Giữa trưa, chúng tôi cùng một thầy giáo vùng cao lội ngược dãy Ngọc Linh đặt chân tới nóc Lang Lương - điểm trường chênh vênh trên triền núi thuộc xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Không dám mua quần áo
Cô Hồ Thị Hẹn năm nay 30 tuổi nhưng đã có bảy năm dạy học ở Lang Lương. Nữ giáo viên vùng cao này cho hay suốt bảy năm qua cô vẫn là một giáo viên hợp đồng, lãnh mỗi tháng từ 3 - 4,6 triệu đồng.
"Khoản này thực sự chỉ đủ đổ xăng và mua sữa cho con. Đường lên trường lầy lội và quá xa nên xe hư liên tục, mỗi lần hỏng lại phải vay mượn để sửa, mình gần như không dám mua quần áo hay son phấn gì cho mình. Cố gắng từng ngày để vào biên chế thì mới đỡ chật vật hơn", cô Hẹn nói.
Đầu tháng 9, khi chứng kiến hình ảnh hai thầy cô giáo trẻ quản lý, nuôi học lẫn chăm bẵm gần 50 đứa trẻ tại một điểm trường nằm lọt thỏm giữa núi rừng và tách biệt hoàn toàn với bên ngoài, những tình nguyện viên từ thành phố đã rơi nước mắt khi tận mắt thấy nỗi vất vả và tha thiết với nghề của hai thầy cô giáo hợp đồng. Đó là thầy Nguyễn Văn Nhân và cô Nguyễn Thị Tý ở điểm trường nóc Ông Bình.
Cô Tý cho biết vì yêu thương và chọn theo nghề giáo nên cô đã thi vào hệ trung cấp sư phạm Trường đại học Quảng Nam để theo đuổi giấc mơ làm cô giáo vùng cao.
Vào giai đoạn đó, cơ hội giành một suất biên chế vẫn còn mở ra với hệ trung cấp, cao đẳng sư phạm. Năm 2017, cô Tý bật khóc khi được trao quyết định hợp đồng lên dạy ở điểm trường nóc Ông Bình.
Dù với mức lương chỉ hơn 4 triệu đồng, cô vẫn theo nghề và chờ đợi ngày được tuyển dụng. Nhưng mọi thứ đóng sập lại khi từ năm 2019 chính sách tuyển dụng thay đổi theo hướng giáo viên phải ít nhất đạt trình độ từ đại học trở lên.
Câu chuyện của cô Tý cũng là nỗi buồn của thầy Nhân. Thầy giáo Ca Dong này đã dạy ở nóc Ông Bình suốt bốn năm qua. Thầy Nhân nói rằng trước khi tăng lương từ 1-7, thầy lãnh mỗi tháng chỉ 3,2 triệu đồng.
Với khoản tiền 4,6 triệu đồng, mức lương mới sẽ giúp thầy bớt chật vật hơn. Nhưng mọi thứ vẫn là quá khó khi người vợ của thầy Nhân vừa cưới cũng chưa có việc làm, đường từ nhà tới trường phải chạy xe máy 2-3 tiếng bò giữa vực cao lởm chởm đá và lầy lội.
Trong khi đó, cô Tý thậm chí còn khó hơn khi phải nuôi hai con, chồng cô bị ung thư máu và qua đời bốn năm về trước.
Bữa trưa đơn sơ giữa rừng
Chúng tôi luồn rừng già tìm vào điểm trường Ông Tuấn nằm bên kia trung tâm xã Trà Dơn mấy ngọn núi để gặp ba thầy cô giáo cắm bản nơi hang sâu cùng cốc. Để vào đến điểm trường này, cứ đầu tuần các thầy cô giáo lại cõng ba lô lặc lè gạo, mắm, muối và những bịch cá khô chát mặn từ trung tâm xã lên đến con đường đất. Từ đây, xe máy được bỏ lại và hành trình luồn rừng 2-3 tiếng mới vào tới điểm trường.
Trên triền cỏ trống trải hiếm hoi bao quanh giữa rừng già, điểm trường đơn sơ được dựng lên và nhiều năm qua là nơi dạy chữ cho 45 học sinh con em đồng bào Ca Dong ở khối mầm non, tiểu học.
Bám trụ ở đây là bốn thầy cô giáo, trong đó có một thầy giáo người địa phương vừa mới được vào biên chế chính thức. Ba người trẻ gồm: cô giáo Hồ Thị Lan (31 tuổi), cô giáo Hồ Thị Thiện (25 tuổi) - phụ trách khối mầm non, cùng thầy Hồ Văn Ngọc (25 tuổi) - phụ trách tiểu học vẫn đang là giáo viên hợp đồng.
Chúng tôi được các thầy cô giáo mời ở lại dùng cơm giữa rừng già. Mỗi bữa cơm của các thầy cô chứa đầy nỗi nghẹn ngào, sự kham khó nhưng họ vượt qua tất cả để theo nghề.
Trên nền đất ướt lạnh, những chiếc nồi ám đen khói được dọn ra cùng vài chiếc bát sứt mẻ, đôi đũa bằng cành cây rừng. Thức ăn đãi khách là cá khô kho thật mặn, một vài quả trứng luộc và chén nước mắm.
Thầy giáo Hồ Văn Ngọc cho biết mỗi tháng các thầy cô thay nhau ra chợ trung tâm xã để mua đồ ăn rồi cõng vào. Tới cuối tháng hết bao nhiêu thì tổng kết lại rồi chia đều.
"Như tháng vừa rồi tụi tôi mỗi người đóng gần 700.000 đồng tiền thức ăn. Gạo thì bà con cho, rau rừng thì tự hái, tiền chủ yếu là mua cá khô, mắm muối với một ít trứng rồi đầu tuần đổ chung một nồi kho thật mặn, tới bữa thì lấy ra ăn. Ăn đơn giản vậy mà chi tiêu còn không đủ, riêng tôi mỗi tháng lãnh 4,6 triệu đồng, số tiền này phải dành ra 2 triệu cất riêng để đi học liên thông lên đại học", thầy Ngọc nói.
Khi thầy cô giáo được cộng đồng "trả lương"
Từ đầu năm học 2023 - 2024, khi câu chuyện giáo viên hợp đồng vẫn mòn mỏi bám núi để cõng chữ lên cho học trò vùng cao được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ trong một lễ khai giảng trên núi cao, một nhóm thiện nguyện tại Đà Nẵng đã phát động quyên góp để "trả lương" cho giáo viên còn hợp đồng.
Anh Nguyễn Bình Nam - chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau (Đà Nẵng) - cho biết tới nay hàng chục giáo viên đã được nhà hảo tâm trên cả nước nhận "trả lương" hằng tháng. Mỗi thầy cô giáo sẽ được cấp một mã số riêng, nhà hảo tâm sẽ quyết định chọn hỗ trợ theo từng mã số rồi gửi "lương" từ 1-2 triệu đồng/tháng cho tới khi thầy cô được tuyển dụng chính thức.
Tấm vải rách trong "nhà công vụ"
Các thầy cô giáo ở điểm trường Ông Tuấn dẫn chúng tôi vào khu "nhà công vụ" được chia một ô nhỏ, thưng bằng gỗ nằm lọt giữa hai phòng học. Ô trống chỉ chưa đầy 10m2 nhưng đặt hai tấm sạp gỗ, ngăn cách nhau bằng một tấm vải rách.
Thầy Ngọc ái ngại bảo rằng cả bốn thầy cô ngủ chung một chỗ này, bên kia rèm là hai nữ giáo viên, còn bên này là nơi nằm của hai thầy giáo.
Nghịch lý thiếu thừa
Ông Võ Đăng Thuận - trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My - nói rằng do điều kiện đặc biệt khó khăn, số điểm trường đóng trên núi cao dày đặc, điều kiện dạy học cơ cực nên biên chế giáo viên của huyện luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng. Hiện nay biên chế được giao là hơn 800 nhưng có tới hơn 200 thầy cô giáo đang hợp đồng.
Lý giải về nghịch lý thiếu biên chế trầm kha nhưng vẫn có hàng trăm thầy cô giáo bám trường lớp với đồng lương của giáo viên hợp đồng mà không thể vào biên chế, ông Thuận nói rằng nguyên do chính là các thầy cô giáo này chưa tốt nghiệp đại học nên chưa đủ điều kiện dự tuyển.
Trong khi đó, hằng năm có rất nhiều giáo viên bỏ việc để về đồng bằng vì ở Nam Trà My quá khó khăn, thậm chí nhiều cán bộ quản lý cũng chấp nhận về xuôi làm giáo viên hoặc chuyển việc.
"Chúng tôi đang tìm mọi cách để hỗ trợ thêm đời sống cho giáo viên diện hợp đồng, tạo điều kiện công việc để các thầy cô có thể đi học đại học rồi thi tuyển và đưa vào biên chế chính thức", ông Thuận nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận