20/11/2024 09:29 GMT+7

Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 2: Đỏ mắt ngóng mùa nước nổi để mần ăn

Từ trẻ nhỏ tới người lớn các xóm Việt kiều Campuchia đều ngóng con nước tháng 7 âm lịch, thời điểm họ chuẩn bị tay chèo tay lưới để vào cuộc mưu sinh mình thạo nhất trên cánh đồng nước nổi.

Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 2: Đỏ mắt ngóng mùa nước nổi để mần ăn - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Châu và hai con thơ trên chiếc vỏ lãi chuẩn bị đi mưu sinh đêm trên đồng nước - Ảnh: AN VI

Tất bật mùa nước nổi

Trước khi con nước tràn vào những cánh đồng bát ngát, người dân ở xóm Việt kiều Campuchia phường An Bình B (TP Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã vay tiền lái mua cá để sắm lưới, sửa ghe sẵn sàng cho 3 tháng mưu sinh mùa nước nổi.

Qua con đò vượt kênh Trung Ương đến xóm Việt kiều nghèo, không khí tất bật của những ngày cá mắm vô đồng cảm nhận được rất rõ. Tới đầu xóm đã thấy mấy tấm lưới chài vá chưa xong được vắt dọc xuống cột nhà, nhiều thanh niên thấy người lạ vào xóm nhìn ra với đôi mắt lờ đờ sau buổi chài đêm chưa kịp ngủ.

Bên dưới sông và ngoài cánh đồng nước mấp mé tới bờ, tiếng vỏ lãi xành xạch cả ngày. Mùa này không chỉ người dân xóm Việt kiều mưu sinh trên đồng nước, mà kế bên mấy hầm cá cũng thu hoạch, ghe xuồng lái mua ra vào xóm chài tấp nập.

Cỡ 5h chiều, cơm nước xong xui, vợ anh Nguyễn Văn Lua (43 tuổi, TP Cao Lãnh) nấu thêm 3 lon gạo nữa rồi gọi người chồng đang thiu thiu: "Anh đi kiếm đồ ăn làm cơm tối đi mần nè".

Vợ vừa ngớt lời anh Lua đã ra tới chiếc xuồng hơn 20 năm thăng trầm cùng mình, chèo qua bên kia bờ cách nhà chừng 500m, anh vớt lên 3 cái lợp trống không lắc đầu: "Rồi xong, khỏi có đồ ăn nghen, tối nay ăn mì tôm rồi".

Anh nói đặt lợp kiểu này phải cả đêm mới mong có cá lóc hay cá rô đồng, chứ mới đem ra bỏ hồi sáng giờ thăm khả năng cao là chưa có. Mà trong xóm này, người sở hữu lợp như anh Lua chỉ thuộc hàng thiểu số.

Anh nói: "Xóm này người ta chài lưới không hà, hiếm ai đặt lợp lắm, tại không đủ tiền sắm nhiều, như tôi mua có 3 cái này mà gần 200 bạc chứ đâu có rẻ. Lợp này thường dính cá ngon như cá rô đồng, cá chạch, cá lóc đồng, nhưng nếu muốn kiếm tiền được phải sắm ít nhất bộ cả chục cái, chứ đặt như tôi hổng ăn thua".

Nói rồi anh chèo ra cửa ruộng, cố kiếm thêm mớ đọt rau choai để tối có cái bỏ vô tô mì lấy sức chài.

Cách nhà anh Lua ba căn, chị Phạm Thị Châu, 24 tuổi, cũng đang xào mớ ốc xèo xèo dưới bếp. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Đậy, 27 tuổi, vẫn đang ngáy ngủ trên chiếc giường có hai đứa nhỏ một vừa lên năm, một vừa tròn 4 tháng.

Chị Châu nói mùa nước nổi này, vợ chồng chị đi làm cả đêm nên tranh thủ chợp mắt vài tiếng. Chị phải thức sớm hơn chồng để nấu cơm rồi tắm cho hai đứa nhỏ để dắt đi đồng.

Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 2: Đỏ mắt ngóng mùa nước nổi để mần ăn - Ảnh 2.

Vợ chồng chị Châu cố làm tới hừng sáng vẫn thất thu cá mú - Ảnh: AN VI

Con thơ cùng cha mẹ mưu sinh mùa nước

Đêm buông, khi ếch nhái ngoài đồng "lên nhạc" cũng là lúc vợ chồng chị Châu chuẩn bị đêm mưu sinh. Đi bao xa và chài tới chừng nào đều do anh Đậy quyết định.

"Bây giờ tui phải chạy ra tới đồng lớn ngoài kia rồi mới biết đường tính, đứng giữa đồng ngó coi mây trăng thế nào. Nếu gió ít thì đi cánh đồng cách đây cỡ 20 phút chạy vỏ lãi, còn thấy mây bay nhanh quá là trời có khả năng mưa, không đi xa được", anh Đậy nói kinh nghiệm.

Anh kể đi ghe lớn còn đỡ, chứ vỏ lãi kiểu này gặp trời mưa hay gió lớn quật lật như chơi. Đã nhiều lần anh chủ quan, trời nổi gió cả gia đình phải bỏ lưới chạy tấp vào bờ để núp.

Bỏ cơm nước vô giỏ, chị Châu ẵm em bé mới 4 tháng tuổi đi thẳng ra sau nhà lên vỏ lãi, anh Đậy đã xuống từ trước đó để đổ xăng và kiểm tra máy móc. Thằng cu Tèo 5 tuổi là người xuống sau cùng, còn nhỏ xíu đã thạo việc gỡ dây chằng cây sào cho cha lùi vỏ lãi ra sông.

Chạy chừng 4 phút là ra tới cánh đồng lớn, anh Đậy tấm tắc: "Trời đẹp!".

Theo anh Đậy, trời đẹp là chuyện của trời, còn có nhiều cá hay không thì hổng liên quan. Tuổi đời 27 cũng là chừng ấy năm anh Đậy lênh đênh sông nước, nhưng hỏi kinh nghiệm chọn chỗ có nhiều cá, anh lắc đầu: "Kiếm chỗ ít người chài thôi, chứ chuyện cá mắm đâu biết đường đâu mà lần. Nhiều khi người ta đặt hôm trước trúng cá, mình đặt lại chỗ đó hổng có con nào".

Trên ghe, gia đình anh phân chia công việc cho nhau. Chị Châu ẵm em bé cho bú, anh Đậy cầm lái chiếc vỏ lãi tìm chỗ chài, còn thằng cu 5 tuổi được ngủ, cỡ vài tiếng nữa thức canh em cho cha mẹ làm việc.

Chạy được chừng 30 phút, chiếc vỏ lãi nhỏ tới cánh đồng mênh mông nước, hai bờ đen kịt, không ánh đèn điện, trăng rằm 15 ẩn khuất sau lớp mây le lói chút ánh sáng làm cánh đồng trở nên óng ánh.

Anh Đậy tắt máy, lấy cây chèo bơi chầm chậm phía sau, phía đầu vỏ lãi chị Châu cũng tháo sẵn tay lưới gần 800m rải dần xuống. Trước đó, vợ chồng chị đã xếp sẵn lưới nên chỉ cần thả đúng đường thẳng sẽ không bị rối, mất gần 10 phút mới xong 800m.

Nếu trời gió, vợ chồng chị Châu sẽ thu lưới lại ngay sau khi rải, còn trời lặng như hôm nay sẽ ngâm đó khoảng 5 phút. Bước thu lưới chỉ cần đứng một chỗ nên anh Đậy lên phía trước phụ vợ xếp, chị Châu ngồi bên dưới kéo lên kiêm luôn việc gỡ cá.

Chiếc vỏ lãi lắc lư khiến đứa con nhỏ 4 tháng tuổi oe oe khóc, đó cũng là lúc cậu anh mới lên 5 bắt đầu nhiệm vụ dỗ em. Thả lưới rồi kéo lưới, vợ chồng chị loay hoay cỡ hai tiếng rồi vào ăn cơm, chuẩn bị chạy đến điểm khác chài thêm mấy tiếng buổi sáng sớm.

Một đêm ít cá

Tay lưới cuối kéo lúc 5h sáng khép lại đêm mưu sinh của gia đình Việt kiều Campuchia này. Trời trăng, gió lặng nhưng hôm nay… hổng có cá. Trong cái xô chừng 3kg lẫn lộn mè vinh với rô phi cùng 5 con rô đồng cỡ 4 ngón tay.

"Chừng này thì bán được cỡ trăm ngoài là hết cỡ hà, coi như nay đi là huề vốn. Hên là còn mớ cá ở nhà hồi chiều hôm qua tui chài thêm, chắc bán hết đủ tiền mua đồ ăn cho mấy đứa con", anh Đậy rầu rĩ nói.

Tính từ đầu mùa nước nổi tới nay, ngày kiếm được nhiều tiền nhất của gia đình anh Đậy là khoảng 300.000 đồng. Song theo anh, 10 bữa thì mới được một bữa như vậy, còn lại dao động từ 50.000 - 150.000 đồng/ngày.

Ở xóm chài nghèo, 300.000 đồng kiếm được trong mùa nước nổi là số tiền rất lớn đối với họ, bởi mùa khô người dân ở đây đi mò ốc ngày được 60.000 đồng đã mừng húm.

Gia đình anh Đậy về đến nhà lúc 5h30 sáng, mặt trời mới vừa ló dạng nhưng hầu như cả xóm chài nghèo đã thức từ trước đó. Cứ cách khoảng 3 căn, lại có một nhóm người cùng nhau quây quần bên ấm trà sáng "nói dóc" chờ lái tới cân cá.

Câu chuyện mùa này của họ không gì ngoài cá mắm. Thấy anh Đậy về mà mặt buồn hiu, cả nhóm người ghẹo: "Nay ăn cơm với muối quẹt tiếp nghen mậy". Ngoài những lời bông đùa, nhiều người cũng hỏi thăm hôm nay anh đặt ở đâu, rồi chỉ thêm vài điểm có nhiều cá mắm cho vợ chồng trẻ...

Anh Đậy cũng như nhiều ngư dân trẻ khác đứng trước cửa nhà, cười tươi rói. "Mong dư được kha khá tiền tui sắm cái xe máy cà tàng chạy đi chạy lại kiếm thêm việc, chứ đi bộ, đi vỏ lãi quài oải quá", anh Đậy kỳ vọng.

Không chỉ xe máy, cái bếp gas mới hay bộ đồ tinh tươm cho mấy đứa nhỏ cũng là niềm mong mỏi lớn của người dân xóm Việt kiều nghèo. Họ chạy ăn từng bữa, chỉ dám nghĩ tới những việc nhỏ xíu này khi con nước lên đồng cho cá mú về.

------------------------

Trên cánh đồng trắng xóa mùa nước nổi, lấp ló mấy bóng nhỏ xíu của tụi con nít xóm chài. Các em đổ mồ hôi phụ ba mẹ mưu sinh theo con nước.

Kỳ tới: Mồ hôi mưu sinh của những đứa trẻ Việt kiều trên đồng nước

Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 2: Đỏ mắt ngóng mùa nước nổi để mần ăn - Ảnh 3.Xóm Việt kiều Campuchia mưu sinh theo mùa nước nổi - Kỳ 1: Dắt díu nhau về tìm hy vọng ở quê hương

Nhiều người gốc Việt cất tiếng khóc chào đời ở biển hồ Tonle Sap, Campuchia, về nước với danh xưng Việt kiều nhưng đa số với bàn tay trắng, không biết chữ, không giấy tờ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên