả năng bế đứa con nhỏ đi học. Nhưng lập tức, Dáy nhận ra đó là một suy nghĩ viển vông.Suy nghĩ đọng lại trong Dáy, nhiều năm về sau này, là tại sao mình lại quyết định lấy chồng khi đó, năm mới 17 tuổi. Không ai hiểu. "Em đã nghĩ, không biết vì sao bạn lại quyết định đi đến hôn nhân nhanh vậy", người bạn cùng trường nhớ lại. Người cha đã khóc khi nghe tin. Ông không muốn con gái mình lấy chồng sớm. Trong ký ức của Dáy là những ngày tháng bố đưa mình từ huyện này sang huyện kia để đi học. Ông muốn con gái được đi học, thậm chí học cao.Nhưng Dáy đã tự ra quyết định, bằng nhận thức của một cô bé 17 tuổi. Trong cộng đồng của cô, một quyết định hôn nhân như vậy gần như không thể vãn hồi.Sự đầu hàng của DáyNgày 8-5-2015, khi Dáy chia sẻ ảnh mình và người chồng mới lần đầu tiên trên Facebook, hầu hết bình luận đều là sự ngỡ ngàng. "Em gái lấy chồng thật rồi à" - một người bạn hỏi - "Sao lấy sớm vậy?". "Muộn nhất huyện Vân Hồ rồi đó anh"- cô trả lời.Cho đến trước kỳ nghỉ hè năm lớp 11, Dáy không hề có ý định lấy chồng. Cô học sinh Sơn La vẫn đang trên đường hoàn thành ước nguyện của cha - theo học hết THCS và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là một hành trình đòi hỏi quyết tâm của nhiều gia đình tại Vân Hồ (Sơn La) lúc đó. Huyện mới thành lập, các em phải đi 15 cây số sang huyện Mộc Châu để theo học phổ thông.Nhưng suốt những ngày tháng đi học đó, Dáy đã phải đương đầu với áp lực dư luận. "Người ta cứ hỏi sao chưa lấy chồng, hỏi nhiều lắm" - cô nhớ lại. Hàng xóm hỏi, bà con hỏi. "Họ bảo con gái nhà này 17 tuổi chưa có chồng là không ai lấy rồi" - những lời hỏi đi kèm với đánh giá. "Muộn nhất huyện Vân Hồ rồi" thực ra là quan điểm mà đám đông đã áp đặt lên Dáy thành công.Bạn bè đồng trang lứa trong bản cũng đã lấy chồng lấy vợ hết. Khi Dáy đầu hàng áp lực dư luận và nghĩ đến lấy chồng, thậm chí người mà cô chọn là người nam cùng lứa duy nhất trong xã còn chưa có vợ. Lý do để chọn chỉ có thế. Cô cũng không còn nhớ mình đã đưa ra quyết định trong mấy ngày, chỉ nhớ rằng mọi thứ diễn ra rất nhanh, và bố đã khóc.Tại Vân Hồ, theo phong tục của người Mông, khi quyết định kết hôn, chàng trai và cô gái sẽ tự về nhà chồng mà không cần sự đồng ý của bố mẹ. Sau khi ở nhà chồng được ba ngày mới tiến hành ăn hỏi và thách cưới. Khi đó, bố mẹ cả đôi bên, đặc biệt là bố mẹ cô gái được đẩy vào một "thế đã rồi". Ngay sau khi con gái về nhà người, nó đã thành "con ma nhà người", vẫn như cách mô tả của Tô Hoài hơn nửa thế kỷ trước. Họ không có quyền cho con gái quay trở lại nhà mình nữa.Có hai nhóm lý do để những cuộc tảo hôn vẫn hiện diện tại vùng đất này: Đầu tiên, chúng rất dễ bắt đầu - một cuộc hôn nhân có thể hình thành chỉ sau một lời tuyên bố. Sau đó, chúng rất khó để ngăn chặn hay kết thúc. Lời tuyên bố đó đi kèm sức mạnh thần quyền.Lời cầu hôn thời đại sốTừ lúc hai đứa trẻ gặp nhau lần đầu tiên cho đến khi chúng chính thức trở thành "vợ chồng" theo phong tục, có thể chỉ tính bằng tiếng đồng hồ."Bây giờ có cái Facebook đấy" - phó chủ tịch xã Lóng Luông, Giàng A Gia nhận định. Hai bạn trẻ có thể kết bạn qua mạng, gặp nhau lần đầu, thích nhau và sau vài chục phút đã có mặt tại nhà người nam để bắt đầu tiến trình trở thành vợ chồng."Vừa yêu được 2 tiếng thì anh ấy hỏi có cưới không", một cô bé 14 tuổi tại Vân Hồ chia sẻ trên sóng VTV về một người bạn quen qua Facebook. Tổng thời gian từ lúc kết bạn qua mạng đến lúc thành vợ người ta là trong hai ngày.Minh, 15 tuổi, vừa kết hôn với bạn gái kém một tuổi hồi tháng 3-2023. Quy trình đã được chuyển đổi số: buổi tối, cậu hẹn bạn gái đi chơi rồi đưa về nhà mình, gọi một cuộc điện thoại thông báo cho bố mẹ cô gái rằng "tôi đã lấy con gái bố mẹ". Ba ngày sau, hôn lễ được tiến hành.Gần như Dáy, Minh chia sẻ lý do lấy vợ bằng một thứ quy ước vu vơ về nghĩa vụ. "Bố mẹ có tuổi rồi nên em phải lấy vợ", cậu nói. Bố cậu năm nay 36 tuổi.Mở Facebook giữa những kỳ nghỉ lễ, rất dễ gặp ai đó đang check-in bên những tán mận trắng, những đồi chè hay nếp nhà người Mông ở Vân Hồ. Du lịch đang bùng nổ. Giữa huyện miền núi là một đô thị đang thai nghén với đường bê tông sáu làn xe.Cung đường Pà Cò - Lóng Luông với địa hình biệt lập từng là địa chỉ nóng về ma túy của cả nước - Ảnh: Hồ Minh ĐứcNhững tín hiệu kinh tế lấp lánh. Kỷ niệm 10 năm thành lập huyện là một chương trình nghệ thuật quy mô với đầy nghệ sĩ tên tuổi từ Hà Nội; giải xe thể thao tường thuật trực tiếp trên VTV và hàng đoàn xe dưới xuôi lên dự hội. Dọc quốc lộ 6 đang mọc nhà hàng, homestay và nông trại dâu tây - thứ đặc sản mới ở vùng khí hậu này. Trong 10 năm, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm một nửa.Nhưng những tín hiệu kinh tế đó chưa làm suy chuyển những định kiến lâu đời.Năm 2021, ở Vân Hồ có 72 cặp tảo hôn trong tổng số 265 cặp kết hôn, theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện. 144 đứa trẻ lấy vợ lấy chồng. Nhưng trong văn bản xác định mục tiêu vận động chống nạn tảo hôn của trung tâm y tế cuối năm đó, người ta nhìn thấy một mục tiêu cho năm 2022: "Giảm 0,5% tỉ lệ tảo hôn". Viết bằng chữ: không phẩy năm phần trăm.Năm 2022, số ca tảo hôn tăng lên tới 81. Nhưng vì năm đó có nhiều cặp kết hôn hơn nên tỉ lệ tảo hôn lại thành ra giảm.Thống kê gần nhất ở quy mô toàn quốc (số liệu năm 2018) cho thấy tỉ lệ tảo hôn vẫn đang chiếm đa số trong cộng đồng người Mông, với mức 51%. Con số này tăng so với lần thống kê trước đó của UN Women (năm 2015, hơn 30%). Tại Vân Hồ, thống kê riêng của Trung tâm Y tế huyện, khẳng định rằng trong năm tháng đầu năm 2023, đã có 53 cặp tảo hôn trong tổng số 165 cặp kết hôn, với tỉ lệ 32%.Theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện - những người đang phụ trách các chương trình về sức khỏe tiền sinh sản trong cộng đồng, tình trạng tảo hôn "có xu hướng gia tăng".Những yếu tố tạo ra những ca tảo hôn đều hình thành một cách tự nhiên: áp lực của một bộ phận cộng đồng, những người thuộc thế hệ trước, vốn cũng kết hôn từ khi 14, 15; định kiến giới nặng nề về vai trò "trước sau gì cũng lấy chồng, sinh con" của người con gái; hôn nhân được tuyên bố và thừa nhận một cách tối giản, chỉ cần ý chí nhất thời của cả hai đứa trẻ. Và như nhận định của những cán bộ tại Vân Hồ, do những kết nối mới thông qua Internet.Không cần tiếng sáo gọi bạn, không cần những đêm hội, không cần ném-bắt quả pao, mạng xã hội đã giản lược hóa tất cả những kết nối cần thiết để những thiếu niên này đi đến một quyết định hôn nhân.Một đi không trở lạiXuất thân là công an viên, ông Giàng A Gia đã 20 năm leo trèo khắp các sườn núi chiến đấu với thế lực nguy hiểm nhất vùng này, các băng nhóm buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Nhưng ông dùng từ "bất lực" khi nói đến những trường hợp tảo hôn.Những nỗ lực ngăn chặn tỏ ra yếu ớt trước sức mạnh của phong tục. Trước mặt Giàng A Gia, trong nhà cộng đồng của bản Lóng Luông, nơi ông kiêm nhiệm chức bí thư chi bộ, là một tờ kiểm điểm đảng viên. Một đảng viên sinh năm 1989 vừa tổ chức đám cưới cho con trai - một đứa trẻ đang học THCS - và chi bộ ban hành hình thức kỷ luật "Cảnh cáo". Hậu quả mà chi bộ phải gánh chịu là "mất thi đua".Về mặt chính quyền, mức phạt việc tổ chức đám cưới cho những đứa trẻ là 3 triệu đồng. Đó không còn là số tiền lớn, ở nơi mà đám cưới có thể tiêu tốn cả trăm triệu đồng."Chúng tôi đã lập cả hồ sơ gửi lên viện kiểm sát yêu cầu xem xét khởi tố một vài trường hợp rồi", vị bí thư bản tâm sự. Nhưng viện kiểm sát cũng chưa tìm được hình thức phù hợp cho việc khởi tố: trong hầu hết trường hợp, cả hai "đối tượng" tham gia vào vụ việc đều chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.Ngay cả những người trong cuộc, như bố của Mùa Thị Dáy, cũng không thể cưỡng lại sự thiêng liêng của phong tục. Trong kịch bản quyết liệt nhất, khi cô dâu trẻ thay đổi quyết định (sau cái gật đầu "đồng ý cưới"), họ cũng không được trở về sống tiếp trong nhà bố mẹ. Phong tục quy định như vậy. Nếu con gái bỏ về, bố mẹ sẽ phải dựng một căn nhà hoặc một cái lán bên cạnh để cho con sống.Những đứa trẻ tại Vân Hồ thành thạo đi xe máy từ khi vào tiểu học - Ảnh: Hồ Minh ĐứcCâu chuyện của Giàng Thị Kim Hoa có lẽ là một điển hình của cuộc giằng co giữa cái dễ và cái khó, để rồi kết cục nghiêng về cái dễ.Hoa "về nhà chồng" lần đầu tiên năm lớp 8. Với cô Hòa, giáo viên chủ nhiệm của em ở Trường THCS Lóng Luông, đó là một cú sốc. Mười lăm năm từ dưới xuôi lên làm giáo viên tại Vân Hồ, cô chứng kiến không biết bao nhiêu em học sinh bỏ học để đi lấy vợ, lấy chồng. Nhưng "lần nào cũng vẫn choáng", cô nói.Đêm đầu tiên ở nhà chồng, Hoa hối hận. Qua điện thoại, cô Hòa đã ra sức động viên và ủng hộ quyết định bỏ trốn về nhà bố mẹ của em. "Tất cả sẽ ổn hết", cô nói khi Hoa ra quyết định trốn về, phá vỡ khế ước hôn nhân mới hình thành. "Em không phải giải thích với ai cả, người ta nói gì kệ người ta". Đó là lần đầu tiên trong 15 năm, cô tưởng rằng mình đã thuyết phục thành công một đứa trẻ từ bỏ việc tảo hôn. Ngày hôm sau, cô thấy Hoa quay trở lại lớp.Nhưng cái khó xuất hiện. Hoa không được đặt chân vào nhà bố mẹ đẻ. Họ dựng cho em một cái lán để sống ở cạnh nhà. Hoa có thể bỏ chồng nhưng đã là con ma nhà người - em chỉ có thể có chốn nương thân theo đúng một cách: lấy một người chồng khác.Cái dễ lại tiếp tục xuất hiện. Hoa quen một bạn trai mới, ở cách đó hai chục cây số về phía Hòa Bình. Cô bé là một người hoạt động năng nổ trên mạng xã hội.Chỉ vài tháng sau khi quay trở lại lớp, cô Hòa hụt hẫng khi nghe tin Hoa lại đi lấy chồng.Sau 15 năm, cô Vũ Thị Hòa vẫn sốc mỗi lần có học sinh bỏ học để lấy vợ lấy chồng - Ảnh: VSFCuộc giằng co của định kiếnTại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, mỗi sáng sớm khi mặt trời chưa lên và những triền núi vẫn chìm trong sương, những người Mông tổ chức một tour lên núi. Họ đưa du khách đi tìm và ngắm những con vượn thiêng. Đàn vượn chỉ hơn chục con mà người Mông ở Hua Tạt đã lập lời thề không săn bắn.Hua Tạt là một bản Mông Đen, một nhóm cộng đồng được nhận định là "có tỉ lệ tảo hôn cao hơn" từ các thầy cô và cán bộ chính quyền. Nhưng nằm bên quốc lộ 6, giữa những rừng thông, dân Hua Tạt lại nhìn thấy cơ hội kinh tế sớm: họ nổi tiếng vì chuỗi homestay được làm bài bản, được khởi xướng bởi Tráng A Chu - một người Mông giỏi làm ăn có tiếng ở đất này. Một thương hiệu du lịch của Vân Hồ.Đó là quê hương của Tráng Thị Xuân (*). Cô là bạn học cấp II của Dáy. Xuân xuất hiện trong những câu chuyện của Dáy với nhiều sự tiếc nuối: sau kỳ thi tốt nghiệp năm 2016, Xuân tiếp tục theo học trường dự bị dân tộc, rồi học tiếp lên một đại học y khoa.Xuân tự nhận rằng mình "có lẽ may mắn hơn các bạn". Bố phải bỏ học từ năm lớp 5, mẹ chưa từng một ngày được đến trường, họ quyết bù đắp bằng việc nuôi con ăn học. Cô gái sinh năm 1998 thấy đầy lý do khách quan khiến tỉ lệ tảo hôn tăng.Hủ tục và định kiến giới với người con gái, theo Xuân, là một phần lý do. "Từ xưa đến nay mọi người hầu như đều quan niệm rằng con gái học xong thì cũng về lo cho nhà chồng, chứ bố mẹ nuôi ăn học bao năm chưa báo đáp được gì thì lại gả đi. Rồi là cho đi học xong về cũng không xin được việc, vì không quen biết, không có mối quan hệ. Mà dù sao không đi học nữa thì lấy chồng sớm sinh con đẻ cái sớm sau này còn được nhờ sớm, khổ trước sướng sau".Nhưng với tư cách một người đã vượt qua, cô còn thấy cả những trở ngại về kinh tế. Giống như Dáy, Xuân cũng phải xuống tận Mộc Châu, thuê trọ cách nhà gần 20 cây số để học cấp II và cấp III. "Nếu đã học đến cấp II thì phải đạp xe 10-15km mỗi ngày để đến được lớp - Xuân nói - Còn nếu đã học cấp III thì đường từ nhà đến trường càng xa hơn vì mỗi huyện chỉ có một trường cấp III". Cô tự ước tính, đến 3/4 học sinh lứa mình phải thuê trọ gần trường để theo học."Chính bản thân các em học sinh cũng tự cảm thấy áp lực kinh tế gia đình mà bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình làm nương rẫy. Như vậy vừa không trở thành gánh nặng của gia đình vừa giúp được gia đình", cô phân tích. Điều này tạo thành "một vòng quanh quẩn" không học nữa thì kết hôn.Thầy hiệu trưởng Lường Văn Huyển (THCS Lóng Luông) buồn bã khi nói đến tình trạng bỏ học vì tảo hôn - Ảnh: Phương Lê.Cô giáo Hòa có thể lờ mờ nhận ra những phụ huynh nào có nguy cơ cho con em kết hôn sớm ngay từ khi chúng vẫn còn đến trường. Điều đó thể hiện ngay trong cách giao tiếp với thầy cô. "Khi cô giáo chủ nhiệm trao đổi, sẽ có một nhóm trở về và bảo ban con; một nhóm sẽ bỏ qua", cô kể, "Cảm giác rằng việc cho con đi học với họ ngay từ đầu đã không phải việc quan trọng"."Những ai ra ngoài làm ăn, tiếp xúc nhiều với xã hội, giao thương với các nhóm sắc tộc khác, sẽ có xu hướng nhận ra rằng kết hôn sớm rất khổ". Cô Hòa, cũng như nhiều người đứng "bên kia cuộc chiến" chống tảo hôn, tin rằng đó là một vấn đề mang tính cộng đồng. Những bản làng đóng kín cả về kinh tế, văn hóa và tư tưởng sẽ bảo lưu tập tục của họ mạnh mẽ hơn.Những điều vô lý cũng dần thành bình thường. Dáy giờ đã thành thiếu phụ, học được cách tìm niềm vui khi trở thành người nội trợ, làm nương, nuôi các con lớn. Chút nuối tiếc chỉ thỉnh thoảng xuất hiện khi nói đến những người bạn học cao, làm doanh nhân, bác sĩ.Bố của Dáy cho đến đứa con sau vẫn cương quyết không chấp nhận việc tảo hôn: cách đây vài năm, ông tìm cho em trai của Dáy một người phụ nữ đúng tuổi để kết hôn. Nhưng rồi cuộc hôn nhân, vì sự duy ý chí của người cha, cũng không hạnh phúc. Người vợ bỏ về nhà ngoại năm ngoái.Dáy bảo, cố ép mà không yêu cũng có ở được với nhau đâu. Năm nay, em trai Dáy lại đưa về một cô bé 14 tuổi. Lần này, người cha không ngăn cản nữa.(*)Tên nhân vật đã được thay đổi. Bên kia cuộc chiếnSâu xa trong phó chủ tịch xã Giàng A Gia, cô giáo Vũ Thị Hòa và thầy hiệu trưởng Lường Văn Huyển của Trường THCS Lóng Luông đại diện cho những người vẫn cương quyết đấu tranh, trong một cuộc chiến mà họ thừa nhận rằng "nhiều khi cảm thấy bất lực". Các giáo viên và cán bộ nơi này vẫn dành nhiều tâm huyết và tự tạo ra các chiến dịch vận động tới các em và cha mẹ. Trường Lóng Luông còn có vở kịch riêng, do các em đóng, về nạn tảo hôn, đem diễn ở cộng đồng.Trong các chương trình của Quỹ Vì tầm vóc Việt, một tổ chức NGO tại Hà Nội thực hiện về bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái năm 2023, nhiều người tình nguyện tham gia là các cán bộ thôn bản đã từng tảo hôn."Lấy nhau sớm khổ lắm", Sùng A Rê, một cán bộ Đoàn của thôn Pa Chè, xã Vân Hồ, nói. Anh đang có một ngôi nhà khang trang và hai đứa con học phổ thông nhưng không thể quên ký ức của những ngày vợ chồng nuôi con đau ốm, tự dựng nhà ở tuổi 16, 17. Hầu hết các buổi gặp gỡ thanh niên trong bản, Rê đều tuyên truyền nội dung này. Có lý do để tin rằng tỉ lệ có thể sẽ còn cao hơn nếu không có những nhân tố "cảm thấy bất lực" này. Tags: Lời cầu hônKỳ thi tốt nghiệpNgười mẹ 16 tuổiLấy chồng sớmHuyện Mộc ChâuBuôn bán ma túyCô dâu trẻHọc sinh bỏ họcTảo hôn
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.