TTCT - Nhà ông ở sát bờ sông. Ngôi nhà được xây dựng từ bao giờ, ông không biết chính xác nhưng những cây cột gỗ tròn trong nhà vẫn còn in lại ngấn nước ngập cao khỏi nền hơn một mét, cho thấy nhà phải có trước ngày xảy ra trận lụt lớn ở địa phương. Minh họa: Ry Nguyễn Năm ấy, ông mới sáu tuổi, vừa vào học trường tiểu học nổi tiếng nhất tỉnh. Ngôi nhà từng được xem xét để công nhận là nhà cổ. Không biết là may hay rủi khi nó không đạt ở vài tiêu chí, trong đó có một phần nền nhà được thay gạch tàu cũ bằng gạch bông sản xuất hồi thập niên 1970. Từ ngoài lộ lớn muốn vào nhà ông phải đi men theo một lối nhỏ bề ngang chưa đầy hai mét. Phía trước nhà nhìn ra dòng sông là một khoảnh sân nhỏ có bàn thờ thiên và cây lão mai tết năm nào cũng rực vàng bông nở. Thế mà bạn ông, khi trả lời báo đã khẳng định rằng dọc theo bờ sông trước mặt nhà ông ngày trước đã có một con đường, sau này bị nước sông làm sạt lở mất. Ông tự hỏi “ngày trước” là ngày nào khi tuổi ông và bạn xấp xỉ nhau mà ông lại chưa hề biết đến “con đường” ấy. Hay “ngày trước” là thời hai người chưa ra đời, thời ông cha đã lấn chiếm con đường vào đất nhà mình? Nếu thế thì tội lỗi quá đi... Ông chỉ đoán về “ngày trước” chứ không nghĩ về thời gian sau này, khi ông vẫn sống trong nước còn bạn ông thì đi du học và sống ở nước ngoài mấy chục năm, mới về quê được dăm năm nay. Chuyện vào thời gian này, ông dám đưa đầu ra bảo lãnh là không hề có con đường đi nào ở ven sông ngang qua trước nhà ông. Vậy nhưng bạn ông đã khẳng định rồi đó! Con đường ven sông bị lở, nay đổ đất đá chẳng qua là để bồi lấp lại thôi! Điều không đúng sự thật ấy cũng có lỗi một phần ở ông. Nhà báo có gặp ông để hỏi nhưng ông từ chối trả lời. Ông có nhiều điều khó nói dù đã có lúc ông nghĩ những người lên tiếng bảo vệ dự án có phải là người sống tại ven sông này đâu mà lý sự... *** Nhóm thợ bắt đầu đổ đất đá đến đoạn sông trước nhà ông. Ông ra đứng gần bàn thiên để xem họ làm việc. Đất nhà ông cao hơn mặt nước sông chừng hơn mét, từ hồi cha ông còn sống đã xây mấy bậc ximăng dẫn xuống sông, có cánh cổng sắt ở bậc trên cùng được khóa ngăn không cho con nít xuống. Những người thợ đổ đất đá xong, lấy một tấm tôn cũ dựng ngang mép hai bên lối xuống sông, rồi san đất phía ngoài cho bằng phẳng. Vậy là giữa sân trước nhà ông và khu đất mới đổ có một cái “hố” mà từ trên bờ bước qua sáu bậc thang thì đụng... tấm tôn cũ! Ông nói với toán thợ: - Sao mấy cậu không đổ lấp luôn mấy cái bậc thang cho bằng phẳng? Một người thợ đáp: - Bản vẽ ghi lấp tới đâu tụi tôi lấp tới đó thôi. Trong đó là nhà chú, tụi tôi đổ, chú kiện thì sao? Ông bật cười, khẽ lắc đầu... Rồi ông lấy điện thoại gọi cho người cháu bà con là một thành viên quan trọng của công trình. Một lát sau, ông thấy một người trong toán thợ, có lẽ là tổ trưởng, nghe điện thoại. Nghe xong, anh ta nói với toán thợ: - Sếp nói lấp luôn mấy cái bậc thang của ông chú kia. Làm đi. Nhớ lấy tấm tôn lên để xài việc khác. Nhóm thợ làm theo lệnh, không ai nói nửa lời. Chắc trong số họ có người đoán ông già đứng trên sân nhà kia phải là một người quan trọng chứ không thể coi thường! Ông mà quan trọng gì! Một thầy giáo về hưu, tháng một lần ra phường nhận lương hưu. Vợ mất, ông sống cu ky với hai đứa con đã trưởng thành, ngoài ba mươi tuổi cả rồi mà vẫn chưa đứa nào chịu lập gia đình! Hằng ngày, con đi làm, ông trông nhà, hết coi truyền hình lại đọc báo, rồi đọc sách. Đêm về, ông thường ra tấm phản gỗ nằm ngủ, không đóng cửa để đón những làn gió sông tạt qua... Các con ông cằn nhằn: “Ba để cửa lỡ trộm nó vô nhà thì sao?”, hoặc: “Gió máy không lường được đâu ba ơi! Ba phải lo giữ gìn sức khỏe chớ...”. Nói sao cũng có lý nhưng ông chọi lại cái “lý” bằng cái “lỳ”. Riết rồi tụi nhỏ đành chịu thua. Có điều, ông cũng khó có thể “lỳ” mãi được. Mai mốt, phía trước nhà là công viên hay đường sá gì đó, khỏi phải nhắc ông cũng đóng cửa khi đi ngủ. Bởi chẳng còn dòng sông liền nhà như một hàng rào nước an toàn, cũng chẳng còn làn gió mát nào thổi tới khi sông ở cách xa tới hàng trăm mét! *** Ồn ào! Hầu như tất cả những tờ báo giấy, báo mạng đều có bài viết về việc đổ đất đá xuống đoạn sông ngang nhà ông. Chính quyền chính thức lên tiếng bằng văn bản và họp báo để khẳng định việc cấp phép của mình là đúng. Nhưng dư luận lan ra cả nước thì không đồng tình như thế. Trừ báo địa phương, dĩ nhiên rồi! Cuối cùng dự án phải dừng lại chờ làm ĐTM mới trước khi có quyết định cuối cùng. Ông không còn giữ im lặng được nữa. Trong một buổi cà phê với bạn bè, ông nói ra cái ý không hề có con đường nào đi ngang qua bờ sông nhà mình như bạn ông từng nói để ủng hộ dự án lấn sông. Ngay chiều hôm ấy một cậu nhà báo tìm đến nhà ông để xin ông khẳng định lại điều đã nói. Đầu tiên thì ông chối, chẳng phải ông sợ gì mà chỉ vì không muốn làm mích lòng bạn. Cậu nhà báo bèn xin lỗi là buổi sáng ở quán cà phê, nghe nhóm bạn già của ông ngồi bàn kế bên nói chuyện này nên đã lén ghi âm câu chuyện, trong đó có đoạn ông nói. Chuyện đã đến thế này thì ông chẳng còn giấu giếm được nữa. Ngày hôm sau, báo dẫn lời của ông trong bài viết mới nhất. Và rồi, điện thoại reo. - Nè, sao ông nỡ “chơi” tôi vậy? Vụ con đường bờ sông đó! - Tôi xin lỗi. Nhưng đó là sự thật. Ông không giải thích lý do vì sao câu nói của ông lại “lên báo” vì thấy chẳng ích gì. Mặt khác, ông cũng đã xác định mình phải dũng cảm nói lên sự thật. Ông chỉ nói về con đường, còn về dự án nói chung, ông vẫn chưa có dịp bày tỏ quan điểm. - Ông có biết là ông đã làm mất uy tín tôi không? Tôi nói luôn, cái tình bạn của tụi mình đó, oong poong phi nan! A đi ơ!(*) Ông chưa kịp nói gì thì điện thoại của bạn ông đã ngắt. Một tiếng thở dài không nén được trong lồng ngực ông. Đành vậy thôi! *** Dòng sông chảy ngang qua nhà ông một đỗi thì tách ra làm hai nhánh, ôm gọn cái cù lao màu mỡ trước khi nhập lại rồi hướng về phía biển xa. Có lẽ một lúc nào đó sông có điều mâu thuẫn, buồn lòng nên mới chia thành hai ngả mà trôi đi. Nhưng chẳng bao lâu khi trong lòng bình lắng lại, chúng đã tìm cách gặp lại nhau, hợp nhất. Cuộc đời cũng không ít cuộc chia tay rồi đoàn tụ. Vậy mà giữa ông và bạn ông, lỡ xảy ra nông nỗi này, sao mà khó quá! Dự án đã dừng lại nhiều tháng vẫn chưa thấy có quyết định gì mới. Cỏ mọc gần khắp khu đất đá được đổ lấn sông. Thỉnh thoảng có người đi bộ qua khu đất ra sát mé nước cúng kiếng, thả cá phóng sinh. Tiếng chuông mõ vọng vào, nằm trong nhà, ông nghe rõ mồn một. Mỗi lần như thế, ông gấp cuốn sách đang đọc hoặc rời khỏi màn ảnh truyền hình, nhắm đôi mắt lại tìm sự tĩnh tâm và thầm cầu mong tình bạn của mình sớm được nối lại... Những tháng ngày này dòng sông đã ở cách xa ông, không còn vỗ ì oạp vào bờ mà trò chuyện với ông như trước đây. Hồi ông còn nhỏ, cha ông hay nhắc không được lén nhảy sông tắm vì dưới sông có những con ma da sẵn sàng kéo chân những đứa trẻ xuống đáy, ba ngày sau mới thả cho nổi lên mặt nước. Lớn lên một chút thì ông hiểu đó chỉ là cách dọa trẻ để tránh bị chết đuối. Chẳng có ma da nào dưới sông mà chỉ có những đứa trẻ không biết bơi hoặc bất cẩn nên bị nạn. Từ hồi đó ông đã cảm nhận dòng sông không chỉ là dòng nước vô tri mà trái lại, sông cũng có tâm hồn, cũng buồn vui, hờn giận như con người. Sông chẳng muốn dìm chết những đứa trẻ, cũng chẳng muốn làm buồn lòng ai... Nhưng phải chăng giờ đây sông vì giận dỗi con người làm thu hẹp dòng chảy của mình mà đẩy chiếc sà lan va vào một trụ cây cầu sắt bắc qua nhánh sông lớn, khiến cho một nhịp cầu gãy đổ xuống lòng sông. Tin khó tin ấy loang khắp nơi như gió một cơn bão mạnh vào buổi trưa ngày chủ nhật. Đúng là khó thể tin nổi cây cầu đã đứng vững trên trăm năm này lại bị gãy. May mà có người kịp tri hô để chuyến xe lửa sắp đến cầu dừng lại. Vậy là giao thông đường sắt Bắc Nam bị đình trệ. Những người có trách nhiệm cao nhất nước về giao thông lập tức có mặt để đưa ra những quyết định cấp thiết, trong đó có việc làm lại cây cầu mới thay toàn bộ cầu cũ. Cầu mới sẽ chỉ còn ba nhịp so với bốn nhịp của cầu cũ. Cầu mới có phần đường cho xe lửa chạy hẹp hơn cầu cũ. Nhưng cầu mới sẽ có đường về một phía cho xe máy, xe đạp và người đi bộ lưu thông hai chiều. Cầu mới sẽ được thi công khẩn trương... Những thông tin dồn dập về cây cầu sập phủ đầy mặt báo, đẩy chuyện đổ đất đá lấn sông vào một góc quên! Với ông, chuyện cây cầu cũ sập, cây cầu mới được xây cũng cuốn hút suy nghĩ của mình. Mỗi ngày, ông đạp xe qua cù lao, đến ngôi đình thờ vị quan triều Nguyễn có công thiết lập nền hành chính cho cả miền Nam cách nay hơn ba trăm năm, hay qua sân trước ngôi chùa cổ của người Hoa gần đó, ngồi hàng giờ để xem người ta cắt rời nhịp cầu gãy, rồi ba nhịp cầu còn lại, đưa lên sà lan, đặt tạm ở ngay khu đất lấn sông. Hóa ra cái việc bị dư luận rầm rộ phản đối cũng “có ích” về phần này! Những ngày tiếp theo là đổ trụ, gia cố mố hai bờ cho cầu mới. Rồi ba nhịp cầu được làm mới ở đâu đó được vận chuyển đến, cũng đặt tạm ở khu đất lấn sông trước khi lao dầm, hoàn thành cầu. Nhưng chuyện đổ đất đá lấn sông cũng vẫn hằng ngày nằm trong tâm trí ông. Bởi một lẽ đơn giản, cái khu đất đá ấy ở chính phía trước sân nhà ông, nơi mỗi ngày mở cửa ra - từ khi những người công nhân bắt đầu đến đây làm việc thì ông đã không còn thói quen mở cửa suốt đêm nữa - là ông lại nhìn thấy! Gió sông ở xa không vào tới. Cỏ và những cây hoang mọc lên um tùm. Đôi khi thoảng mùi xác chết của gà, vịt... ai đó vô ý thức ném ra khu đất. Không biết bao giờ thì chuyện này mới được giải quyết rốt ráo? Cũng như bao người dân, ông mòn mỏi chờ câu trả lời... Mà dù thế nào đi nữa thì dòng sông cũng chẳng vui gì, người người cũng vẫn xót xa... *** - Ông hả? Ra quán gần nhà ông uống cà phê với tôi nha! Ông bất ngờ khi nghe điện thoại của bạn. Và ông nhanh chóng trả lời: - Ờ! Tôi ra ngay... Ông tới nơi thì bạn ông đã ngồi sẵn sau chiếc bàn nhỏ nhìn ra khu đất đá. Sông ở tít xa, khuất sau đám cỏ cao đến ngực người. Trên bàn có sẵn hai phin cà phê và hai ly đá. - Vẫn nhớ thói quen của tao à? - Ông kéo ghế ngồi cạnh bạn, hỏi với cách xưng hô thân tình cũ để thăm dò. - Sao không nhớ! - Chờ tao có lâu không? - Chờ gì! Tao ra ngồi đây một mình, buồn quá nên gọi mày ra cho có bạn... - Tụi mình vẫn là bạn thiệt chớ? - ông không thể không hỏi. - Thôi! Mày đừng cắc cớ hỏi vậy. Cũng đừng nhắc tới chuyện trả lời báo dịp nào nữa... Sáng nay, tụi mình ngồi đây chỉ để nói chuyện ngày xưa thôi... - Ờ... ngày xưa có hai thằng nhóc tì ưa trốn người lớn ra nhảy sông tắm truồng... - Phải rồi... Hồi đó tụi mình đi men theo hẻm nhỏ giữa hai nhà người ta để ra sông, chớ ven bờ sông này đâu có con đường đi nào... Đúng là bạn ông đã nói! Vậy là đủ! Ông biết mà... Trước sau gì thì hai nhánh sông cũng nhập lại thành một để cùng chảy hướng ra biển. Thật lạ, sáng nay trời sớm trong vắt, tuyệt nhiên không có dấu hiệu gì của một cơn mưa, vậy mà lại xuất hiện một cơn gió mạnh. Gió từ sông xa thổi vào. Nhất định thế! Vì ông thấy rõ những ngọn cỏ trên khu đất đá nghiêng dạt hẳn vào phía trong bờ... ■ (*): Tiếng Pháp Un point final! Adieu! Nghĩa: Một dấu chấm hết! Vĩnh biệt! Tags: Truyện ngắnKHÔI VŨXót xa sông
TP.HCM khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ Xuân Ất Tỵ 2025 NHƯ BÌNH 27/01/2025 Tối 27-1, Đường hoa Nguyễn Huệ tại trung tâm TP.HCM chính thức khai mạc, chào đón hàng ngàn lượt khách đến du xuân sớm.
Ông Trump hạ gục nhanh Colombia bằng bài trừng phạt: Thông điệp mạnh cho thế giới DUY LINH 27/01/2025 Ông Trump dường như muốn thông qua Colombia để gởi lời cảnh báo tới các quốc gia khác về cách chính quyền ông sẽ làm để đạt được mục tiêu và lợi ích cho nước Mỹ.
Giá bán nhiều loại rau củ, thịt heo... vẫn giữ ổn định dù vào cao điểm Tết NGUYỄN TRÍ 27/01/2025 Ngày 27 và 28 Tết được xem là hai ngày cao điểm của sức mua nhưng do năm nay mức tiêu thụ tương đối chậm nên giá bán phần lớn ổn định, thậm chí có mặt hàng giảm giá.
Nhóm cảnh sát Thái Lan bắt nhốt 7 người Trung Quốc, đòi tiền chuộc DUY LINH 27/01/2025 Ít nhất 8 người, trong đó có 4 cảnh sát và 1 kiểm lâm Thái Lan, bị cáo buộc đã bắt cóc 7 người Trung Quốc để đòi 2 triệu baht (khoảng 60.000 USD) tiền chuộc.