Đường gian nan của những đứa trẻ bản Làng Sáng - Ảnh: QUANG THẾ
Bà con khó khăn đến mức cơm còn không đủ mà ăn, ở tách biệt cuộc sống hiện đại nên tiếp thu văn hóa chậm nhưng học sinh thì khác, ra trường chính tiếp thu kiến thức ngang ngửa các bạn ở trung tâm"
Thầy Đặng Ngọc Phúc - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Háng Đồng
Đã từ nhiều năm nay, học sinh bản Làng Sáng, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, Sơn La muốn tới trường chỉ có một con đường độc đạo là băng rừng, lội suối 5-6 giờ đồng hồ trong đói, rét mới có thể tới lớp .
Để vào được Làng Sáng rất khó khăn. Thầy Thào A Vư, 33 tuổi, công tác tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Háng Đồng (xã Háng Đồng) đã nhận lời đưa chúng tôi vào bản.
Quãng đường gần 30km trong mưa phùn làm trời mù đến mức đứng cách vài mét cũng không thể nhìn rõ mặt người. Có những đoạn phải bám chắc vào cây dương xỉ, cỏ dại cao ngập đầu người để tránh bị rơi xuống vực sâu.
Xuất phát từ điểm trường chính được hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ thầy, trò dừng lại nghỉ lấy sức. Mấy học sinh lớn trong bản tìm khe suối múc nước uống.
Hướng mắt nhìn về dãy núi sừng sững phía trước, thầy Vư gạt mồ hôi trên trán bảo: "Học sinh đi từ bản chỉ mang theo ít cơm chứ không đèo thêm nước vì nặng không leo núi được. Thương các con lắm, đến người lớn cũng không dám vào bản nhưng học trò cứ phải đi đi về về…".
Đi thêm khoảng 2 giờ đồng hồ, vượt qua mấy con suối nước cạn mới đến được bìa rừng. Đến đây đoạn đường mới được một nửa, bắt buộc phải băng qua cánh rừng già cuối cùng mới vào được bản.
Ngày gió mùa về tại UBND xã Háng Đồng cũng chỉ khoảng 7 độ C nhưng càng vào sâu nhiệt độ giảm đến đột ngột.
Nhìn thấy cánh rừng già phía trước, không chỉ thầy giáo mà học sinh đã quen với rừng cũng nản vì sợ mưa.
Tranh thủ ôn bài trong lúc nghỉ chân - Ảnh: QUANG THẾ
Trên những tán cây gỗ lâu năm gặp trận gió cứ ào ào đổ nước lạnh buốt, dưới đất hơi lạnh bốc lên làm đầu tóc đến quần áo ướt sũng.
Trong rừng già, thầy Vư liên tục dặn học sinh vừa phải đi thật nhanh để tránh nước mưa vừa phải cảnh giác với rết, rắn hổ mang dưới chân…
Để học sinh không bị rắn độc cắn, không bị suối cuốn sau mỗi giờ học văn hóa, thầy cô tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Háng Đồng còn dạy thêm kĩ năng ứng biến với những tình huống bất ngờ của rừng thiêng, suối "độc".
Thầy Nguyễn Hữu Tùng - phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: trường luôn dặn học sinh tránh xa rắn độc và khi bị rắn cắn phải biết cách lấy lá cây rừng ngăn độc tố.
"Năm kia tuyết rơi phủ kín rừng, do không có sóng điện thoại, chúng tôi phải tìm mọi cách để liên lạc với trưởng bản thông báo không cho học sinh ra trường" - thầy Tùng nói.
8h tối, thầy Đặng Ngọc Phúc - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Háng Đồng khoác vội lên người chiếc áo bông cũ ngăn sương lạnh, rọi đèn pin xuống khu nhà ở bán trú để kiểm tra con số và hỏi han động viên từng học sinh.
Là một trong những cán bộ trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Háng Đồng có nhiều năm làm công tác vận động học sinh tới lớp, thầy Vàng A Dênh, 34 tuổi, tươi cười bảo rằng Làng Sáng đã đổi mới, dù còn nghèo túng nhưng đã ý thức được việc học chữ.
Đường đi học gian nan của học trò Làng Sáng - Ảnh: QUANG THẾ
Ôn lại bài ngay giữa rừng trước khi về đến nhà - Ảnh: QUANG THẾ
Nhóm học sinh Làng Sáng đi được nửa chặng đường từ trường về nhà - Ảnh: QUANG THẾ
Ngoài dạy văn hoá, nhà trường còn dạy các em tăng gia sản xuất - Ảnh: QUANG THẾ
Dù cuộc sống khó khăn nhưng khi tới trường học sinh Làng Sáng nhận được nhiều sự quan tâm của thầy cô - Ảnh: QUANG THẾ
Trong số gần 90 học sinh ở bản Làng Sáng theo học tại trường trung tâm xã Háng Đồng, có những em đang đứng trước nguy cơ không thể học tiếp lên cấp 3 vì hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn.
"Những em mất cha mẹ, gia đình khó khăn học xong cấp 2 là phải bỏ học vì không đủ điều kiện. Chứng kiến nhiều em lực học rất tốt nhưng phải ngậm ngùi bỏ ngang chúng tôi thương lắm nhưng không biết làm cách nào", thầy Vư xúc động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận