Rừng đặc dụng Rú Lịnh rộng gần 100ha thuộc 2 xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh), là cánh rừng nguyên sinh duy nhất còn lại ở vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị. Trong rừng có nhiều cây to hơn một người ôm, tán rừng rậm rạp trở thành nơi chim di cư tránh rét nhiều năm qua.
Những chú chim di cư không có đường về
Từ tháng 11 đến tháng 3, đàn chim di cư về rừng đặc dụng Rú Lịnh để tránh rét cũng là thời điểm người dân quanh Rú Lịnh vào rừng bắn, bẫy chim.
Từ bìa rừng vào khoảng 50m, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã tận mắt thấy bẫy chim di cư dưới tán rừng Rú Lịnh.
Bẫy chim làm từ thanh tre vót nhỏ bằng chiếc đũa, một đầu nhọn cắm sâu xuống đất, phía trên cột sợi dây cỡ 30cm và lưỡi câu cá. Mồi câu là giun đất. Quanh chỗ cắm bẫy được "thợ câu" quét sạch lá rừng để chim dễ thấy mồi. Một vùng rộng khoảng chục mét vuông cắm hàng loạt bẫy san sát nhau.
Càng đi sâu vào rừng, bẫy chim càng la liệt, cắm san sát nhau. Chúng tôi gặp một chú chim vừa dính bẫy, nhưng chưa kịp trở tay thì chú chim đã chết sau ít phút vung cánh tìm cách thoát thân.
Đàn chim di cư này được người địa phương gọi là chim troọc, nhỏ cỡ 3 ngón tay, màu lông vàng và đen, hay tìm ăn giun dế dưới mặt đất. Mỗi con chim được làm sạch lông, nội tạng bán giá 25.000 đồng. Thời điểm chim nhiều, có "thợ săn" mỗi ngày săn được 70 - 80 con, thu nhập hàng triệu đồng. Ngoài bán trực tiếp, người dân còn cấp đông và chuyển đi xa khi có yêu cầu. Việc săn và bán chim diễn ra công khai ở giữa thôn và trên mạng xã hội.
Nhiều năm về trước, người dân còn bẫy được chim di cư có mang vòng ở chân với dòng chữ "Japan". Do nạn săn chim diễn ra công khai và rầm rộ nên nhiều người ví "đàn chim cảm tử, ra đi không có đường về".
Chỉ tuyên truyền, bảo vệ chung chung
Ông Đào Văn Phi - hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Linh - cho hay về mặt luật pháp, rừng đặc dụng cấm hoàn toàn việc tác động nên bẫy bắt chim trong rừng Rú Lịnh là không được phép. Ông Phi thừa nhận có hiện tượng bẫy bắt chim di cư trong rừng Rú Lịnh.
Tương tự, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn cũng thừa nhận nạn bẫy bắt chim di cư trong rừng đặc dụng Rú Lịnh diễn ra nhiều năm qua, và mua bán công khai giữa thôn và trên mạng xã hội.
Vị này cho hay trong năm 2023 có tham mưu xã Vĩnh Hòa và Hiền Thành bảo vệ chim di cư nhưng chỉ đề cập chung. Còn năm 2024, vì là đầu mùa chim di cư về nên chưa ban hành văn bản.
"Cuối tháng 10-2024, Ban Chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng xã Hiền Thành họp và tôi có nói về chim di cư, có đề cập đến trong nhiều nội dung cuộc họp", vị này cho hay. Trên thực tế, chưa thấy có việc tuần tra, tháo gỡ bẫy hay tuyên truyền, vận động dù kiểm lâm biết có nạn bẫy bắn chim.
Trong khi đó, ông Lê Đức Kiêm - chủ tịch xã Hiền Thành - cho hay có thấy người dân chở dụng cụ bẫy bắt chim đi dọc đường nhưng không rõ đi vùng nào. Dù việc mua bán chim diễn ra công khai nhưng chủ tịch xã lại khẳng định người dân xã không bán sản phẩm chim di cư, động vật hoang dã, và chim có thể được người dân săn bắn, mua bán từ nơi khác về.
"Chúng tôi quán triệt anh em rừng tự nhiên rất quý, để chim di cư về trú ngụ, đất lành chim đậu, tuyên truyền bà con các thôn không bẫy chim di cư", ông Kiêm nói. Dù thế, năm 2023 xã Hiền Thành cũng chỉ ban hành văn bản gửi về để các thôn tuyên truyền. Ông Kiêm cung cấp thêm công chức xã không có thời gian, không được cấp kinh phí nên không thể tổ chức tuần tra, kiểm soát.
Từ năm 2016, rừng Rú Lịnh được UBND 2 xã Hiền Thành và Vĩnh Hòa cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sông Hiền CNF thuê làm dự án du lịch. 8 năm qua, dự án vẫn án binh bất động và chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó, chim di cư vẫn bị tận diệt hằng năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận