Mỗi khi thiên tai giáng xuống miền Trung, đồng bào cả nước đều thương cảm ngó về, chia sẻ “xót xa khúc ruột miền Trung”.
Từ lâu, lũ miền Trung được xác định là lũ dữ, loại lũ nếu không xây được hồ chứa lớn ở thượng lưu để điều tiết, cắt lũ cho hạ lưu thì giải pháp cơ bản nhất vẫn là “né, tránh” lũ.
Hiện nay, tất cả các tỉnh miền Trung đều đã có quy hoạch thủy lợi, trong đó có nội dung quy hoạch lũ. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, miền Trung còn thiếu một quy hoạch phòng tránh lũ chung cho cả vùng nhằm không chỉ cập nhật những yếu tố biến đổi khí hậu và những thay đổi bất thường của thời tiết, mà còn xem xét vấn đề lũ một cách toàn diện hơn, khoa học hơn, từ đó xây dựng một chiến lược phòng tránh lũ cho dải miền Trung căn cơ và lâu dài hơn.
Đối với lũ miền Trung, quản lý lũ phải được xem xét từ cả hai khía cạnh: hạn chế lũ từ thượng lưu và kiểm soát có mức độ (theo tần suất và theo khả năng). Để hạn chế lũ xuống hạ lưu, phải tiến hành rà soát, cải tạo và nâng cao dung tích chứa lũ cho các hồ chứa đã xây dựng như Phú Ninh, Đồng Nghệ, Liệt Sơn, Núi Ngang... phù hợp với sự biến động của khí hậu.
Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các hồ chứa lớn như Tả Trạch để góp phần cắt lũ. Các hồ chứa cần có sự phối hợp giữa các ngành nhằm vận hành theo hướng đa mục tiêu kết hợp phát điện, cắt lũ, cung cấp nước cho hạ du, trong đó ưu tiên cho cắt lũ vào mùa mưa. Cần phải coi trọng việc bảo vệ rừng đầu nguồn, thảm thực vật vừa có tác dụng làm chậm lũ vừa không bị bào mòn, chuyên chở phù sa làm tác động đến hạ lưu. Các công trình chắn ngang dòng chảy của lũ trên đường Trường Sơn, quốc lộ 1 cũng phải được xem xét mở rộng khẩu độ thoát lũ và có xem xét đến sự biến động khí hậu trong tương lai.
Ở hạ lưu, các công trình như kè Đại Cường thuộc tiểu dự án chỉnh trị sông Quảng Huế, công trình chống sạt lở ở xã Phú Thuận (Thừa Thiên - Huế) chỉ được xây dựng lại khi đã làm rõ về mặt kỹ thuật. Các hiện tượng bồi lấp cửa sông liên quan đến mối tương tác sông - biển cần thu thập, đo đạc số liệu cơ bản, nghiên cứu cơ sở khoa học, trước khi tiến hành xây dựng các công trình chỉnh trị lòng sông, cửa biển, công trình cảng, công trình thoát lũ... để tránh tình trạng đầu tư “tiền mất tật mang” như vừa qua (Tuổi Trẻ ngày 25-11-2008).
Phòng tránh lũ miền Trung không phải là chỉ riêng của ngành thủy lợi, do đó các công trình liên quan đến hạ tầng cơ sở kể cả giao thông, xây dựng... đều bắt buộc phải lồng ghép yếu tố phòng tránh lũ trong đánh giá tác động môi trường của dự án.
Song song với biện pháp công trình phòng chống thiên tai miền Trung, phải coi trọng đúng mức đến các biện pháp phi công trình như dự báo, cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn cả trước, trong và sau lũ.
Phương châm “bốn tại chỗ” phải được các cấp, các ngành và từng người dân địa phương quán triệt, thực thi một cách “thuần thục” nhất. Từng tỉnh, khu vực phải xác định rõ khu di dời ở đâu, quy mô ra sao, khi thực hiện có phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp, từng ngành.
Bộ Tài nguyên - môi trường cần kết hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiến hành rà soát, xác định lại các cấp báo động lũ cho phù hợp với thực tế ở cả miền Trung và Tây Nam bộ nhằm nâng cao ý thức phòng tránh và cảnh giác hơn với hiểm họa lũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận