Bạn bè hàng xóm cô cũng đang tất bật. Ở xóm Việt kiều Campuchia ấp Cả Bát (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, Long An) này chỉ nhộn nhạo được hai chập sáng - chiều.
Nhiều cha mẹ phải thất học
Lúc bình minh vừa hửng nắng, người dân xóm Việt kiều vui vẻ cân cá vừa đánh bắt trong đêm để bán cho thương lái.
Bữa cơm trong ngày họ có miếng thịt hay không, sắp nhỏ có được cha mẹ cho thêm chút tiền mua cây kem đá hay bịch bim bim vài ngàn đồng hay không tùy thuộc cữ bán cá lúc mặt trời vừa lên này.
Còn giác chiều chập choạng là lúc dân xóm túa ra bến cột vỏ lãi để chuẩn bị đi đánh bắt những mẻ cá cuối cùng của mùa nước nổi đang rút.
Cánh đàn ông châm xăng dầu, kiểm tra động cơ vỏ lãi. Phụ nữ thoăn thoắt xếp sẵn tay lưới và không quên bới thêm nồi cơm, nồi cá kho quẹt, hũ muối ớt để lót bụng cữ nửa khuya cho công việc nặng nhọc suốt đêm trên đồng nước mênh mông, lạnh lẽo.
Trước khi chúng tôi ghé thăm xóm, mấy anh ở huyện Tân Hưng khuyên nên đi đầu sáng hoặc xế chiều dễ gặp được bà con. Bởi trong ngày người đi làm cá mắm đêm thì ngủ vùi lấy sức, số ít không mần tay lưới thì cũng tỏa đi làm mướn đong gạo qua ngày.
Người phụ nữ tên Nguyễn Thị Thanh Hương phơi lục bình chúng tôi gặp trong xóm vừa bước sang tuổi 29 đã có đến ba người con. Bé lớn nhất 9 tuổi, sớm biết phụ cha mưu sinh trên đồng nước. Bé nhỏ nhất vừa lên 3 cũng lẫm chẫm theo mẹ phơi lục bình.
"Mùa nước nhảy đồng này, xóm nghèo tụi tui xôm tụ nhứt đó. Bà con được làm nghề cá mắm thạo tay, ít nhiều cũng kiếm một, hai trăm ngàn đồng ra đồng vô mỗi ngày để tụi nhỏ được cắn chút thịt lùa miếng cơm cho đỡ thèm.
Chứ mùa nắng cực lắm, hổng kiếm được việc dặm lúa, xịt thuốc để làm mướn thì đi mò ốc, vớt lục bình chỉ đủ đong gạo bén lửa nồi cơm" - Hương kể thêm cô còn sức khỏe mà mỗi ngày gắng lắm cũng chỉ kiếm được 50.000 - 70.000 đồng phơi lục bình bán, còn mò ốc thì chỉ được vài ba chục ngàn.
Thanh Hương đang tâm sự thì chồng tấp vỏ lãi vào. Anh Nguyễn Văn Sang trông già hơn tuổi 39 vì quanh năm lặn lội trên đồng, hết mùa nước làm cá mắm thì cày cuốc mướn để phụ vợ nuôi đàn con nhỏ. Ở Biển Hồ, Campuchia về quê hương từ con nước lớn năm 2000 nhưng anh chưa được đi đâu xa khỏi biên giới Long An.
"Tụi tui xem truyền hình thấy cảnh đông vui ở TP.HCM mà mắc mê dữ lắm, nhưng làm gì có điều kiện đi chơi. Quanh quẩn đồng ruộng, cứ khô mồ hôi là hết tiền. Lặn lội đêm hôm kiếm được con cá con mắm hay may mắn tìm ra việc mần mướn thì chút tiền vừa vô tay trái đã ra ngay tay phải để đong gạo bén lửa nồi cơm cho năm miệng ăn", anh Sang kể.
"Mà ổng nói cho sướng miệng vậy thôi chớ may mắn trời cho trúng số cũng làm gì dám đi chơi xa. Hổng có một tờ giấy gì lận lưng, nửa chữ cắn làm đôi cũng hổng biết thì dám đi chơi đâu xa ngoài đám ruộng này. Người ta treo biển xe buýt chỉ lên bến này xuống bến nọ, tụi tui cũng đâu biết đọc để đi được" - Nguyễn Văn Hiền, em trai Sang, vui vẻ góp chuyện.
Hiền cao ráo, nước da trắng trẻo hiếm hoi xóm chài nghèo nhưng năm nay đã 30 tuổi vẫn chưa vợ. Anh hổng ngại cười nói: "Cũng thèm vợ mắc chết nhưng chưa có vì tui nghèo quá xá cô nào mà chịu ưng".
"Thôi, đừng nói quá miệng để ông bà quở, ở đây ai hổng nghèo giống nhau", Hương đứng bên cười ghẹo em chồng. Chục năm trước, vợ chồng Hương đến với nhau cũng nghèo rớt, tài sản chỉ mỗi chiếc xuồng làm nghề cá mắm mà hôm nào "khô mái dầm", tức không đi làm cá được là hết tiền.
Cô kể xóm Việt kiều này có một số ít người lấy vợ, gả chồng bên ngoài nhưng hầu hết quanh quẩn lấy nhau. Nhiều cặp không biết chữ, tiếp tục sinh con cháu lại không biết chữ. Hương may mắn biết đọc, biết viết lập dập là "uy nhất nhì xóm" vì có chuyện gì cần chữ nghĩa bà con phải nhờ cô.
"Một số thanh niên ở đây cũng ráng dành dụm mua được điện thoại thông minh nhưng chỉ để coi TikTok không hà, đa phần không đọc được Facebook hay nhắn tin, trả lời tin nhắn gì đâu", cô kể.
Trò chuyện với bà con Việt kiều về quê hương mưu sinh, hầu hết đều không ngại thừa nhận mình "hông biết chữ".
Chỉ một số rất ít biết đọc biết viết lập dập nhờ được học các lớp do hội Việt kiều dạy bên Campuchia. Có người còn nói thẳng: "Ráng học được ít buổi rồi cứ cắm cúi chuyện cá mắm kiếm cơm nên rơi rụng dần hết con chữ, giờ chỉ đủ biết... viết tên".
Hàng xóm vợ chồng Thanh Hương, các anh Nguyễn Văn Hiền, Lê Văn Quắn thân tình mời chúng tôi uống trà nhưng bàn tới chuyện con chữ chỉ ngồi cười "vì biết gì đâu mà nói". Quắn, 33 tuổi, đã có vợ con, nói anh biết đếm cá trong thùng nhưng không biết đếm số trên giấy.
Bên Biển Hồ không được học chữ, đến khi dong xuồng về quê hương ngót 20 năm qua anh lại tiếp tục không được học chữ vì không có giấy tờ gì để xin vào trường lớp.
"Ngày về nước, tui 13 tuổi rồi, nói thiệt bụng có xin vô được lớp 1 cũng mắc cỡ. Nhưng mấy đứa nhỏ ở đây cũng đâu có đi học được vì cha mẹ, con cái đều hổng giấy tờ gì".
Mong đời con học chút chữ nghĩa để đỡ khổ
Ba đứa con vợ chồng Thanh Hương thì hai đứa lớn đều tới tuổi đến trường nhưng vẫn luẩn quẩn dang nắng dầm mưa với cha mẹ vì thiếu giấy tờ để xin nhập học.
"Vợ chồng tui giờ chỉ mong mấy đứa nhỏ đi học, không vô trường được thì có lớp tình thương để biết đọc biết cũng quý", người mẹ xóm nghèo nói đời vợ chồng mình chắc khó dứt ra được cánh đồng biên giới, nhưng họ mong đời con có thể bước xa hơn và chắc chắn cần có chữ nghĩa để làm được điều đó. "Nhiều lần con hỏi mẹ ơi sao con chưa được đi học? Tui chỉ biết trả lời con ráng đợi", Hương chùng giọng tâm sự cô đang đợi địa phương có lớp tình thương cho con mình đi học.
Cuối mùa nước nổi, chúng tôi đến các xóm Việt kiều bên các cánh đồng dọc biên giới đều nghe râm ran chuyện tay chài tay lưới, nhưng bàn đến việc học hành con cái thì ai cũng quan tâm đặc biệt khi hầu hết đời cha mẹ đều thất học.
Nhiều trẻ không được đi học. Những trẻ may mắn có giấy tờ như khai sinh tại Việt Nam thì được đến trường. Một số nơi cố gắng giải quyết vấn đề này bằng các lớp học tình thương, khó học lên cao nhưng các em cũng tạm biết đọc biết viết, cộng trừ nhân chia đơn giản. Tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa mở được lớp tình thương...
Anh Võ Văn Thoa (cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Long An) kể xã biên giới này có 41 hộ di dân tự do từ Campuchia về và đa phần là nghèo, ít người biết chữ.
Và 20 đứa trẻ của bà con được bộ đội biên phòng mở lớp tình thương dạy học đến lớp 3, một số ít có giấy khai sinh ở Việt Nam thì được đến trường xã. "Thấy con cái được đi học, bà con vui lắm. Trẻ nhỏ phải sớm phụ giúp cha mẹ nghèo mưu sinh nhưng ai cũng ý thức sắp xếp thời gian cho con mình được đi học cái chữ", anh Thoa tâm sự.
Trong căn nhà tôn lụp xụp cặp bờ kinh xã Hưng Điền A, bà Nguyễn Thị Lan, một Việt kiều Campuchia về từ năm 2009, kể vợ chồng mình đang "được nhờ" con gái biết chữ để có thể đi làm tận TP.HCM.
Cô Triệu Thị Diệu, con bà, có giấy tờ nên được học đến lớp 11 để xin việc nơi xa và mỗi tháng gửi về cho cha mẹ 2-3 triệu đồng. "Thế hệ tụi nó có chút chữ nghĩa là đỡ hẳn", bà Lan trải lòng hàng xóm mình ai cũng mong con cái được đi học cho tương lai đỡ khổ hơn đời cha mẹ...
Chiều cuối tháng 11, cánh đồng se lạnh và mùa nước nổi đang rút dần. Bà con Việt kiều về từ Campuchia lại chuẩn bị đi làm mướn, vớt lục bình, mò ốc hay bán vé số dạo đắp đổi qua ngày mà ngóng chờ mùa nước năm sau.
Những đứa trẻ may mắn được đi học đang chuẩn bị vào mùa thi. Còn những em chưa được đi học lại buồn buồn ngóng theo bạn cùng ước mơ tìm con chữ để tương lai được bước xa hơn khỏi cánh đồng biên giới...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận