Sau khi phục vụ thi công, nhiều dự án đã hư hỏng, xuống cấp nặng nề, gây nguy hiểm cho người đi đường, ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Bà Trần Thị Xuân (65 tuổi) - người dân kinh doanh cạnh đường ĐT 617, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành - cho hay từ khi làm đường cao tốc, tuyến đường này bị xe tải cày xới hư hỏng nhiều nơi. Trong đó có những chỗ hư hỏng nặng, bong tróc hết mặt đường phải sửa chữa, chắp nối tạm bợ nhiều lần, xe cộ chạy qua dằn xóc bụi bặm, người dân than phiền lâu nay không ít.
Mới đây, một số đoạn hư hỏng nặng được bóc lên thảm nhựa lại, bà Xuân lo không biết yên ổn được bao lâu hay tới mùa mưa lại bong tróc như những lần trước. "Trước đây con đường này đẹp lắm, xe cộ người dân đi lại êm ái, an toàn, không có chắp vá lỗ chỗ như thế này đâu!" - bà Xuân than thở.
Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho hay việc chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chậm hoàn trả các tuyến đường công vụ đã gây bức xúc nhiều năm đối với cử tri, người dân trong tỉnh.
Theo đó, đến nay chủ đầu tư chưa hoàn trả hai tuyến đường tỉnh ĐT 611 và ĐT 617, tám tuyến đường huyện và đường ngang, đường gom dân sinh. Sau thời gian dài dùng làm đường chở vật liệu, trang thiết bị thi công đường cao tốc, các tuyến đường này đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, gây khó khăn cho giao thông, sinh hoạt người dân.
Theo ông Phước, vấn đề này đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đưa ra chất vấn nhiều lần tại nghị trường. Tuy nhiên đến nay cơ quan có trách nhiệm là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn chưa thực hiện hoàn trả. Liên quan vấn đề này, Bộ GTVT đã làm việc nhiều lần với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và VEC. Chủ đầu tư cũng đã cam kết sẽ thay nhà thầu chịu trách nhiệm sớm triển khai việc này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Do chủ đầu tư trì hoãn việc hoàn trả quá lâu gây bức xúc trong nhân dân, mới đây tỉnh Quảng Nam đã phải ứng ngân sách địa phương ra thực hiện khắc phục, sửa chữa trước một số đoạn tuyến hư hỏng nặng để đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại cho người dân.
Cơ quan chức năng cho biết việc sửa chữa hư hỏng những tuyến đường này tiêu tốn kinh phí lớn. Trong đó, kinh phí sửa chữa hai tuyến đường tỉnh khoảng 48,5 tỉ đồng, các tuyến đường huyện khoảng 24,3 tỉ đồng.
Nhà thầu không làm do không có vốn?
Trả lời Tuổi Trẻ, VEC nói rằng việc chưa hoàn trả các tuyến đường do dự án gặp một số khó khăn về nguồn vốn. Đến nay, mặc dù một phần vốn đã được giải quyết nhưng nguồn vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng và nguồn vốn thay thế nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới vẫn chưa được xác định.
Ngoài ra, thời gian thực hiện dự án và thời gian thực hiện hợp đồng với các nhà thầu đã kết thúc từ năm 2019 dẫn đến dự án không thể thi công các hạng mục còn lại, bao gồm việc thi công hoàn trả các tuyến đường địa phương. Do dự án không được bố trí vốn nên các nhà thầu xây lắp và tư vấn giám sát từ chối thực hiện các công việc còn lại và yêu cầu chấm dứt hợp đồng.
VEC cho biết đang nghiên cứu các phương án huy động vốn để báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án… làm cơ sở giải quyết các công việc còn lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận